Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Vở "Nàng Sim Cheong đến” - Diện mạo mới của nghệ thuật biểu diễn truyền thống ngoài sân

2014-12-30

[Nghệ thuật biểu diễn truyền thống ngoài sân tại Hàn Quốc]Không khí trong rạp thật rộn ràng với những tràng cười không dứt từ hàng ghế khán giả khi theo dõi từng cử chỉ, từng bước chân di chuyển của diễn viên. Sân khấu biến hóa nhịp nhàng với tiếng nhạc, những màn múa hát của hàng chục diễn viên, những lời thoại uyển chuyển chứa đầy chất trào phúng, châm biếm mà cũng vô cùng sâu sắc, tinh tế. Vở diễn “Nàng Sim Cheong đến” hòa quyện ba yếu tố cơ bản và quan trọng là sân khấu, diễn viên và sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả. Sự kiện đánh dấu sự trở lại sau bốn năm vắng bóng của thể loại nghệ thuật biểu diễn truyền thống ngoài sân Hàn Quốc.

Nghệ thuật biểu diễn truyền thống ngoài sân lấy cốt truyện dựa trên những câu chuyện dân gian, như các tác phẩm hát kể chuyện Pansori, kết hợp biểu diễn cùng âm nhạc và các điệu múa do đoàn ca kịch Michoo giới thiệu. Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1981, trong suốt 30 năm hoạt động, các vở diễn thuộc thể loại này đã thu hút được hơn 2.500.000 lượt khán giả và tự hào trở thành vở diễn của nhân dân Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau vở diễn kỷ niệm 30 năm ra đời của đoàn Michoo vào năm 2010, thể loại biểu diễn truyền thống ngoài sân đã hoàn toàn vắng bóng trên các sân khấu hiện đại.
Ông Sohn Jin-chaek, đạo diễn của vở “Nàng Sim Cheong đến”, cho biết:"Nghệ thuật biểu diễn truyền thống ngoài sân là sân chơi mang tính cộng đồng, dành cho mọi tầng lớp nhân dân Hàn Quốc. Từ năm 1981, chúng tôi đã gọi thể loại sân khấu này là “madang nori”. Trong 30 năm biểu diễn, chúng tôi thấy ảnh hưởng của thế hệ diễn viên đời đầu quá lớn, khiến cho việc tiếp nhận thế hệ mới trở nên khó khăn hơn. Bởi vậy chúng tôi đã quyết định dừng hoạt nghệ thuật biểu diễn truyền thống ngoài sân ngay tại thời điểm được khán giả đón nhận nồng nhiệt nhất với mong muốn thế hệ mới với nguồn năng lượng mới sẽ thừa kế và phát triển lối biểu diễn này."

Mặc dù đã kỳ vọng vào một lứa nghệ sĩ thế hệ thứ hai, nhưng tiếc là thực tế không được diễn ra như mong muốn. Mãi đến năm 2014, Nhà hát kịch quốc gia đã đề nghị đoàn Michoo phát triển nghệ thuật biểu diễn dân gian ngoài sân để hướng tới một kỷ nguyên 30 năm mới. Đạo diễn Sohn Jin-chaek chia sẻ: "Hình thức nghệ thuật biểu diễn truyền thống ngoài sân thời hiện đại chỉ khác về địa điểm, bố cục sân khấu, nhưng bản chất thì vẫn giữ nguyên. Hàng ghế khán giả được thiết kế hướng bốn mặt bao quanh sân khấu, tạo cảm giác diễn viên cũng như khán giả hòa làm một. Bên cạnh đó, vở diễn cũng khai thác triệt để những ưu điểm của sân khấu hiện đại như hệ thống đèn chiếu sáng, các trang thiết bị tối tân tạo hiệu quả cao nhất cho vở diễn."

