Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Thiên nhiên Hàn Quốc phảng phất trong nghệ thuật vừa hát vừa tấu nhạc cụ Byeongchang

#Âm điệu ngàn xưa l 2019-10-16

Âm điệu ngàn xưa


Vài nét về dòng nghệ thuật vừa hát vừa diễn tấu nhạc cụ Byeongchang

Xưa kia người Hàn Quốc gọi thể loại âm nhạc mà người nghệ sĩ vừa hát vừa diễn tấu nhạc cụ là Byeongchang. Ví như vừa hát vừa tấu đàn tranh 12 dây Gayageum là “Gayageum Byeongchang”, vừa hát vừa tấu đàn tranh 6 dây Geomungo là “Geomungo Byeongchang”, vừa hát vừa tấu đàn nhị Haegeum là “Haegeum Byeongchang”. Trong đó, vừa hát vừa tấu đàn tranh 12 dây Gayageum “Gayageum Byeongchang” là dòng nhạc có lịch sử phát triển lâu dài nhất và có nhiều nghệ sĩ kế tục nhất. “Gayageum Byeongchang” và hát kể chuyện Pansori là hai dòng nghệ thuật truyền thống được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Hàn Quốc. Còn dòng nhạc vừa hát vừa tấu đàn nhị Haegeum “Haegeum Byeongchang” mới được tái hiện nên không nhiều người biết tới. Dòng nhạc vừa hát vừa tấu đàn tranh 6 dây Geomungo “Geomungo Byeongchang” do danh nhân đàn tranh 6 dây Geomungo dòng Sanjo Shin Kwae-dong khởi xướng. Dưới thời Hàn Quốc bị Nhật Bản chiếm đóng đầu thế kỷ XX, ông đã cùng các danh ca nổi tiếng của dòng nghệ thuật hát kể chuyện Pansori là Lee Dong-baek, Song Man-gap và Jeong Jeong-ryeol bôn ba khắp nơi học tập và thấm nhuần nghệ thuật hát kể chuyện Pansori và đoản ca Danga, thêm vào đó là trình diễn đàn tranh 6 dây Geomungo.

Các nhạc phẩm Geomungo Byeongchang nổi tiếng còn được lưu truyền tới nay gồm trích đoạn Santaryeong (Khúc ca núi non) trong trường ca Jeokbyeokga (Xích Bích ca), đoản ca Honamga (Hồ Nam ca), đoản ca Paldoyuramga (Du lãm ca tám tỉnh). 


Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của đất nước Hàn Quốc

Khúc đoản ca Honamga (Hồ Nam ca) là khúc hát ca ngợi những cảnh quan thiên nhiên tuyệt mỹ và dấu ấn lịch sử hào hùng của vùng Honam, tên gọi khác của tỉnh Jeolla. Khúc hát được bắt đầu bằng đoạn:

Từ Hampyeong hướng về quê hương Gwangju tươi đẹp

Đón thuyền ở đảo Jeju vượt biển tới Haenam

Mặt trời mọc ở Heungyang chiếu rọi Boseong

Sương sớm trên đỉnh Gosan bao phủ Yeonggwang

Xưa kia ở Hàn Quốc, khi hạ tầng và phương tiện giao thông còn lạc hậu, từ Hampyeong đến Gwangju người ta phải đi bằng thuyền. Thời đó giao thông đường thủy trên sông và biển là phương thức vận chuyển người và hàng hóa hữu dụng lý tưởng nhất. Sông Yeongsan chảy quanh co qua Naju, Hampyeong, Muan, Yeongsan nối liền Gwangju với cảng Mokpo. Đoạn đường thủy này được duy trì tới năm 1970 nên tới giờ rất ít người biết đến sự tồn tại của nó.

Vả lại trước đây đảo Jeju thuộc vùng Jeolla. Qua khúc ca xưa, chúng ta có thể đoán được diện mạo văn hóa, lịch sử, xã hội, kinh tế thời bấy giờ. Khúc dân ca Geumgangsan Taryeong (Khúc ca núi Kim Cương) của vùng Gyeonggi là khúc hát ca ngợi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của núi Geumgang (nay thuộc Bắc Triều Tiên), địa dư mà người Hàn Quốc xưa ai cũng mong được đặt chân tới một lần trong đời. Khúc ca có đoạn:

Du lãm núi nổi danh thiên hạ

Hai mươi hai ngàn ngọn lớn nhỏ ôm dọc bờ Biển Đông

Như áng mây phủ, đây chắc núi Kim Cương

Vãn cảnh chùa Trường An, nghỉ chân ở đài Minh Kính, lên đài Vọng Quân

Thái tử Ma Y sao chẳng thấy, lệ sầu vàng vách núi đá xưa


Dưới thời vua Jeongjo (Chính Tổ: 1752-1800), một kỹ nữ giàu có ở đảo Jeju tên là Kim Man-deok đã dốc hết tài sản để cứu đói cho dân. Cảm động trước hành động nghĩa khí này, nhà vua hứa sẽ thỏa nguyện mong ước của nàng. Kim Man-deok liền trả lời là nàng muốn tới vãn cảnh ở núi Geumgang. Thời đó người sống ở đảo Jeju, nhất lại là phận nữ thì rất khó có thể rời đảo lên đất liền. Thế nhưng vua Jeongjo đã thỏa nguyện mong ước của kỹ nữ Kim Man-deok. Không đích thân không cùng nàng vãn cảnh núi Geumgang được nhưng vua Jeongjo đã phái cử danh họa Kim Hong-do đi theo tháp tùng và phác họa lại vẻ đẹp mỹ miều của vùng ngoạn cảnh này. Những họa phẩm này vẫn được Hàn Quốc bảo tồn tới nay. Núi Geumgang là ngoạn cảnh mà từ nhà vua tới người kỹ nữ sống nơi đảo xa đều ước ao có một lần trong đời được lui tới. Thời đó vãn cảnh núi Geumgang không phải là một việc dễ thực hiện, nên người ta thưởng thức các bài hát và các bức phong họa về ngọn núi Geumgang để phần nào thỏa mãn nguyện ước này. 

Nhạc phẩm Yeongjusipgyeong (Doanh Châu thập cảnh) ca ngợi 10 thắng cảnh tươi đẹp của vùng đảo Jeju như lên đỉnh núi Seongsan ngắm cảnh mặt trời mọc, ngắm cảnh mặt trời lặn trên ngọn Seolrak, hè thì tới tháp nước Jeongbang, thu về cả hòn đảo lại vàng ruộm một màu quýt chín dưới trăng thanh, đông về ao Baekrokdam trên núi Halla phủ trắng tuyết, ngọn Yeongsil với những mỏm đá hình hài kỳ thú, đàn ngựa nô đùa... 


* Đoản ca Honamga (Hồ Nam ca)/ Shin Kwae-dong (vừa hát vừa tấu đàn tranh 6 dây Geomungo)

* Khúc dân ca Geumgangsan Taryeong (Khúc ca núi Kim Cương) / Lee Chun-hee 

* Nhạc phẩm Yeongjusipgyeong (Doanh Châu thập cảnh) / Kim Ju-ok cùng nhóm phụ họa 

Lựa chọn của ban biên tập