Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Giới thiệu gánh hát nữ Yeoseong Gukgeuk và danh nhân Hwang Byeong-gi

#Âm điệu ngàn xưa l 2019-04-17

Âm điệu ngàn xưa


Kịch hát kể chuyện Changgeuk và sự thăng trầm của gánh hát nữ Yeoseong Gukgeuk

Hát kể chuyện Pansori vẫn được biết đến là hình thức nghệ thuật trong đó người nghệ sĩ biểu diễn một mình. Tuy nhiên, tới đầu những năm 1900, các nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori đã cùng biểu diễn với nhau trên một sân khấu với các vai diễn được phân vai như trong vở kịch. Hình thức biểu diễn nghệ thuật này có tên gọi là Xướng kịch Changgeuk. Thời đó, không có kiểu sân khấu biểu diễn như thời nay, và người nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori thì cũng chỉ hát chứ không có diễn kịch gì. Theo năm tháng, hình thức nghệ thuật kịch hát kể chuyện Pansori Changgeuk tiếp tục phát triển. Tới giai đoạn được giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Nhật, Hàn Quốc đã có cả dòng nghệ thuật kịch hát kể chuyện Pansori do các nữ nghệ sĩ biểu diễn với tên gọi là “Yeoseong Gukgeuk”. Trước đó, nghệ thuật hát kể chuyện Pansori vốn chỉ do các gánh hát di chuyển khắp mọi miền biểu diễn. Các nữ nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn và luôn bị yếu thế trước các nghệ sĩ nam, nên khó lòng có được những vai diễn vừa ý, nhất là lại còn phải làm đủ mọi thứ việc trên đời. Phẫn nộ trước hiện thực này, các danh ca nữ như Kim So-hee, Park Kwi-hee, Im Chun-aeng đã thành lập hội nữ nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống và cho ra mắt sân khấu biểu diễn với tác phẩm đầu tay mang tên Okjunghwa (Hoa trong ngục). Tác phẩm này tuy không mấy tiếng tăm, nhưng đã trở thành bước đệm cho thành công vang dội của vở diễn sau này có tên là “Haenimgwa Dalnim” (Bầu trời và mặt trăng). Từ đó cho tới đầu những năm 1960, là thời kỳ phát triển rực rỡ của sân khấu kịch hát kể chuyện Pansori nữ Yeoseong Gukgeuk. Tiền vé diễn thu được phải đựng vào bao tải và dùng chân giẫm lên để nén. Những người vào vai diễn nam đi đâu cũng phải che che đậy đậy và chạy vội để tránh các fan hâm mộ nữ đổ dồn tới. 

Vở diễn Seonhwagongju (Công chúa Seonhwa) có cốt chuyện từ câu chuyện tình yêu thời vua Muwang (Vũ Vương, năm 600-641) triều đại Baekje trên bán đảo Hàn Quốc. Trên nền tảng nghệ thuật hát kể chuyện Pansori, gánh hát nữ Yeoseong Gukgeuk đã đưa lên sân khấu nhiều tác phẩm mới có cốt truyện cổ xưa. Để kịch hát hóa các tác phẩm, nghệ thuật hát kể chuyện đã sáng tác mới nhiều lối hát, đồng thời cải tiến các nhạc cụ truyền thống, tạo nên cú hích phát triển mạnh cho dòng nghệ thuật này. Sau nửa đầu những năm 1960, kịch hát nữ Yeoseong Gukgeuk thoái trào do ảnh hưởng của vô tuyến truyền hình và phim truyện. Có lẽ tới giờ, không mấy người còn nhớ về ảnh hưởng của dòng nghệ thuật kịch hát nữ Yeoseong Gukgeuk. 


