Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Vài nét về nhà văn Yi Kwang-su và tác phẩm Gwansanyungma

#Âm điệu ngàn xưa l 2019-06-19

Âm điệu ngàn xưa


Giới thiệu nhà văn Yi Kwang-su

 “Heuk” (Đất) và “Mujeong” (Vô tình) là hai tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Yi Kwang-su, trên thực tế ông được cho là có tư tưởng thân Nhật, bị ghi danh trong “Từ điển lưu danh những người thân Nhật” và nội dung viết về nhà văn Yi Kwang-su cũng là nhiều nhất trong danh sách này. Tuy nhiên, ông lại chính là người có công lớn trong việc định hình bước phát triển nhảy vọt của văn học hiện đại Hàn Quốc. Vậy nên, Yi Kwang-su là nhân vật mà người Hàn Quốc không thể không nhắc đến, nhưng cũng lại là tác gia không thể tôn vinh được. Hồi nhỏ nhà văn Yi Kwang-su có tên là Lee Bo-kyung, sau khi nghe khúc thi xướng Gwansanyungma (Quan Sơn nhung mã), vì ngưỡng mộ tác giả của nhạc phẩm này mà ông đã đổi tên thành “Yi Kwang-su”. Tác giả của “Quan Sơn nhung mã” chính là thầy Shin Kwang-su (1712-1775), một quan văn sống dưới thời đại Joseon. Khúc thi xướng này vốn có tên là “Deungakyangnu Tan Gwangyungma” (Đăng Nhạc Dương lâu, thán Quan Sơn nhung mã - Lên lầu Nhạc Dương, lo lắng cho chiến tranh ở Quan Sơn), do thi sĩ Đỗ Phủ thời nhà Đường ở Trung Quốc sáng tác khi ông lên lầu Nhạc Dương nhìn xuống hồ Đông Đình mênh mang thơ mộng mà lo lắng về cuộc chiến đau thương nơi quê nhà không biết bao giờ mới chấm dứt. Là một khúc thi xướng có ca từ mỹ miều cùng lối diễn tả nội tâm độc đáo, “Quan Sơn nhung mã” mặc dù chỉ là tác phẩm đoạt giải nhì trong một kỳ khoa cử dự bị có tên là Hanseongsi (Hán thành thí) dưới triều đại Joseon, nhưng đã được lưu truyền hàng trăm năm nay ở Hàn Quốc. 

Qua lưu bút của văn sĩ Shin Kwang-su, người đời mới biết rằng Gwansanyungma (Quan Sơn nhung mã) là khúc thi xướng được kỹ nữ vùng Bình Nhưỡng (nay là thủ đô của Bắc Triều Tiên) ưa thích nhất lúc đương thời. Lưu bút có đoạn ghi rằng: 

Lúc ở Seoju (Tây Châu, tên gọi cũ của Bình Nhưỡng), 

ta đã bầu bạn với nàng Moran

Cùng Moran lên lầu gác mộng mơ bên dòng Daedong

Cùng nàng vẽ tranh chơi trò chèo thuyền thỏa mộng

Dưới ánh đèn dầu mập mờ, rồi ánh trăng vằng vặc trong đêm

Khi Moran ngâm bài thơ “Quan Sơn nhung mã” của ta

Mây như ngừng trôi, cố nán lại lắng nghe nàng hát


Vợ mất, lòng dạ trống trải nát tan, văn sĩ Shin Kwang-su có lẽ đã rất cảm kích khi thấy kỹ nữ Moran xinh đẹp hát áng thơ của mình. Sau đó, áng thơ Gwansanyungma (Quan Sơn nhung mã) của văn sĩ Shin Kwang-su đã trở thành khúc hát nổi tiếng ở nhiều vùng trên cả nước. 


Vài nét về các khúc hát của vùng Seodo

Khúc thi xướng “Quan Sơn nhung mã” được lưu truyền tới ngày nay là khúc hát của vùng Seodo (gồm các tỉnh Hwanghae và Pyeongan nay thuộc Bắc Triều Tiên). Các khúc hát của vùng Seodo thường có âm mũi, hợp với tâm trạng buồn man mác của khúc thi xướng “Quan Sơn nhung mã”. Khúc hát của vùng Seodo có tiêu đề Chohanga (Sở Hán ca) kể về cuộc chiến tranh giành quyền bá chủ giữa Hạng Vũ và Lưu Bang thời Chiến quốc ở Trung Quốc. Trong cuộc chiến này, Lưu Bang đã đánh bại Hạng Vũ củ nhà Sở và gây dựng nên nhà Hán, cái nôi của văn hóa Trung Quốc. Chiến tranh Sở-Hán là cuộc chiến nổi tiếng, được lưu truyền tới nay dưới nhiều hình thức như trò chơi cờ tướng hay phim truyện có cốt chuyện là vở kinh kịch “Bá Vương biệt cơ”.


Có thành ngữ “Tứ diện Sở ca”, nghĩa là Lưu Bang đã cho quân lính của mình hát các khúc hát của nhà Sở để làm nhụt chí quan quân nhà Sở. Chuyện kể rằng, giữa lúc quan quân nhà Sở đang “thân tàn tâm dã” vì chiến trận thì tứ bề bỗng văng vẳng câu hát quê hương, càng khiến họ nôn nao nỗi nhớ quê nhà, chẳng còn tâm trí nào mà tiếp tục chiến đấu và cuối cùng đã hạ vũ khí đầu hàng nhà Hán. 


Baebaengigut là “Khúc hát lên đồng gọi hồn cô gái Baebaengi” của vùng Seodo. Trước đây ở Hàn Quốc, cứ tới dịp lễ, Tết là người dân lại được nghe danh ca Lee Eun-gwan hát khúc Baebaengigut (Khúc hát lên đồng gọi hồn cô gái Baebaengi) trên truyền hình. Chuyện kể rằng, Baebaengi là con gái hiếm muộn của một đôi vợ chồng giàu có sống ở vùng Bình Nhưỡng. Sau khi Baebaengi chết sớm, đôi vợ chồng già đã vời nhiều thầy đồng từ khắp nơi trên cả nước với mong muốn được gặp dù chỉ là linh hồn của con gái. Một người hành hương qua làng nghe được tin này đã tìm hiểu ngọn ngành về Baebaengi rồi giả làm thầy đồng tìm đến đôi vợ chồng già và lừa gạt của hồi môn dành cho con gái. 


*Khúc thi xướng Gwansanyungma (Quan Sơn nhung mã) / Kim Kwang-suk 

*Khúc hát Chohanga (Sở Hán ca) của vùng Seodo / Oh Bok-nyeo 

* Trích đoạn nhập đồng trong nhạc phẩm lên đồng Baebaengigut / Lee Eun-gwan 

Lựa chọn của ban biên tập