Thêm một nỗ lực xòa nhòa ranh giới giữa sân khấu và khán giả nữa là dãy hàng ghế khán giả giả tưởng. Toàn bộ sân khấu có quy mô 1.500 ghế ngồi được bao quanh bởi những tấm vải trắng khổ lớn cao 11 mét. Các tấm vải này còn được dùng làm khung nền để trình chiếu khi có những phân cảnh cần thêm hiệu ứng. Đây quả là sân khấu độc đáo, tận dụng được tối đa các trang thiết bị hiện đại, nhưng vẫn làm sống dậy không khí sân khấu dân gian xưa. Vậy là vở “Nàng Sim Cheong đến” đã được tái sinh trên sân khấu có một không hai này. Từ ngày 10 tháng 12 năm 2014 cho đến ngày 11 tháng 1 năm 2015, vở diễn sẽ được công chiếu tại Sân khấu Mặt trời mọc của Nhà hát kịch Quốc gia, thuộc quận Jung, thủ đô Seoul. Chúng ta hãy cùng cảm nhận không khí rộn ràng, lôi cuốn của vở diễn.



[Vở “Nàng Sim Cheong đến”]Vở ca kịch “Nàng Sim Cheong đến” mở màn với tiếng kèn bầu Taepyeongso của phường nhạc xuất hiện cùng dàn diễn viên đóng vai người mù đang thay nhau gửi lời chào đến khán giả. “Chẳng phải nhìn, chẳng phải ngó, chẳng phải nghiêng, mắt nhắm thì càng thảnh thơi. Nhưng hôm nay phải mở mắt lịch sự chào khán giả chứ nhỉ?” Khán giả chợt bật cười với lối nói đầy hài hước, dí dỏm của các nghệ sĩ.

Sân chơi của nghệ thuật biểu diễn truyền thống bắt đầu nhập hứng với nguồn năng lượng dâng trào như bao trùm cả khán phòng. Ai ai cũng hào hứng hướng lên sân khấu và chờ đợi những diễn biến đầy thú vị, bất ngờ sắp diễn ra trong suốt hai tiếng sắp tới. Đạo diễn Sohn Jin-chaek giải thích lý do lựa chọn câu chuyện về nàng Sim Cheong:"Trong suốt 30 năm biểu diễn, chúng tôi nhận thấy khán giả thích thú không chỉ với những tác phẩm vui vẻ, hài hước mà cả những câu chuyện cảm động lấy đi nhiều nước mắt như chuyện về nàng Sim Cheong. Nàng Sim Cheong hiếu thảo không chỉ cứu cha mà còn cứu tất cả mọi người. Giữa bối cảnh xã hội Hàn Quốc có nhiều hỗn loạn, rối ren như hiện nay thì sự xuất hiện của Sim Cheong sẽ mang đến một ý nghĩa đặc biệt. “Nàng Sim Cheong đến”, cũng mang ý nghĩa như là “Người cứu thế đến”."

Vở diễn ngoài sân "Sim Cheong" được phỏng theo nội dung "Truyện Sim Cheong", một trong những truyện dân gian tiêu biểu của Hàn Quốc ca ngợi tấm lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ. Trong truyện, để đổi lấy 300 đấu gạo cúng thần đem chữa mắt cho người cha già, thiếu nữ Shim Cheong đã phải bán mình làm vật tế và gieo mình xuống biển. Tuy nhiên với sự giúp đỡ của Ngọc hoàng, cô được trở thành hoàng hậu, gặp lại được cha, và mắt của cha cô cũng được sáng lại.
Tuy nhiên, nếu diễn lại y nguyên theo cốt truyện cũ, thì sự đồng cảm của khán giả cũng chỉ dừng lại ở mức độ nhất định. Trong vở ca kịch “Nàng Sim Cheong đến”, có những phân đoạn cảm xúc mang tính hiện đại đan xen, tạo nên sự hấp dẫn hồi hộp. Một trong những phân đoạn chiếm được cảm tình của khán giả chính là cảnh người cha mù họ Sim đi xin sữa cho con.

