Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Đoản ca Danga trong nghệ thuật âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2019-04-24

Âm điệu ngàn xưa


Giới thiệu đoản ca Nokeumbangcho (Lục âm phương thảo)

Vậy là cái rét “Nàng Bân” cũng đã tàn cùng hoa xuân vàng Gaenari, hoa đỗ quyên Jindallae, hoa anh đào Beotggot và một mùa xuân mới lại bắt đầu. Những mầm lá xanh mơn mởn đang dần phủ kín các cành cây dưới nắng xuân ấm áp. Người Hàn Quốc xưa kia thường gọi dịp này là “Lục âm phương thảo thăng hoa thời” tức “thời điểm hương xanh thảo mộc tràn ngập đất trời”. Thuở trước, các nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori thường hát khúc đoản ca Nokeumbangcho (Lục âm phương thảo) để lấy giọng trước khi biểu diễn chính thức. Gần đây nhạc phẩm này thường được trình diễn theo lối “Gayageum Byeongchang” vừa tấu đàn tranh 12 dây Gayageum vừa hát. Khúc đoản ca Nokeumbangcho (Lục âm phương thảo) được bắt đầu bằng đoạn:

Khi hương xanh tràn ngập cõi trần, Mặt trời như chậm bước

Đêm cuối tháng dần trôi

Ngày Đoan Ngọ tiết trời rạng rỡ nhất tháng Năm

Bên song cửa Mặt trời chầm chậm khuất dần

Đàn chim ác Ggachi bay lượn vòng vòng


Hát kể chuyện Pansori là lối hát khoa chương diễn giải niềm vui, nỗi buồn và những cảnh đời hài hước, nên đoản ca Danga hắng lấy giọng trước khi biểu diễn chính thức thường êm đềm trầm lắng. Bởi nếu quá nhập tâm cho đoản ca thì người nghệ sĩ sẽ mất sức và không tập trung cho phần trình diễn hát kể chuyện chính được. Nội dung các khúc đoản ca thường nhẹ nhàng, bay bổng như những câu chuyện ngao du thiên hạ tránh xa kiếp hồng trần đa đoan như thần tiên của những kẻ lãng du hay là sự vô thường của năm tháng. Khúc đoản ca Nokeumbangcho (Lục âm phương thảo) cũng là nhạc phẩm diễn tả cảm xúc lâng lâng giữa màu xanh và hương cỏ cây bất tận trong tiết xuân của người lãng tử và dường như cảm xúc này chỉ có thể cảm nhận được trong mùa xuân. 


Những giai điệu ngày xuân

Ở Hàn Quốc, nhạc phẩm “Chosoeui Bom” (Mùa xuân trên vọng gác) lần đầu được biểu diễn bằng đàn tranh 12 dây Gayageum dù đây là nhạc phẩm được sáng tác cho sáo trúc ngắn Danso vào khoảng năm 1965. Sáo trúc ngắn Danso nhỏ nhẹ và cách diễn tấu cũng không mấy phức tạp, nên được lấy làm môn học nhập môn âm nhạc truyền thống trong trường phổ thông từ năm 1995. Nhờ vậy mà sáo trúc ngắn Danso đã thoát khỏi nguy cơ bị rơi vào quên lãng. Giờ đây, nhiều người trong giới trẻ Hàn Quốc có thể thổi sáo trúc ngắn Danso, song đáng tiếc là mới chỉ dừng lại ở một số khúc dân ca đơn giản. Trong khi đó, người Bắc Triều Tiên sớm quan tâm đến âm nhạc diễn tấu bằng sáo trúc ngắn Danso, nên họ không ngừng cải tiến nhạc cụ và sáng tác khá nhiều nhạc phẩm dành cho nhạc cụ này. 

Nhạc phẩm “Bomnal” (Ngày xuân) được sáng tác dựa theo khúc dân ca “Donggeure Dangsil” và bắt đầu bằng tiết tấu đàn nhị Haegeum vui nhộn. Khúc ca kể về những ký ức mơ hồ của một người mẹ trong ngày xuân. 


* Khúc đoản ca Nokeumbangcho (Lục âm phương thảo) / Park Kwi-hee (vừa tấu tranh 12 dây Gayageum vừa hát)

* Nhạc phẩm “Chosoeui Bom” (Mùa xuân trên vọng gác) / Gong Yeong-song (sáng tác), Lee Yong-gu (sáo trúc ngắn Danso), Mun Yang-suk (đàn tranh 12 dây Gayageum), Gang Ae-jin (đàn tranh Ajaeng) và nhóm  phụ họa 

* Nhạc phẩm “Bomnal” (Ngày xuân) / Shin Chang-ryeol (hát), nhóm nhạc truyền thống Geurim

Lựa chọn của ban biên tập