Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Những nét độc đáo trong văn hóa và âm nhạc của đảo Jeju

#Âm điệu ngàn xưa l 2019-03-20

Âm điệu ngàn xưa


Văn hóa đời sống nông nghiệp đảo Jeju

Giờ đây, đã không còn cái gọi là mùa vụ trong nông nghiệp nữa, nhưng dù sao thì mùa xuân vẫn là thời điểm nhà nông bận bịu nhất trong năm. Vẫn biết rằng máy móc cơ giới đã đỡ đần người nông dân những công việc nặng nhọc, nhưng họ vẫn ”đầu tắt mặt tối” với các công đoạn như cày bừa, bón phân và gieo hạt. Người làm nông trên đảo Jeju còn có thêm một công đoạn độc đáo khác nữa. Jeju vốn là đảo núi lửa đã ngừng hoạt động. Ruộng đất nơi đây có nhiều đá, không giữ được nước nên phù hợp với canh tác hoa màu hơn trồng lúa. Đất ruộng nhiều đá nên muốn canh tác thì người ta phải đào đá ở ruộng ra, rồi xếp quanh ruộng thành rào đá chắn gió. Để không bị gió cuốn đi, ngoài việc dựng hàng rào đá, người nông dân còn cho bò ngựa vào giẫm ruộng sau khi gieo hạt. Công đoạn này có tên gọi là “Batballigi”. Những lúc này, người nông dân đảo Jeju thường ngân nga khúc dân ca “Bat Bapneun Sori” (Khúc hát giẫm ruộng) của đảo Jeju. 

Thời gian giẫm ruộng diễn ra trong quãng 15 ngày để giữ cho hạt giống không bị gió cuốn đi. Vất vả là vậy, nhưng nếu có mưa thì đất bị đóng cứng nên rễ cây không bám được vào đất. Như vậy là bao công sức cũng đổ sông đổ bể hết. Đảo Jeju là một nơi có danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng thế giới, nhưng để bám trụ được ở mảnh đất này, con người quả là gian nan vạn phần. Tuy vậy,người dân trên đảo không hề nản trí, họ miệt mài sớm tối với cuộc sống và tạo cho riêng mình những nét văn hóa độc đáo. Trong số này, có thể kể đến dân ca đảo Jeju “Jeju Minyo”. 


Dân ca của đảo Jeju

Jeju là hòn đảo ở khá xa đất liền, nhưng lại chịu nhiều ảnh hưởng của đất liền. Dân ca đảo Jeju mang sắc thái ngôn ngữ và đời sống độc đáo của địa phương. Ví như khúc Sancheonchomok (Sơn xuyên thảo mộc) với đoạn:

Non nước cỏ cây lộc nhú cành, 

Du lãm ngắm cảnh vui là vui

Ngắt nhành hoa cài đầu, 

Ngậm cánh hoa nơi khóe miệng chúm chím

Ô hay! Cô gái nơi hẻm núi vời ta đến kìa!


Khúc dân ca tả cảnh chơi xuân này vốn có âm điệu rộn ràng và thường được hát theo nhóm. 


Có lẽ trong dòng dân ca của đảo Jeju, khúc hát được nhiều người biết đến nhất là khúc “Haenyeo Norae” (Khúc hát nữ thợ lặn). Người phụ nữ làm nghề lặn truyền thống ở đảo Jeju được gọi là Haenyeo (Hải nữ). Họ lên thuyền, chèo ra khơi và mò bắt hải sản dưới đáy biển. Thông thường thì vừa chèo thuyền, các Haenyeo vừa thường cùng nhau hát điệp khúc Ieodosana (tạm dịch là “Sống ở đảo Ieo”). Lấy Ieo, hòn đảo độc đáo không giống một nơi nào khác, làm điệp khúc phảng phất nỗi vất vả gian nan của người phụ nữ bươn chải trong cuộc đời nơi đầu sóng ngọn gió. Gần đây, các nghệ sĩ trẻ biến tấu và hát bài “Neoyeongnayeong” (“Thiếp và chàng”). Khúc hát có đoạn điệp khúc:

Thiếp và chàng hai ta cùng bồng bềnh vui nhộn

Ban ngày chập tối mình thương nhau


Và đoạn lời ca đầy hứng khởi, biểu lộ rõ tâm trạng của những người yêu nhau, rằng:

Chim hót buổi sáng vì đói bụng

Chim hót chập tối vì nhớ nhung

Bóng trăng tròn ngả dần sau đỉnh núi

Tấm thân này tới bao giờ mới được gặp người đây


* Khúc dân ca “Bat Bapneun Sori” (Khúc hát giẫm ruộng) của đảo Jeju / cụ Kim Ju-ok cùng nhóm phụ họa 

* Khúc Sancheonchomok (Sơn xuyên thảo mộc) được biến tấu thành âm điệu chậm rãi / Gang Kwon-sun

* Khúc hát Neoyeongnayeong (“Thiếp và chàng”) / nhóm nhạc Trung tâm văn hóa ONE (Jungang Culture ONE)

Lựa chọn của ban biên tập