Mẹ mất sớm ngay sau khi sinh Sim Cheong được bảy ngày, nên người cha mù họ Sim phải ôm con đi xin sữa từ nhà này qua nhà khác. Tuy tình cảnh éo le, nhưng sân khấu ca kịch không bi đát hóa hình ảnh của nhân vật người cha mù. Diễn viên đảm nhận vai ông Sim, ông Song Jae-hyung giải thích:
"Nếu thực hiện vở như cũ thì không thể phản ánh văn hóa, xu hướng hiện nay. Chẳng hạn, văn hóa nhắn tin qua ứng dụng smartphone, tiêu biểu là Kakaotalk rất thịnh hành, bởi vậy mà trong phân cảnh này chúng tôi đã dựng lên tình huống các bà mẹ cùng mở “phòng chat” tập thể trên Kakaotalk để thông báo về việc chia sữa cho Sim Cheong."

Nhờ hiệu quả của “phòng chat” tập thể và tấm lòng nhân hậu của các bà mẹ trong làng, Sim Cheong dần lớn lên rồi trở thành một thiếu nữ tuổi 15. Nhưng rồi một ngày nọ, người cha mù họ Sim nghe lời khuyên của vị sư hứa sẽ giúp chữa sáng mắt, nên đã đồng ý dâng gạo cho người này. Biết được câu chuyện, Sim Cheong đã quyết định bán mình làm lễ vật cúng thủy thần và gieo mình xuống vực sâu để giúp cha thực hiện lời hứa. Những phân cảnh như nàng Sim Cheong gieo mình xuống vực, Sim Cheong xuống thủy cung, ngồi trong tòa sen, rồi lại được hoàn sinh trở về trần thế... đều tạo ấn tượng độc đáo với những hình ảnh chiếu trên chính khung vải trắng khổng lồ bao quanh sân khấu. Sân khấu này tạo sự khác biệt hoàn toàn so với sân khấu dân gian xưa.
Bà Kim Seong-nyeo, đạo diễn trình diễn của thể loại nghệ thuật biểu diễn truyền thống ngoài sân cho biết: "Tấm vải phông nền lớn bao quanh kéo khán giả gần hơn với sân khấu. Ví dụ như cảnh thủy cung sẽ đưa khán giả xuống dưới lòng đại dương với cá và sinh vật biển, cảnh Sim Cheong hoàn sinh trên đài sen thì toàn bộ sân khấu sẽ hiện hình hoa sen. Những phân hình chiếu này vừa mang tính giải thích, bổ sung cho cốt truyện, vừa khiến khán giả nhập tâm hơn vào nội dung và không khí vở kịch. Những thiết bị hiện đại này đã nâng sân khấu biểu diễn truyền thống ngoài sân lên một tầm mới."

Tuy nhiên, sâu khấu dù có hoa lệ đến đâu, diễn viên dù có tài giỏi đến đâu cũng vẫn chưa đủ làm nên một sân khấu biểu diễn truyền thống ngoài sân hoàn thiện. Đạo diễn Sohn Jin-chaek nhấn mạnh về vai trò hưởng ứng của khán giả: "Kịch nói thông thường vẫn có thể diễn ra từ đầu đến cuối cho dù lượng khách ít hay nhiều, chỉ cần tắt điện phía hàng ghế khán giả và kéo màn là tất cả hoàn toàn tập trung vào vở kịch. Tuy nhiên nghệ thuật biểu diễn truyền thống ngoài sân sẽ không thể triển khai nếu thiếu đi khán giả, bởi việc giao lưu với khán giả đóng vai trò tiên quyết làm nên vở diễn. Vì vậy mà chúng tôi gọi khán giả là đội ngũ hùng hậu tham gia vào vở kịch. Khán giả phía này có thể nhìn biểu cảm của khán giả ngồi đối diện, tự thân họ sẽ quan sát, cảm nhận, phản ứng và truyền cảm hứng cho nhau trong quá trình theo dõi vở diễn."

