Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Nông nhạc Hàn Quốc trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

2014-12-23

[Nông nhạc Hàn Quốc - hành trình khẳng định giá trị]Nông nhạc (Nongak) của Hàn Quốc là loại hình nghệ thuật phường nhạc hoặc gánh diễn nông dân, thường được chơi vào các dịp lễ để tăng hứng thú làm công việc đồng áng, qua đó tăng năng suất lao động, xua tan những nhọc nhằn và gắn kết tinh thần đoàn kết trong cộng đồng nông dân. Nông nhạc kết hợp nhiều loại hình nhạc cụ như bộ gõ Samulnori với trống Buk, phèng Kkwaenggwari, trống phong yêu Janggu và chiêng Jing, luôn tạo nên một bầu không khí sôi động, khiến những người đứng xem xung quanh cũng phải vỗ tay nhún nhảy. Các diễn viên múa kiêm nhạc công lúc thì tản ra, lúc thì chụm lại, di chuyển linh hoạt theo tiết tấu nhanh chậm của giai điệu. Và cứ đến đoạn cao trào, khi tiếng trống cùng các nhạc cụ khác đồng thanh đánh liên hồi, dồn dập thì khán giả cũng đồng loạt reo hò, vỗ tay tán thưởng.

Mang âm hưởng và hơi thở của dân tộc trong suốt mấy nghìn năm lịch sử, nông nhạc của Hàn Quốc đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong cuộc họp của Ủy ban di sản phi vật thể của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) được tổ chức tại thủ đô Paris (Pháp) vào ngày 27 tháng 11 năm 2014.

Trước đây, UNESCO đã vinh danh các di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc như tế lễ Tông miếu và nhạc tế lễ Tông miếu, lễ hội Tết Đoan Ngọ vùng Gangneung, múa hát vòng tròn Ganggangsullae, cách đi săn bằng chim ưng Maesanyang, võ thuật truyền thống Taekkyon, dân ca Arirang, văn hóa muối và chia sẻ kimchi Kimjang, và hát kể chuyện truyền thống Pansori. Lần này, nông nhạc đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thứ 17 của Hàn Quốc. UNESCO đã đánh giá rất cao tính nối kết cộng đồng và khả năng khơi dậy bầu không khí lạc quan, tích cực của nông nhạc Hàn Quốc. Bà Song Min-seon, trưởng phòng của Viện Di sản phi vật thể quốc gia cho biết:"UNESCO nhấn mạnh việc nông nhạc được hình thành một cách tự phát từ xa xưa và truyền lại đến ngày nay qua nhiều thế hệ. Ngoài ra, nông nhạc luôn được sáng tạo, phát triển không ngừng dựa trên nền tảng mối quan hệ tương quan gắn bó chặt chẽ giữa môi trường sinh hoạt của cộng đồng và lịch sử tự nhiên. Đây chính là những tiêu chí phản ánh sức sống nội tại, vai trò nối kết và khơi dậy năng lượng, niềm tự hào dân tộc cho cả cộng đồng, đất nước Hàn Quốc."



[Đặc trưng nông nhạc Hàn Quốc]Người ta biểu diễn nông nhạc không chỉ trong đời sống lao động tập thể thường ngày hoặc trong những ngày lễ tết để khuấy động bầu không khí, tinh thần đoàn kết của cộng đồng, mà còn cả trong những dịp cúng lễ của làng để xua đuổi vận xui, cầu chúc nhà nhà những điều tốt lành..

