Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Các nhân vật phụ trong nghệ thuật hát kể chuyện Pansori

#Âm điệu ngàn xưa l 2019-10-30

Âm điệu ngàn xưa


Anh hầu Bangja trong trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga

Thông thường trong các bộ phim điện ảnh, phim truyền hình nhiều tập hay tiểu thuyết, nhân vật chính bao giờ cũng là nhân vật quan trọng nhất. Nhưng chúng ta cũng không thể coi nhẹ vai trò của các nhân vật phụ. Nhân vật chính có thể là anh hùng hay có số phận đầy bi kịch nhưng khán thính giả có thể phần nào dự đoán được đường đi nước bước của nhân vật này. Để thêm phần thú vị và hấp dẫn, câu chuyện cần có vai trò linh hoạt của các nhân vật phụ. Ví như trong trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga (Xuân Hương ca) có nhân vật phụ Bangja - người hầu của công tử Lý Mộng Long, Wolmae (Nguyệt Mai) - mẹ đẻ của nàng Xuân Hương, một kỹ nữ luống tuổi đã giải nghệ, hay quan huyện Saddo họ Byeon luôn tìm cách hà hiếp nàng Xuân Hương. Thực ra, Bangja không phải là tên riêng của nhân vật, mà là tên để gọi những người hầu trong phủ quan ở địa phương thời Joseon ở Hàn Quốc. Trong trường ca Chunhyangga (Xuân Hương ca), Bangja đóng vai trò se duyên cho công tử Lý Mộng Long và nàng Xuân Hương trong một ngày xuân đẹp trời khi Bangja đưa công tử lên lầu Gwanghan (Quảng Hàn) ngắm cảnh. Mặc dù thân phận thấp kém, nhưng do làm việc trong phủ quan lâu ngày, được tai nghe mắt thấy nhiều việc nên khả năng nhận biết, xử lý mọi việc và thái độ với cuộc đời của Bangja còn có phần sắc sảo hơn công tử Lý Mộng Long. Khi mang thư báo tin nàng Xuân Hương bị tống giam cho công tử Lý Mộng Long, Bangja đã khóc tu tu như một đứa trẻ. Điều này cho thấy tấm lòng nhân hậu và sự thấu cảm của nhân vật trước nỗi đau của người khác. Sau khi nghe những lời ngon ngọt, ca ngợi chủ nhân hết lời của Bangja, nàng Xuân Hương đã xuôi tai và nói với Bangja rằng “nếu công tử Lý Mộng Long có ý thì hãy đích thân đến tìm ta”.


Người anh tham lam Nolbo trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga

Người anh tham lam Nolbo, nhân vật phụ trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heongbo). Nolbo không xuất hiện nhiều nhưng nếu thiếu nhân vật này thì không thể có diễn biến của câu chuyện. Bởi vì người em tốt bụng hiền thảo Heungbo đã bị chính người anh tham lam vô độ Nolbo đuổi ra khỏi nhà. Do đó, những thói tham tật xấu của Nolbo là chi tiết vô cùng quan trọng của nội dung vở kịch, và đoạn kể lể về những điều này cũng chính là đoạn dẫn mở màn cho vở kịch. Trong xã hội đầy rẫy những kẻ hiềm khích, ác độc, xấu tính, đồi bại vô liêm sỉ, nhưng cũng chỉ là con người với đầy đủ lục phủ ngũ tạng. Đằng này người đời gọi Nolbo là kẻ có thất phủ ngũ tạng, vì hắn còn có phủ ngang tàng, đến mức nỡ lòng đuổi vợ chồng em trai và đàn cháu nheo nhóc ra khỏi nhà giữa mùa đông giá rét thê lương. 


Mụ Bbaengdeok trong trường ca hát kể chuyện Pansori Simcheongga

Trong trường ca hát kể chuyện Pansori Simcheongga (Người con gái hiếu thảo Sim Cheong) có nhân vật mụ Bbaengdeok. Trường ca này có nội dung về những số phận éo le, chua xót. Truyện kể rằng, bà Kwak muộn mằn lắm mới sinh hạ được Sim Cheong, nhưng ngày đẻ con gái cũng là ngày người đàn bà xấu số này tạ thế. Ông Sim, một người đàn ông mù lòa, sau khi vợ chết đã phải bồng con đi khắp nơi xin sữa của thiên hạ. Rồi từ thuở chập chững biết đi, cô bé Sim Cheong đã lang thang hết làng trên xóm dưới xin cơm về phụng dưỡng cha mù. Tới năm 15 tuổi, mong tìm lại ánh sáng cho người cha mù lòa, Sim Cheong đã bán mình làm vật tế thần cho người thuyền chài. Cho dù tấm lòng hiếu thảo của Sim Cheong có sâu nặng tới đâu, người nghe cũng sẽ rất mỏi mệt nếu vở diễn chỉ toàn những cảnh đau buồn xót xa. Xoa dịu không khí này chính là sự xuất hiện của nhân vật mụ Baengdeok. Trong lúc ông Sim, người cha mù lòa của Sim Cheong đang đau đớn khóc lóc ngày qua ngày vì sự ra đi của con gái, thì mụ Baengdeok đã tìm tới, gạ gẫm sống chung với ông Sim nhằm chiếm đoạt số tài sản Sim Cheong để lại. Trên đường cùng ông Sim đi dự tiệc dành cho người mù, mụ Baengdeok đã phải lòng một ông mù có tên là Hwang. Mụ đã bỏ lại ông Sim ở nhà trọ và chạy trốn cùng người tình. 


* Trích đoạn “Bangja đi thuyết phục Xuân Hương” trong trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga (Xuân Hương ca) / Kim So-hee 

* Trích đoạn “Nolbo Simsul Taryeong” (Sự xấu xa của người anh Nolbo) trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo) / Oh Jeong-suk 

* Trích đoạn “Tính cách xấu xa của mụ Baengdeok và chặng đường ông Sim lên kinh thành” /  Kim Su-yeon 

Lựa chọn của ban biên tập