Nhân vật bà vợ P'angdeok đột nhiên chạy lại phía hàng ghế khán giả, nắm tay một khách nam dẫn lên sân khấu rồi so sánh: “Đấy, đi chơi với anh này mới vui chứ. Lão già Sim làm sao mà sánh được”. Tất cả mọi người đều bật cười thích thú khi chứng kiến vẻ lúng túng của vị khách tự dưng bị kéo lên sân khấu mà chẳng hiểu chuyện gì. Sân khấu truyền thống hấp dẫn, thú vị cũng chính ở những màn giao lưu, tương tác với khán giả.

Sim Cheong hoàn sinh trên đài sen, trở về trần gian rồi được phong làm hoàng hậu. Nàng gặp lại cha trong ngày cuối cùng của lễ hội dành cho những người mù. Bệnh tình của người cha mù họ Sim chẳng hề suy chuyển cho dù đã dâng gạo cúng, nhưng khi gặp được Sim Cheong thì mắt ông đột nhiên sáng lại. Tuy chưa bao giờ được nhìn mặt con, nhưng chính mối dây “thần giao cách cảm”, chính giọng nói và tấm lòng hiếu nghĩa của Sim Cheong đã giúp người cha nhận ra con. Họ đoàn tụ trong nước mắt hạnh phúc ngọt ngào. Trong ngày cha con đoàn viên ấm cúng, sân khấu đột nhiên lại xuất hiện nhân vật bà vợ P'angdeok, người đã ruồng rẫy ông chồng mù và mang theo của cải bỏ trốn. Tuy vô cùng tức giận trước sự phản bội của người phụ nữ này, nhưng cuối cùng Sim Cheong đã thuyết phục cha mở lòng tha thứ. Các diễn viên gửi lời nhắn nhủ cuối đến khán giả: đừng định kiến hay phán xét nhau, mà hãy cùng nắm tay vì một xã hội “cộng sinh”.



[Thông điệp mang hơi thở thời đại]Tất cả khán giả đều gật gù tán thưởng thông điệp khi kết thúc vở kịch, đó là vì một xã hội “cộng sinh”, một chi tiết không có trong truyện truyền thống. Ai ai cũng thấy hài lòng khi được trải qua những cung bậc cảm xúc từ thú vị, hào hứng đến bất ngờ, xúc động cùng sân khấu nghệ thuật biểu diễn truyền thống Hàn Quốc. Các khán giả chia sẻ:"Vở kịch trở nên sinh động, tươi mới và rất được lớp trẻ yêu thích bởi phản ánh rõ hơi thở thời đại. Tôi đặc biệt đánh giá cao thử nghiệm mang tính tương tác với lớp khán giả trẻ."; "Thật sự tôi đã có khoảng thời gian vô cùng thú vị. Đội múa đã phối hợp rất ăn ý với đoàn kịch, ngoài ra cấu trúc vở kịch chắc chắn và có nhiều tiết mục phụ, hiệu ứng hấp dẫn."; "Tôi thấy phấn khởi, hưng phấn khi xem xong vở kịch này. Âm nhạc thực sự rất sôi động. Tôi còn thấy ghen tị với những người có con gái."

Kết thúc vở kịch, toàn bộ dàn diễn viên, nhạc công, vũ công 80 người đã cùng lên sân khấu gửi lời chào tới khán giả: "Xin kính gửi lời cảm ơn tới toàn thể quí khán giả. Chúc tất cả mọi người có một năm mới an khang, thịnh vượng". Vở “Nàng Sim Cheong đến” đã kết thúc như thế, trong những tiếng vỗ tay và niềm tin vào một năm mới 2015 tốt lành.

Lựa chọn của ban biên tập