Hầu như mỗi một khu vực hay một làng ở Hàn Quốc đều có một phường nhạc riêng. Song có năm khu vực tiêu biểu, được coi là năm đại diện chính cho nông nhạc Hàn Quốc là: phường nhạc Chungjeong (tỉnh Gyeonggi), phường nhạc Yeongdong (tỉnh Gangwon), phường nhạc Yeongnam (khu vực các tỉnh Nam và Bắc Gyeongsang), phường nhạc Jwado (tả đạo) và phường nhạc Udo (hữu đạo) (các tỉnh Bắc và Nam Jeolla). Nông nhạc của cả năm khu vực tiêu biểu này cũng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Không chỉ thế, mặc dù cùng nằm trong một phái nông nhạc đặc trưng, nhưng mỗi phường nhạc ở mỗi làng xã lại có những cách biểu diễn khác nhau kể từ giai điệu, hình thức, tổ chức đội nhạc cho đến cả trang phục và nhạc cụ. Bởi vậy, thật khó để nói chính xác có tổng cộng bao nhiêu thể loại nông nhạc Hàn Quốc. Tuy nhiên, có sáu chủng loại nông nhạc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quan trọng của quốc gia như: nông nhạc Jinju-Samcheonpo (tỉnh Nam Gyeongsang), nông nhạc Pyeongtaek (tỉnh Gyeonggi), nông nhạc Iri (Iri là tên cũ của thành phố Iksan, tỉnh Bắc Jeolla), nông nhạc Gangneung (tỉnh Gangwon), nông nhạc Pilbong Imsil (tỉnh Bắc Jeolla), nông nhạc Jansu (sàn thủy) xã Gurye (tỉnh Nam Jeolla). Ngoài ra, còn có 25 phường nhạc được chọn là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và thành phố, ví dụ như nông nhạc Utdari (tỉnh Chungcheong) hiện đang được thành phố Daejeon bảo tồn.

[Triển lãm “Nông nhạc - nguồn cảm hứng của nhân loại”]Để chúc mừng sự kiện nông nhạc Hàn Quốc được ghi danh là văn hóa phi vật thể của nhân loại, Viện Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở thành phố Jeonju, tỉnh Bắc Jeolla, đã tổ chức một buổi triển lãm đặc biệt mang tên “Nông nhạc - nguồn cảm hứng của nhân loại”. Bà Choi Suk-kyung, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử thuộc Viện Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, giải thích: "Triển lãm được chia thành sáu chủ đề chính, trong đó có ba chủ đề giới thiệu về di sản nhân loại được UNESCO công nhận, ba chủ đề liên quan đến nông nhạc Hàn Quốc. Chủ đề nông nhạc cũng rất quan trọng, nhưng chúng tôi mong muốn nhân dịp này sẽ nâng cao hiểu biết và nhận thức về UNESCO. Bởi vậy triển lãm còn giới thiệu về các di sản văn hóa của các nước khác liên quan đến nông nhạc được UNESCO công nhận và 16 di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc đã được ghi danh trước đó."

Sáu chủ đề chính của triển lãm đặc biệt lần này có tên gọi cụ thể là: 1. Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại do UNESCO công nhận; 2. Phường diễn mở ra thế giới; 3. Năm nay trúng vụ, năm sau cũng sẽ được mùa; 4. Trông trời, trông đất, hái sao và cấy cày; 5. Giai điệu nhỏ, rung động lớn; 6. Sự gặp gỡ giữa nông nhạc và UNESCO. Trong chủ đề đầu tiên, triển lãm giới thiệu về giá trị và ý nghĩa của các Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại do UNESCO công nhận. Và chủ đề cuối cùng giới thiệu về quá trình nông nhạc Hàn Quốc được đăng ký, thẩm định và công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngoài ra, phần “Phường nhạc mở ra thế giới” còn giới thiệu về những di sản văn hóa phi vật thể khác trên thế giới có nhiều điểm tương đồng với nông nhạc của Hàn Quốc. Chủ đề đầu tiên giới thiệu về nông nhạc Hàn Quốc chính là phần thứ ba “Trông trời, trông đất, hái sao và cấy cày”. Bà Choi Suk-kyung cho biết: "Ở phần này, chúng tôi muốn giới thiệu về những chức năng đa dạng của nông nhạc. Nhiều người quen với những lễ hội hay sân khấu biểu diễn nông nhạc, nhưng nông nhạc truyền thống lại luôn đồng hành với cuộc sống và sinh hoạt của người nông dân Hàn Quốc như các dịp cúng lễ thần làng, kêu gọi quyên góp quỹ cộng đồng, lễ hội cầu may trong ngày rằm tháng giêng."