Đóng góp ca danh nhân Hwang Byeong-gi trong chng đưng phát trin ca ngh thut truyn thng

Danh nhân Hwang Byeong-gi, chính là người đã tạo ra xu thế mới trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc với các nhạc phẩm đàn tranh 12 dây Gayageum. Thời học cấp II năm 1952, trong lúc chạy loạn xuống Busan, Hwang Byeong-gi lần đầu tiên được tiếp xúc với nghệ thuật đàn tranh 12 dây Gayageum tại Trung tâm âm nhạc truyền thống quốc gia. Hơn 10 năm sau, năm 1963, lần đầu tiên Hwang Byeong-gi xuất hiện trên sân khấu biểu diễn với nhạc phẩm sáng tác mới Sup (Rừng cây) nhân dịp Trung tâm âm nhạc truyền thống quốc gia tổ chức sự kiện tưởng nhớ nhạc gia Wureuk thời Silla. Ngày đó, các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống Hàn Quốc kế tục nghệ thuật của thầy dạy qua lối truyền miệng và tới khi đã thuần thục thì các nghệ sĩ thường tạo riêng phong cách âm nhạc cá nhân, chứ sáng tác nhạc phẩm mới là khái niệm hoàn toàn xa lạ trong lĩnh vực nghệ thuật này. Danh nhân Hwang Byeong-gi đã khai phá một thế giới mới cho nghệ thuật đàn tranh 12 dây Gayageum trên nền tảng âm nhạc truyền thống. Năm 1965, danh nhân họ Hwang đã mang sắc thái mới mẻ của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc tới buổi công diễn “Lễ hội nghệ thuật âm nhạc thế kỷ thứ XX” do trường Đại học Hawaii (Mỹ) tổ chức. Nhạc phẩm Sup (Rừng cây) với 4 chương Nokeum (Rừng xanh), Bbeoggugi (Chim cu), Bi (Mưa) và Dalbit (Ánh trăng) được đánh giá như liều giải độc tinh thần cho con người bị cuốn vào dòng chảy bận rộn của thời hiện đại. 


Giờ đây, nói đến nhạc cụ nghệ thuật âm nhạc truyền thống là người ta nghĩ ngay đến đàn tranh 12 dây Gayageum và trong số các nhạc phẩm sáng tác mới, nhạc phẩm dành cho đàn tranh 12 dây Gayageum cũng chiếm tỷ trọng lớn. Danh nhân Hwang Byeong-gi đã có công không nhỏ trong thành tựu phát triển nghệ thuật truyền thống của dân tộc Hàn. Trên đà phát triển âm nhạc sáng tác mới, năm 1965 Dàn nhạc truyền thống quốc gia đầu tiên đã được thành phố Seoul thành lập. Thời điểm này, khái niệm chỉ huy dàn nhạc truyền thống còn quá lạ lẫm đối với Hàn Quốc, nên họ đã gặp phải không ít khó khăn trong việc tìm tòi phương thức chỉ huy dàn nhạc và bố trí nhạc cụ. Với sự đóng góp của nghệ sĩ Ji Yeong-hee, người chỉ huy dàn nhạc thế hệ II, cây đại thụ, người ký lục và góp phần thúc đẩy phát triển dòng nhạc truyền thống và nhạc sĩ kiêm chỉ huy trưởng dàn nhạc truyền thống thế hệ III Kim Hee-jo, Dàn nhạc giao hưởng truyền thống Hàn Quốc đã phát triển quy củ và xây dựng được những nhạc phẩm biểu diễn quý như châu ngọc. Năm 1985, Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc KBS thành lập Dàn nhạc giao hưởng truyền thống của riêng mình. Sau thời điểm này, các địa phương trên cả nước lần lượt thành lập dàn nhạc giao hưởng truyền thống của địa phương mình. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập dàn nhạc giao hưởng âm nhạc truyền thống thành phố Seoul đã trình diễn nhạc phẩm Manjeonchun (Mãn điện xuân), tác phẩm âm nhạc thời Joseon, do nhạc sĩ Kim Bo-hyeon biến tấu. Nhạc phẩm có đoạn:

Chiếu lá trên băng dày

Chàng và em dẫu cóng lạnh

Đêm ơi xin hãy chầm chậm trôi


* Trích đoạn chàng Seodong gặp công chúa Seonhwa trong vở diễn “Công chúa Seonhwa” của gánh hát nữ Yeoseong Gukgeuk / Jo Yeong-suk & Han Hye-seon 

* Chương II Bbeoggugi (Chim cu) trong nhạc phẩm Sup (Rừng cây) / Hwang Byeong-gi (sáng tác và trình diễn)

* Nhạc phẩm Manjeonchun (Mãn điện xuân) thời Joseon / Kim Bo-hyeon (biến tấu), Kwon Song-hee (hát)

Lựa chọn của ban biên tập