Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Phương thức dạy và học âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2019-05-15

Âm điệu ngàn xưa


Khẩu âm trong phương thức dạy và học truyền khẩu

Xưa kia ở Hàn Quốc, người nghệ sĩ khi theo học âm nhạc không phải là đọc bản nhạc, mà là lắng nghe và làm theo thầy dạy. Lối dạy và học này được gọi là Gujeonsimsu, âm Hán Việt là “khẩu truyền tâm thụ”, tức là truyền bằng miệng và dạy bằng tâm. Lối dạy và học truyền khẩu trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc được thực hành cả trong ca hát và diễn tấu nhạc cụ. Bắt chước tiếng nhạc cụ bằng miệng được gọi là Gueum, âm Hán là “khẩu âm”. Khẩu âm bao hàm cả sự cao thấp của âm thanh và phương pháp diễn tấu nhạc cụ. Ví như đối với cây đàn tranh 6 dây Geomungo thì âm thanh nhấn dây đàn bằng ngón đeo nhẫn là “Dang”, âm nhấn bằng ngón trỏ là “Dong”, âm giáng que gẩy Suldae xuống là “Ddeul”, có nghĩa là gẩy dây đàn hướng từ dưới lên trên. Người học khi học thuộc các khẩu âm này thì chỉ cần nghe khẩu âm của thầy dạy cũng có thể liên tưởng tới nhạc phẩm. Đây được coi là phương pháp giáo dục hiệu quả giúp cho người thầy có thể truyền đạt được những âm thanh khó có thể chỉ biểu đạt qua nhạc cụ hay những ca từ hàm chứa cảm xúc sâu lắng. 


Khẩu âm của đàn tranh 12 dây Gayageum gần giống với đàn tranh 6 dây Geomungo, nhưng do không được sử dụng mấy, nên đã gần như bị quên lãng. Tìm lại khẩu âm của đàn tranh 12 dây Gayageum qua khẩu âm đàn tranh 6 dây Geomungo, chính là mục đích của giới chuyên gia khi ghi âm bản nhạc này. Tại thời điểm ghi âm, nghệ sĩ Seong Gyeong-rin đã ngoài 80 tuổi. Ông là cựu giảng viên Trung tâm âm nhạc truyền thống quốc gia Hàn Quốc. Thời trẻ, ông đã từng là nghệ sĩ biểu diễn đàn tranh 6 dây Geomungo, Giám đốc Trung tâm âm nhạc truyền thống quốc gia và Hiệu trưởng Trường phổ thông trung học âm nhạc truyền thống quốc gia. Nghệ sĩ Chae Seong-hee, người diễn tấu đành tranh 12 dây Gayageum là học sinh tốt nghiệp trường cấp 3 âm nhạc truyền thống quốc gia và đang hoạt động trong Dàn chính nhạc - Trung tâm âm nhạc truyền thống quốc gia. 

Gujeonsimsu (khẩu truyền tâm thụ) không phải là dạy những nốt nhạc được chép trên khuôn nhạc, mà người thầy truyền khẩu cho trò những âm thanh ca từ chứa chan cảm xúc, còn học trò thì tiếp nhận một cách linh hoạt theo cảm xúc của bản thân mình. Ví như danh ca Jo Sun-ae trong phần Gueum (khẩu âm) nhạc phẩm Jajinmori và Hwimori của âm nhạc Gayageumsanjo dòng Kim Juk-pa. Người trong giới âm nhạc truyền tai nhau rằng trong thời kỳ những năm 1950 và 1960, Jo Sun-ae là một danh ca hát kể chuyện Pansori khá nổi tiếng. Chồng bà - nghệ sĩ Kim Dong-jun, thường xuyên chơi nhạc đệm cho danh nhân Kim Juk-pa. Hơn ai hết, bà thấu hiểu được cái tình cái ý sâu xa của khúc hát, nên có thể biểu đạt bằng âm thanh khẩu âm. 


Mục tiêu của người nghệ sĩ âm nhạc truyền thống Hàn Quốc xưa

Người Hàn Quốc xưa dùng từ Sajinsori, tức là “ảnh âm thanh” để ám chỉ sự dập khuôn những điều chỉ bảo của thầy dạy. Tựa như câu nói của người Việt Nam “con hơn cha là nhà có phúc”, xưa kia trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống ở Hàn Quốc, người học trò cần vượt trội hơn thầy dạy và phải tạo cho mình nét độc đáo riêng, thì mới được xã hội công nhận. Chính vì thế mà các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống Hàn Quốc ngày xưa họ học những kiến thức cơ bản từ thầy dạy, sau đó tự khổ luyện trong một thời gian dài để tạo ra cái tôi của mình. Trong thời gian theo học thì đa phần là các học trò ăn ở sinh hoạt luôn cùng với thầy dạy, nên sau một thời gian dài người học trò thấm nhuần âm nhạc cũng như phong cách của thầy dạy. Ca nương Oh Jeong-hae, nhân vật chính trong phim Seopyeonje đã có lần tự chuyện trên truyền hình về những trải nghiệm của mình trong thời gian theo học danh ca Kim So-hee. Bà nói rằng có lần giặt quần bò bằng nước lạnh trong ngày đông giá rét và phải vắt kiệt không còn một giọt nước nào. Rồi đã từng cùng ăn đồ ôi thiu với thầy do thầy vốn sống giản dị, tiết kiệm. Bởi lẽ rằng chỉ khi người nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori vượt lên và chiến thắng trong mọi hoàn cảnh thì mới có thể đứng trên sân khấu biểu diễn được. Danh nhân Kim So-hee đã hát “Jindo Ssitkimgut” (Khúc hát lên đồng của vùng Jindo) cầu nguyện cho hương hồn của học trò sớm giã từ trần thế. Bà luôn đau đáu việc tài trợ cho những lớp nghệ sĩ trẻ theo học nghệ thuật truyền thống dân tộc. 


* Trích đoạn Sanghyeondodeuri của nhạc phẩm Yeongsanhoesang (Linh sơn hội tương) /  Seong Gyeong-rin (hát Gueum), nghệ sĩ Chae Seong-hee (đàn tranh 12 dây Gayageum)

* Nhạc phẩm Jajinmori và Hwimori của âm nhạc Gayageumsanjo dòng Kim Juk-pa / Lee Yeon-hee (đàn tranh 12 dây Gayageum), Jo Sun-ae (hát Gueum)

* Baetnori (Khúc hát mạn thuyền) / Kim So-hee và nhóm phụ họa 

Lựa chọn của ban biên tập