Trong nội dung triển lãm về nông nhạc, không thể thiếu phần trưng bày về những nhạc cụ, đạo cụ biểu diễn của các phường nhạc. Thoạt nhìn, các phường nhạc có vẻ đều giống nhau, nhưng thực tế mỗi địa phương, vùng miền trong quá trình chuẩn bị đạo cụ, phục trang lại thổi vào đó những đặc trưng và phong cách riêng. Bà Choi Suk-kyung giải thích tiếp:"Tuy giống nhau về mục đích, chức năng và nội dung chính, nhưng các dụng cụ biểu diễn hay trang phục, mũ đội của các phường nhạc đều có những nét đặc trưng riêng. Ví dụ như phường nhạc Imsil Pilbong nổi bật với kiểu mũ thêu vải đỏ, phường nhạc Jinju-Samcheonpo lại gây ấn tượng với mặt nạ hình con hổ. Đeo mặt nạ hình con hổ là để mô phỏng cho tập tục nã pháo để xua đuổi hạn rủi, vận xui, một trong những nghi thức hay kết hợp với biểu diễn nông nhạc. Phường nhạc Iri lại khác biệt ở chỗ không đội mũ thông thường mà là mũ quan, có gắn lông gà lôi do chính các nghệ sĩ trong đoàn tự làm."

Phần thứ ba “Năm nay trúng vụ, năm sau cũng sẽ được mùa” nêu bật bối cảnh xuất hiện của nông nhạc. Trong đó đặc sắc nhất là lễ cúng thần Dangsan theo hình thức lên đồng được thực hiện trong các buổi cúng thần làng, theo bà Choi Suk-kyung:"Triển lãm đã tái hiện căn bếp của làng và của gia đình. Hai bên cửa vào làng có đặt tượng Jangseung, hình ảnh biểu tượng cho thần hộ vệ của làng. Trên tượng gỗ Jangseung nam có khắc dòng chữ “Cheonhadaejanggun”, tức là “Thiên Hạ Đại Tướng Quân”, còn trên tượng gỗ Jangseung nữ khắc dòng chữ “Jihayeojanggun”, tức là “Địa Hạ Nữ Tướng Quân”. Khi khách thăm quan bước vào thì sẽ nghe âm nhạc nổi lên và xuất hiện đoạn phim giới thiệu về hình thức lên đồng. Mỗi một làng xóm xưa đều chọn một linh vật như cây đại thụ, hòn đá và thờ cúng các linh vật này để cầu bình an, thịnh vượng cho cả làng. Khi thực hiện nghi thức cúng thần làng, người dân bao giờ cũng chơi nông nhạc. Bởi thế đoạn phim giới thiệu cũng dành hầu hết thời lượng để diễn tả về các hình thức lên đồng cúng thần làng, mà tiêu biểu là cúng thần Dangsan ở mỗi làng."

Đội múa nông nhạc sau khi đã chơi trong lễ cúng thần Dangsan để cầu may cho làng, sẽ di chuyển để tới từng gia đình với mục đích xua đuổi những tà khí, vận xui, chúc nhà nhà luôn bình an, may mắn. Vừa giới thiệu bằng hình ảnh, đoạn phim còn có phần thuyết minh, giải thích về những bối cảnh xuất hiện đa dạng của nông nhạc. Thêm một điều đặc biệt nữa là khi đi thăm từng gia đình, phường nhạc phải dậm chân vào nơi quan trọng nhất trong nhà là căn bếp. Bởi vậy mà triển lãm đặc biệt lần này đã dựng lại khung cảnh căn bếp truyền thống của người Hàn Quốc. Bà Choi Suk-kyung nói: "Vị thần cai quản gian bếp chính là thần thổ địa. Bởi vậy mà chén nước cúng thổ địa được đặt ngay chính giữa bệ của bếp lò. Các bà ngày xưa thường đi gánh nước để đổ đầy bát, dâng lên vua bếp. Trong căn bếp xưa luôn có sự song hành của nước và lửa. Lửa thời đó rất quý nên chỉ một nhóm lửa nhỏ cũng rất được nâng niu, và việc làm đầu tiên của buổi sáng sau khi ngủ dậy bao giờ cũng là gánh nước sạch đem về cúng thần thổ địa. Vị thần này chính là người giữ lửa và phù hộ cho gia đình luôn no ấm, thuận hòa. Bởi vậy mà trong phim tài liệu cũng có cảnh giới thiệu phường nhạc thực hiện nghi thức lên đồng cúng thần thổ địa."

