Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Nhà tài trợ thúc đẩy phát triển âm nhạc truyền thống Hàn Quốc xưa

#Âm điệu ngàn xưa l 2019-07-10

Âm điệu ngàn xưa


Giới thiệu về nhà tài trợ Sim Yong

Nhiều ý kiến cho rằng, nghệ thuật thời trung cổ ở châu Âu phát triển được là nhờ những nhà tài trợ gọi là “patron”. Có thể lấy ví dụ là sự đỡ đầu của gia tộc Medici ở thành phố Florence của Ý đã tạo nên những thiên tài trong lĩnh vực mỹ thuật của nhân loại như Michelangelo và  Leonardo da Vinci. Xưa kia, ở Hàn Quốc, những người dù có tài năng về hội họa hay âm nhạc nhưng nếu xuất thân là dân thường, thì họ cũng chỉ có thể kiếm kế sinh nhai bằng cách đi biểu diễn nay đây mai đó, hoặc vào làm việc trong những phủ quan với đồng lương bèo bọt. Truyền rằng, vào thời hậu Joseon một người tên là Sim Yong đã từng đứng ra đỡ đầu tài trợ cho những người này có cơ hội phát huy tài năng kỹ nghệ của mình. Sim Yong từng giữ chức quan Thái thú vùng Hapcheon. Giàu có, tính tình cởi mở lại yêu thích âm nhạc, ông đã để lại cho đời khá nhiều câu chuyện lý thú. 


Những câu truyện để đời về Sim Yong

Thầy Sim Yong là người tài trợ cho các nghệ nhân thời hậu Joseon. Trong quá trình này, ông đã lưu lại rất nhiều câu chuyện cuộc đời. Người đời truyền tai nhau rằng ông biết và gần gũi với nhiều kỹ nữ, những người chuyên múa hát, cũng như các nhạc gia tấu đàn tranh. Thế nên, ở đâu mở tiệc đình đám thì cứ phải nhờ ông mới mời được nghệ sĩ tiếng tăm đến diễn. Nhưng có một lần, một người quen biết Sim Yong mở tiệc ở Apgujeong mà lại chẳng nói gì với ông. Đó là một đêm thu, ánh trăng sáng vằng vặc phủ kín mặt sông Hàn. Khi không khí đêm tiệc tới hồi hứng khởi thì bỗng dưng từ phía kia bên bờ sông Hàn văng vẳng tiếng khèn bầu Saenghwang, thu hút sự quan tâm của tất cả khách được mời tới dự tiệc. Mọi người đều ngoái nhìn về hướng có tiếng khèn bầu Saenghwang thì thấy một con thuyền đang tiến lại gần, trên thuyền có một ông già râu tóc bạc phơ trong trang phục quý tộc, tay phe phẩy quạt lông, đầu quấn khăn. Bên cạnh ông là các tiểu đồng mặc áo xanh đang thổi khèn bầu Saenghwang và sáo trúc dọc Danso cùng những chú hạc nhảy múa. Quang cảnh trước mắt chẳng khác nào hình ảnh một ông tiên đang giáng trần, khiến ai nấy đều ngơ ngác và như bị hút hồn. Trong chốc lát, chẳng ai còn đoái hoài gì tới màn hòa nhạc đang diễn ra trong đám tiệc. Không ai khác, ông tiên trên chiếc thuyền đó chính là thầy Sim Yong. Ngay sau đó, các nhạc gia được vời đến bữa tiệc và các nghệ sĩ trên thuyền của Sim Yong đã hợp nhất nhau chơi cùng nhạc. 

Trong số những nghệ sĩ âm nhạc cùng thời, thầy Sim Yong gần gũi hơn với các danh ca và ca khách như Lee Se-chun hay Gye-seom. Danh ca Lee Se-chun được biết tới là người đầu tiên hát các bài thơ cổ Sijo. Còn Gye-seom là ca khách nổi tiếng tới mức dù đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn được vua Jeongjo (Chính Tổ) mời đến hát ở thành Suwon trong yến tiệc chúc mừng mẫu thân Hyegyeonggung họ Hong. Chuyện kể rằng, có một lần đang ngồi chơi cùng các ca khách ở Hanyang (tên gọi trước đây của thủ đô Seoul) thì bất ngờ thầy Sim Yong rủ mọi người đi tới tiệc sinh nhật của một quan Giám sự ở Bình Nhưỡng. Vốn đều là các nghệ sĩ lừng lẫy tiếng tăm, vì không muốn gây hoang mang cho người dân trong vùng nếu họ cùng một lúc biến mất, nên mỗi người một cớ đã rời Hanyang lén tới Bình Nhưỡng. Họ thuê một con thuyền nhỏ trên sông Daedong rồi tiếp cận với chiếc thuyền lớn đang diễn ra tiệc sinh nhật của quan Giám sự. Trên thuyền lớn hát thì dưới thuyền nhỏ cũng hát, trên thuyền lớn múa kiếm thì dưới thuyền nhỏ cũng múa kiếm. Cho dù Bình Nhưỡng được biết tới là cái nôi của âm nhạc phong lưu, nhưng vẫn không thể so sánh được với tài nghệ của các danh ca ở Hanyang tới. Các nghệ sĩ nổi danh trên chiếc thuyền nhỏ đã hút hồn quan khách trong bữa tiệc sinh nhật. Thấy vậy, quan Giám sự liền sai người bắt giữ những người trên chiếc thuyền nhỏ. Khi biết đó là thầy Sim Yong nên quan Giám sự đã mời thầy Sim Yong lưu lại du lãm Bình Nhưỡng. Thầy Sim Yong là người yêu và am hiểu âm nhạc, nên đã chấp nhận lời mời, tạo cơ hội cho các nhạc gia được cùng chung vui múa hát


* Nhạc phẩm diễn tấu đàn tì bà “Poeui Pungryu” (Bố y phong lưu) / nhóm nhạc truyền thống Yeomin

* Nhạc phẩm Suryongeum (Thủy Long Âm) / Son Beom-ju (khèn bầu Saenghwang) & Lee Du-won (sáo trúc dọc Danso)

* Khúc chính ca “I Bami Gagi Jeone” (Trước khi đêm nay trôi qua) được biến tấu theo lối hiện đại dựa trên lối hát Pyeongrong (Bình Lộng) dành cho giọng nữ / nhóm nhạc truyền thống Souljigi

Lựa chọn của ban biên tập