Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Công trạng và sự nghiệp của vua Sejo trong vương triều Joseon

#Âm điệu ngàn xưa l 2019-07-17

Âm điệu ngàn xưa


Tài năng âm nhạc thiên bổng của vua Sejo (Thế Tổ)

Vua Sejo (Thế Tổ; 1417 - 1468) là đời vua thứ 7 của triều đại Joseon ở Hàn Quốc. Ông còn nổi tiếng với cái tên Suyangdaegun (Đại quân Thủ Dương), người chú đã sát hại và cướp ngôi báu của cháu trai là vua Danjong (Đoan Tông) con trai của vua Munjong (Văn Tông), anh trai của mình. Trong quá trình tự xưng vương, Suyangdaegun đã trừ khử nhiều trung thần, nên bị người đời nhớ tới là một quân vường tàn độc. Thực tế, Sejo (Thế Tổ) là con trai thứ hai của vua Sejong (Thế Tông). Dù mang tiếng là tàn độc, song ông cũng chính là người kế thừa tâm nguyện của vua cha, tạo dựng nền tảng vững mạnh cho đất nước Joseon trong giai đoạn mới thành lập và để lại cho đời nhiều thành tựu to lớn. Người đời truyền nhau rằng vua Thế Tổ có tài cưỡi ngựa bắn cung hơn là ngồi trong khán phòng đọc sách. Trong bộ sách “Sejo Sillok” (Thế Tổ thực lục) có những đoạn viết đại ý rằng vua Thế Tổ còn là người có năng khiếu về âm nhạc. Một số câu chuyện về thời vua Thế Tổ còn trẻ kể rằng: Một hôm vua cha Sejong (Thế Tông) hạ lệnh cho hoàng tử Jinpyeong Daegun (Đại quân Tấn Bình, tên thời trẻ của vua Sejo) cùng các em trai là hoàng tử Anpyeong Daegun (Đại quân An Bình) và Imyeong Daegun (Đại quân Lâm Doanh) học cách tấu đàn tranh 6 dây Geomungo. Mặc dù chưa học tấu đàn tranh 6 dây Geomungo bao giờ, nhưng hoàng tử Jinpyeong đã diễn tấu xuất sắc hơn các hoàng tử khác, khiến vua cha Sejong vô cùng mãn nguyện. Vào một ngày nọ, nghe nói hoàng tử Jinpyeong chơi đàn tranh 12 dây Gayageum, thiên hạ bàn tán rằng “Có việc gì mà hoàng tử Jinpyeong không làm được. Nếu anh ta tấu đàn tỳ bà Bipa thì chắc chắn người ốm cũng phải nhỏm dậy”. Một lần khác, khi hoàng tử Jinpyeong thổi sáo, một chú hạc đã bay tới nhảy múa cùng tiếng sáo véo von réo rắt. Em trai của Jinpyeong là hoàng tử Geumseong Daegun (Đại quân Cẩm Thành) đã tỉnh giấc và nhảy múa cùng chú hạc. Có lẽ thực tế lúc bấy giờ không phải là con hạc bay tới nhảy múa theo tiếng sáo, mà là có ai đó đã bị tiếng sáo mê hoặc và nhảy múa tựa như dáng vóc của loài chim hạc. Theo sử ký loại sáo trúc mà hoàng tử Jinpyeong thổi thời đó có tên gọi là Jeok. Jeok và Piri là tên gọi chung cho các loại nhạc khí ống, nên khó có thể xác định chính xác loại sáo mà hoàng tử Jinpyeong đã thổi lúc ngày trước. 


Đóng góp của vua Sejo trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước

Có năng khiếu thiên bẩm về âm nhạc, nên khi trị vì đất nước, vua Sejo (Thế Tổ) thấu hiểu âm nhạc có ảnh hưởng lớn thế nào tới đời sống của bách dân. Năm 1466, tức năm trị vì thứ 12 của vua Thế Tổ, người dân vùng Gangwon đã cất dựng chùa Sangwon (Thượng Nguyên) để cầu phước cho nhà vua. Khi hay tin chùa đã xây xong, vua Thế Tổ đã đích thân tới tận tỉnh Gangwon xa xôi để dự lễ khánh thành chùa. Nhân dịp tới Gangwon, nhà vua đã cho tổ chức một kỳ khoa cử đặc biệt để tạo cơ hội thăng quan tiến chức cho người dân trong vùng. Một điều đặc biệt hơn nữa là nhà vua còn cho tổ chức một cuộc thi hát dành cho tầng lớp nông dân. Người đoạt giải nhất trong cuộc thi thời đó có tên là Dongguri, kẻ ăn người ở của phủ quan Yangyang. Dongguri đã được thưởng một bộ quần áo, được công nhận tư cách nhạc công và được theo hầu kiệu vua. Thời đó, trên bán đảo Hàn Quốc, nông nghiệp là căn cơ quốc gia, nên nông ca Nongyo khích lệ tinh thần người nông dân của các vùng miền đều được coi trọng và rất phát triển. 


Mặc dù đối với cháu trai, vua Sejo (Thế Tổ) là một người chú tàn ác, nhưng ông lại chính là một vị vua thấu hiểu và thực hiện theo đúng tâm nguyện gây dựng nên tiền đồ đất nước Joseon của vua cha Sejong (Thế Tông). Minh chứng rõ ràng nhất cho điều này chính là âm nhạc tế lễ Tông Miếu Jongmyojeryeak. Jongmyojeryeak là âm nhạc được cử hành trong nghi lễ cúng tế các vị tiên vương tại nhà thờ tổ Jongmyo. Khi vua cha Thế Tông còn trị vì đất nước, âm nhạc được cử hành trong các nghi thức cúng tế các vị tiên vương là âm nhạc Trung Quốc. Có lần vua Thế Tông đã vời các chúng thần tới và nói rằng “tổ tiên ta khi còn sống đều nghe nhạc ta. Giờ tới ngày giỗ lại nghe nhạc nước khác thì có vẻ không hợp lý cho lắm”. Thế nhưng, tâm nguyện này của vua Sejong đã không kịp trở thành hiện thực lúc ông còn tại vị. Có lẽ là thời đó, quan quân triều đình đều đánh giá âm nhạc Trung Quốc có giá trị nghệ thuật cao hơn âm nhạc truyền thống của nước nhà. Phải tới khi vua Sejo (Thế Tổ) lên ngôi, ông đã mạnh dạn cho chỉnh lý lại âm nhạc do chính vua cha Sejong (Thế Tông) sáng tác và cho diễn tấu trong các nghi lễ cúng tế tiên vương. Nhạc tế lễ Tông Miếu Jongmyojeryeak đã được kế truyền hơn 500 năm và giờ đã được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Có lẽ, nếu vua Thế Tổ được sinh ra là con trưởng của vua Thế Tông và được nối ngôi một cách ”danh chính ngôn thuận” thì chắc vua Thế Tổ cũng đã là một vị vua anh minh phúc phẩm chẳng kém gì vua cha Thế Tông.


* Nhạc phẩm “Nalgae” (Đôi cánh) / Won Jang-hyeon (sáo trúc ngang lớn Daegeum)

* Khúc hát Keunnorae và Odokddegi trong dòng “Dân ca làm cỏ” của huyện Yangyang, tỉnh Gangwon / bô lão Kim Jin-tak, Jang Yeon-geup, Lee Jong-dae

* Nhạc phẩm Jeonpyehymun (Điện tệ hy văn) / dàn chính nhạc Trung tâm Âm nhạc truyền thốngquốc gia

Lựa chọn của ban biên tập