Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Cuộc sống người lao động Hàn Quốc xưa và nay

#Âm điệu ngàn xưa l 2019-05-01

Âm điệu ngàn xưa


Thói quen trong lao động của nhà nông ở Hàn Quốc

Ngày quốc tế lao động 1/5 là ngày kỷ niệm cuộc đấu tranh bảo vệ và đòi quyền lợi chính đáng cho người lao động cách đây hơn 100 năm. Cũng từ đó mà quy định 8 giờ làm việc một ngày được áp dụng và quyền lợi, phúc lợi của người lao động dần được nâng cao. Trước đó, người Hàn Quốc làm việc theo thói quen, bắt đầu từ lúc Mặt trời mọc cho tới khi Mặt trời lặn. Trời mưa cũng nghỉ, nắng quá cũng nghỉ mà lạnh quá cũng nghỉ. Đang làm việc thấy mệt là nghỉ và còn nghỉ để ăn giải lao giữa giờ. Họ thường làm việc cùng nhau và nhiều khi còn vừa làm vừa hát để quên nỗi nhọc nhằn,  tiếp thêm nghị lực sống cho nhau. Ngày nay, mặc dù con người đã có đầy đủ vật chất, được ăn ngon mặc đẹp, nhưng lại phải thức dậy từ lúc mặt trời còn chưa kịp mọc, chen lấn xô đẩy nhau trên những tuyến xe bus, toa tàu điện ngầm chật ních trong hơn cả tiếng đồng hồ để tới công sở, rồi lại mải miết làm việc cho tới chiều tối. Làm thêm giờ, làm ca đêm và trở về nhà với thân hình rệu rã đã trở nên quá bình thường đối với nhiều người trong xã hội hiện đại. Thời gian nghỉ ngơi, thư giãn thực sự là những gì quá xa xỉ đối với số đông người lao động. Vậy nên, chẳng thể khẳng định được cuộc sống thời nay có thực sự tốt hơn trước đây không


Mùa xuân là mùa cấy nên ruộng phải đầy nước. Vì lượng mưa không đủ nên người nông dân phải dùng gàu sòng Yongdure tát nước từ mương máng lên ruộng sâu. Chiếc gàu sòng tát nước Yongdure ở Hàn Quốc có hình dạng trông giống như đầu rồng nên được gọi là “Yong” (âm Hán là Long”). Nó được cắm vững trên mặt đất và chiếc gầu múc nước được buộc vào chiếc dây, treo từ đỉnh ba trụ cọc chống chụm vào nhau. Người đi tát nước chỉ cần đẩy đi, đẩy lại nhẹ nhàng chiếc gàu sòng là nước sẽ được đưa từ mương máng lên ruộng. Những lúc vài ba người cùng nhau tát nước thì câu hát Yongdurejil (Gàu sòng tát nước) sẽ giúp họ phối hợp nhịp nhàng các động tác, giảm bớt mệt nhọc và nâng cao năng suất làm việc.


Người ngư dân Hàn Quốc và những khúc hát lao động

Ca khúc “Baetnorae”(Khúc hát mạn thuyền) của đảo Geomun thuộc thành phố Yeosu,tỉnh Nam Jeolla. Geomun là hòn đảo nằm trên biển phía nam giữa Yeosu và đảo Jeju, cách Yeosu quãng 2 tiếng đồng hồ di chuyển bằng thuyền. Đảo Geomun còn nổi tiếng vì bị quân đội Anh chiếm đóng trái phép vào thời hậu Joseon. Bởi thế nên đây cũng là nơi đầu tiên ở Hàn Quốc được tiếp cận với văn hóa và vật chất phương Tây. Ca khúc Baetnorae(Khúc hát mạn thuyền) của đảo Geomun,đãđược công nhận là di sản văn hóa phi vật thể số một của tỉnh Nam Jeolla.

Khúc hát mạn thuyền Baetnorae của đảo Geomun khá đa dạng, tùy theo loại hình công việc. Ví như người ta hát điệu Sulbisori khi bện thừng dùng trên thuyền, hay điệu Gosasori để dâng lên Long vương cầu nguyện thu hoạch được những mẻ cá lớn trước khi rời bến ra khơi. Vừa chèo thuyền người ngư dân lại vừa hát khúc Notsori, khi kéo lưới lại hò điệu Ollaesori, lúc xúc cá lên sảo họ ca bài Garaesori và khi đưa con thuyền đầy ắp cá về bến thì họ lại hát bài Sseolsori. Thả lưới đánh cá trên những con sóng dữ dội giữa biển khơi là công việc nhọc nhằn, nguy hiểm. Vậy mà ngày qua ngày, người ngư dân vẫn cứ cao hứng với những câu hò tiếng hát và nhịp gõ rộn ràng khi đưa được những chuyến đi đầy ắp cá tôm về bến đợi. 

“Tetmok Arirang” (Arirang bè gỗ) là một khúc dân ca khá độc đáo của tỉnh Gangwon. Thời xưa ở Hàn Quốc, các đền đài lăng tẩm trong hoàng cung hay các dinh thự của giới quý tộc ở Hanyang (Hán Dương, tên gọi cũ của thủ đô Seoul), đều sử dụng loại gỗ to, chắc, sinh trưởng ở vùng rừng cao, núi sâu của tỉnh Gangwon. Chính vì vậy, việc vận chuyển chúng về tới kinh thành Hanyang không phải là đơn giản. May mắn là có con sông Hàn chảy qua kinh thành Hanyang và tỉnh Gangwon. Người ta đốn cây trên rừng, vận chuyển xuống núi rồi kết lại thành bè gọi là Ttetmok và thả xuống sông cho xuôi dòng về kinh thành . Những người chèo bè, gọi là Ttetgun, đưa gỗ về xuôi phải ăn ở mấy ngày liền trên bè, đôi khi phải đánh đổi cả tính mạng mới có thể đưa được bè gỗ cập bến. Đổi lại, chỉ cần đưa được bè gỗ về đến kinh thành thì họ sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Tiền này có tên gọi là Ttedon. Chuyện kể rằng, xưa kia ở hai bên bờ sông Hàn có nhiều tửu quán. Không ít người chèo bè Ttetgun đã nướng hết số tiền kiếm được trong những quán rượu này cho rượu, gái và cờ bạc. “Arirang bè gỗ” là những lời đôi co với người đàn bà bán rượu trong quán. Người xưa đã thật khéo léo mượn hơi men để ca thán về phận mình. Qua đây, chúng ta có thể phần nào hình dung được cuộc sống của những người chèo bè Ttetgun thuở đó. 


* Nhạc phẩm “Mul Puneun Sori”(Khúc háttát nước)– “Yongdurejil Sori”(Khúc hát gàu sòng tát nước) / Bô lão Choi Jang-gyu và hội bảo tồn câu hát dân gian truyền thống vùng Gohyangthuộc tỉnh Gyeonggi

* Ca khúc “Baetnorae”(Khúc hát mạn thuyền) của đảo Geomun thuộc thành phố Yeosu,tỉnh Nam Jeolla Bô lão Jeong Gyeong-yong và nhóm phụ họa 

* Nhạc phẩm “Ttetmok Arirang” (Arirang bè gỗ) / Kim Nam-gi, Kim Gil-ja và nhóm phụ họa 

Lựa chọn của ban biên tập