Sau khi phường nhạc tới thăm và chúc phúc cho từng nhà, toàn thể người dân trong làng sẽ bắt đầu tham gia vào lễ hội chung. Phần “Giai điệu nhỏ, rung động lớn” trong triển lãm sẽ giới thiệu về quá trình và cách thức truyền đạt, bảo tồn di sản văn hóa nông nhạc truyền thống. Trong xã hội hiện đại ngày nay, vai trò chủ đạo của nông nhạc là phục vụ sản xuất nông nghiệp đã bị phai nhạt dần. Nhưng nông nhạc vẫn tiếp tục đánh lên những giai điệu rộn ràng ở trường học, ở những đoàn thể xã hội, hay tại những lễ hội lớn nhỏ trên toàn quốc. Giáo sư Park Sang-mi, khoa Quốc tế học thuộc trường Đại học ngoại ngữ Hàn Quốc nói về sức sống nội tại của nông nhạc:"Nông nhạc vốn là hình ảnh của văn hóa truyền thống, nhưng lại đi vào đời sống xã hội Hàn Quốc hiện đại vô cùng tự nhiên, nhuần nhị. Có rất nhiều các phường nhạc nghiệp dư của trường học, cơ quan, cộng đồng làng xã hoạt động ngay trong thành phố. Bởi vậy mà nông nhạc đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người dân Hàn Quốc. Văn hóa truyền thống đang tồn tại và vận động, đó chính là yếu tố giúp nông nhạc Hàn Quốc được cả thế giới công nhận."

Đặc biệt, phần hồn làm nên giai điệu của nông nhạc Hàn Quốc chính là bộ gõ truyền thống Samulnori. Đây là một trong những loại hình âm nhạc đại chúng thu hút cả người dân trong nước và người nước ngoài. Ngay bên cạnh khu vực triển lãm là không gian hướng dẫn cách sử dụng nhạc cụ nông nhạc. Khách thăm quan đang học về nhịp cơ bản, nhưng có vẻ là không đơn giản chút nào. Sau hơn một giờ học nhịp, khách tham quan sẽ được tham gia biểu diễn tập thể. Tuy ai cũng bỡ ngỡ, lúng túng, nhưng âm thanh phát ra nghe vẫn thật sôi động, nhịp nhàng. Giai điệu nông nhạc vừa lôi cuốn lại vừa gần gũi, dễ tiếp thu. Bởi vậy mà nông nhạc cũng trở thành nguồn cảm hứng mới cho người dân Hàn Quốc trong xã hội hiện đại. Giáo sư Park Sang-mi nói tiếp: "Chỉ những người được đào tạo bài bản mới biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp, nhưng ngay cả những người bình thường chưa bao giờ biết đến nông nhạc cũng có thể tham gia biểu diễn một cách rất tự nhiên. Bởi vậy có thể nói nông nhạc là một loại hình nghệ thuật tổng hợp có tính cởi mở và linh hoạt rất cao."

Một di sản văn hóa chỉ có giá trị khi không bao giờ ngủ yên trong quá khứ, mà luôn vận động và đem đến cho xã hội hiện đại nguồn sinh khí mới. Xét theo ý nghĩa đó, nông nhạc Hàn Quốc quả có sức sống bền bỉ, chuyển từ hình thái văn hóa làng xã xưa kia thành loại hình âm nhạc biểu diễn nghệ thuật và lễ hội văn hóa thời nay. Tiếp theo nông nhạc, Hàn Quốc đang chờ đợi hai di sản phi vật thể khác là kéo co Juldarigi sẽ được xét duyệt vào năm 2015 và nữ thợ lặn đảo Jeju Haenyeo (Hải nữ) dự kiến xét duyệt vào năm 2016. Bắt đầu từ Tế lễ Tông miếu và nhạc tế lễ Tông miếu được công nhận vào năm 2001, danh sách di sản văn hóa của Hàn Quốc ngày càng dài hơn trên bản đồ di sản thế giới.

Lựa chọn của ban biên tập