Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Âm nhạc giành cho tầng lớp dân thường trong xã hội phong kiến thời xưa ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2019-05-22

Âm điệu ngàn xưa


Âm nhạc dành cho mỗi giai tầng trong xã hội Hàn Quốc xưa

Triều đại Joseon ở Hàn Quốc là thời kỳ phân biệt thân phận giai cấp rất rõ rệt giữa người dân thường và giới quý tộc trung lưu trong xã hội. Đến thể loại âm nhạc dành cho mỗi giai tầng cũng có sự khác biệt không nhỏ. Âm nhạc mà giới quý tộc và giai cấp thống trị xã hội thời đó ưa chuộng được gọi là Jeongga, âm Hán là “chính ca”, có nghĩa là khúc ca chính thức phù hợp với khuôn phép chuẩn mực. Ngược lại, những khúc hát mà bách tính yêu thích không những không được gọi là Norae (Bài hát), mà chỉ được coi là Sori, nghĩa là âm thanh, và hát kể chuyện Pansori là một ví dụ tiêu biểu cho dòng âm nhạc dành cho tầng lớp thấp kém trong xã hội phong kiến Hàn Quốc ngày xưa. Việc khúc hát có được đệm đàn huyền cầm hay không cũng là một cách phân biệt giữa dòng âm nhạc dành cho giới quý tộc Norae và âm nhạc của dân thường Sori thời bấy giờ. Có nhạc đệm, đồng nghĩa với việc có nhạc gia diễn tấu nhạc cụ, tức là người thưởng thức âm nhạc phải có điều kiện kinh tế dư giả để chi trả cho việc này. Còn bách tính bần hàn thì chỉ cần có những nhạc cụ gõ đơn giản như chiếc trống Buk hay trống phong yêu Janggu là có thể ca hát và thưởng thức âm nhạc ở mọi nơi mọi lúc. 


Các hình thức biểu diễn dòng âm nhạc tạp ca Japga

Trích đoạn Nollyang trong tạp ca Santaryeong (Khúc ca núi non) của tỉnh Gyeonggi. Ở đây “Nollyang” có nghĩa là “Bây giờ cùng chơi nào” là đoạn mở đầu của tạp ca Santaryeong (Khúc ca núi non), tiếp theo là các đoạn Apsantaryeong (Khúc hát núi trước), Dwitsantaryeong (Khúc hát núi sau), Jajinsantaryeong (Khúc ca núi non nhịp điệu nhanh) và Gaegoritaryeong (Khúc hát con ếch). Khác với các khúc dân ca Minyo ai cũng có thể hát theo được, tạp ca Japga là dòng âm nhạc do các nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori chuyên nghiệp hát. So với thể loại chính ca Jeongga, tạp ca Japga bị coi là ở đẳng cấp thấp hơn, nhưng yêu cầu về chuyên môn lại cao hơn dân ca Minyo. Có hai hình thức biểu diễn tạp ca Japga. Một là đứng hát gọi là Seonsori. Và hai là ngồi hát gọi là Jwachang, âm Hán là “tọa xướng”. Trong hình thức “tọa xướng” Jwachang lại có lối hát chậm gọi là “Gin Japga” (có nghĩa là khúc Japga dài” và lối hát nhanh gọi là “Hwimori Japga”. Tạp ca Santaryeong (Khúc ca núi non) của tỉnh Gyeonggi còn có tên gọi là “Gyeonggi Seonsori”, và vì sau ca từ Nollyang là ca từ Santaryeong nên tạp ca cũng được gọi là “Seonsori Santaryeong”. Khúc hát này được lan truyền tới vùng Seodo (gồm các tỉnh Hwanghae và Pyeongan nay thuộc địa phận của Bắc Triều Tiên) và phát triển thành câu hát truyền thống của địa phương “Seodo Seonsori Santaryeong”. 

Nói về nhạc phẩm “Maenggongi Taryeong” (Khúc ca ễnh ương) thuộc thể loại Hwimori Japga. Truyền rằng xưa kia, các nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori vùng Seoul Gyeonggi thường biểu diễn theo tuần tự hát ca bắt đầu từ Gasa, thơ phổ nhạc Sijo, tạp ca nhịp điệu chậm Gin Japga và khi sân khấu gần tới hồi kết thúc thì họ sẽ hát tạp ca nhịp điệu nhanh Hwimori Japga. Hwimori Japga là lối hát có ca từ mang nội dung hài hước hóm hỉnh. “Maenggongi Taryeong” (Khúc ca ễnh ương) ví von chú ễnh ương (maeggongi) sống bên dòng suối Cheonggye chảy giữa thủ đô Seoul, với những người đần độn, khờ khạo mà người ta hay nhạo báng. Bằng lối châm biếm, “Khúc ca ễnh ương” miêu tả đa dạng cuộc sống của người dân thủ đô lúc đương thời qua hình ảnh những con ễnh ương lấy guốc gỗ cũ kỹ trôi trên con suối làm chơi trò chèo thuyền, ễnh ương cái cứ hễ lấy chồng là chồng chết, rồi ễnh ương hay gây chuyện bị lính tuần tra bắt giữ.

Thời Joseon ở Hàn Quốc, có khá nhiều những nhóm Yeonhipae đi biểu diễn kỹ nghệ múa hát rong khắp làng trên xóm dưới, kêu gọi thiện nguyện của mọi người để lấy tiền xây cất tu bổ chùa chiền. Nên có thể nói, nhiều câu ca tiếng hát và vũ điệu truyền thống của Hàn Quốc còn lưu truyền tới nay chịu ảnh hưởng khá sâu sắc từ Phật giáo. Các nhóm Yeonhipae thường mở đầu màn trình diễn bằng những khúc hát và điệu múa mang nội dung Phật giáo có tác dụng thông báo cho người xem mục đích của buổi diễn và hâm nóng bầu không khí. Truyền thống biểu diễn này vẫn được lưu truyền cho tới ngày nay nên các vũ công thường mở đầu màn diễn bằng vũ điệu Phật giáo Seungmu. Còn các nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori vùng Namdo thuộc các tỉnh Bắc và Nam Jeolla thì mở màn buổi diễn bằng nhạc phẩm Boryeom (Báo niệm) cầu cho quốc thái dân an, thế gian hòa bình, xua đuổi tà ma quỷ ác và cầu nguyện cho sự vãng sinh an lạc. 


* Trích đoạn Nollyang trong tạp ca Santaryeong (Khúc ca núi non) của tỉnh Gyeonggi / Hwang Yong-ju và nhóm phụ họa

* Nhạc phẩm “Maenggongi Taryeong” (Khúc ca ễnh ương) thuộc thể loại Hwimori Japga / Lee Chun-hee 

* Nhạc phẩm Boryeom (Báo niệm) của vùng Namdo / Seong Chang-sun và Jeon Jeong-min 

Lựa chọn của ban biên tập