Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân đàn tranh Ajaeng Kim Un-ran

#Âm điệu ngàn xưa l 2019-08-07

Âm điệu ngàn xưa


Danh nhân khiếm thị Kim Un-ran và cây đàn tranh Ajaeng

Khuyết tật dù nhỏ hay lớn cũng là điều thật mệt mỏi đối với con người. Người Việt có câu “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Xưa kia ở Hàn Quốc, khiếm thị cũng được coi là khuyết tật lớn nhất mà con người vướng phải. Chẳng thế mà nàng Sim Cheong trong trường ca hát kể chuyện Pansori Simcheongga (Người con gái hiếu thảo Sim Cheong) đã cam lòng đánh đổi cả mạng sống của mình để lấy ánh sáng cho đôi mắt của người cha mù lòa. Trong dòng nghệ thuật múa hát lên đồng vùng ven biển phía Đông ở Hàn Quốc cũng có câu hát lên đồng Sim Choeng được bắt đầu bằng câu: “Trong lục phủ ngũ tạng của con người thì đôi mắt là quan trọng nhất”. Dưới thời Joseon, nhiều người khiếm thị thường thường lấy nghề bói toán làm kế sinh nhai. Triều đình cũng có luật tuyển dụng người khiếm thị làm nhạc công. Thời kỳ này một học giả tên là Kim Un-ran, bị mất thị lực sau khi thi đậu tiến sĩ Nhưng vì xuất thân từ giới quý tộc, để giữ thể diện, ông không thể hành nghề bói toán như những người khiếm thị khác, nên đã tự an ủi lòng bằng cách học tấu đàn tranh Ajaeng. 

Có người nhầm tưởng đàn tranh Ajaeng với đàn nhị Haegeum. Trên thực tế, Ajaeng và Haegeum đều là đàn huyền cầm, nhưng có kiểu dáng và kích cỡ hoàn toàn khác nhau. Đàn nhị Haegeum có bầu đàn tròn nhỏ làm bằng tre, cán nhỏ dài và có hai dây. Vì có kích cỡ nhỏ nhẹ nên đàn nhị Haegeum có thể thuận tiện mang theo người. Trong khi đó, đàn tranh Ajaeng có bầu đàn to và dài làm bằng thân gỗ cây ngô đồng. Đàn tranh Ajaeng có nhiều dây, các dây đàn được đỡ bằng các ngựa đàn gắn trên mặt bầu đàn. Thoáng nhìn, đàn tranh Ajaeng có kiểu dáng gần giống với đàn tranh 6 dây Geomungo và đàn tranh 12 dây Gayageum. Đàn nhị tạo âm thanh thanh cao, còn âm thanh của đàn tranh Ajaeng lại trầm thấp và sâu lắng. Trong các loại đàn huyền cầm, đàn tranh Ajaeng là loại nhạc cụ có âm thanh trầm lắng nhất và dường như đã chạm tới tận nơi sâu lắng nhất của lòng người.


Ngón đàn tranh Ajaeng của Kim Un-ran

Nghệ thuậ tấu đàn tranh Ajaeng của Kim Un-ran ngày càng được nhiều người mến mộ. Huh Gyun, tác giả cuốn tiểu thuyết “Hong Gil-dong” đã để lại những dòng lưu bút, viết rằng “Tiếng đàn tranh Ajaeng của Kim Un-ran tựa như những lời tự sự khiến ai nấy đều rơi lệ”. 

Bỗng dưng một ngày trở nên mù lòa, không nhìn thấy gì, không thể tiếp tục những kỳ khoa cử, không thể bầu bạn cùng các học giả để mà tấu nhạc ngâm thơ thưởng phong lưu, đối với Kim Un-ran, cây đàn tranh Ajaeng đã trở thành người bạn tri kỷ của ông. Đi tới đâu, Kim Un-ran cũng mang theo cây đàn tranh Ajaeng và cứ hễ rảnh là ông lại tấu đàn. Người đời truyền nhau rằng, tiếng đàn tranh Ajaeng của Kim Un-ran nghe ai oán tới mức đến ma quỷ cũng phải bật khóc. Tương truyền rằng có một lần, nghệ nhân Kim Un-ran ngồi tấu đàn tranh Ajaeng bên cạnh một ngôi miếu cổ. Tiếng đàn đang trầm bổng ngân nga thì bỗng dưng nghe đâu đó có tiếng khóc thút thít. Trấn tĩnh lại mới biết thì ra đó là tiếng khóc vọng ra từ bên trong ngôi miếu. Vừa hoảng hốt vừa sợ hãi, nghệ nhân Kim Un-ran liền ôm đàn chạy một mạch. Thế mới nói, tiếng đàn tranh Ajaeng còn có thể làm cảm động cả ma quỷ. Và tiếng đàn tranh Ajaeng của Kim Un-ran tuyệt vời tới mức khiến Đại học sĩ Yi Yi hiệu Yulgok (Lật Cốc) dưới triều đại Joseon thế kỷ XVI, để lại dòng lưu bút bằng một áng thơ như sau:


Tiếng Ajaeng văng vẳng từ lầu gác
 Thảng thốt giật mình đứt tiếng thơ
 Ngón tay uốn lượn theo dây mắc
 Âm thanh như suối tự núi sâu

Như ve ca trên ngọn cỏ đẫm sương thu

Suối róc rách luồn qua khe đá

Vút mây xanh vang vọng dư âm

Đêm thanh vắng thiên duyên gặp gỡ

Ký ức xưa rung động cõi lòng

Chén rượu nồng thẫn thờ trong đêm vắng

Vầng trăng xanh lơ lửng giữa trời cao


Bỗng nhiên trở nên mù lòa là sự mất mát tột cùng đau đớn của Kim Un-ran. Tâm trạng sầu hận của Kim Un-ran được ông thổ lộ qua từng âm thanh của tiếng đàn tranh Ajaeng, nó cũng là tâm trạng của muôn vạn người dân nghèo đói thống khổ trong xã hội lúc đương thời. 


* Nhạc phẩm “Heoteungarak” dòng Sanjo dành cho đàn tranh Ajaeng / Kim Il-gu (đàn tranh Ajaeng)

* Nhạc phẩm thuộc dòng Sanjo dành cho đàn tranh Ajaeng dây sắt / Yoon Yoon-seok 

* Nhạc phẩm Dalbityuhee (Du hý dưới ánh trăng) / nhóm nhạc truyền thống Ensemble Sinawi 

Lựa chọn của ban biên tập