Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Đàn tranh Gayageum của Hàn Quốc xưa và nay

#Âm điệu ngàn xưa l 2019-11-13

Âm điệu ngàn xưa


Nguồn gốc đàn tranh Gayageum ở Hàn Quốc

Không phải người Hàn nào cũng phân biệt được sự khác nhau về âm thanh hay cách diễn tấu đàn tranh 12 dây Gayageum và đàn tranh 6 dây Geomungo, nhưng chắc chắn ai cũng biết câu “Đàn tranh 12 dây Gayageum thì Wureuk, đàn tranh 6 dây Gomungo thì Wang San-ak”. Cũng chính bởi câu nói này mà khá nhiều người lầm tưởng   nhạc gia Wureuk (Vu Lặc) là người Silla và đã sáng tạo ra cây đàn tranh 12 dây Gayageum. Trên thực tế, cây đàn này do vua Gasil của vương quốc Gaya chế tác. Cái tên Gayageum có nghĩa là “đàn huyền cầm của vương quốc Gaya”. Wureuk chỉ là nhạc gia sáng tác các nhạc phẩm dành cho Gayageum theo lệnh của vua Gasil. Sau này, khi Gaya rơi vào cảnh loạn lạc, nhạc gia Wureuk đã mang Gayageum tới Silla tị nạn. Cũng từ đó, đàn tranh 12 dây Gayageum dần được phổ biến ở đất Silla. Qua các bức tượng đất nung thời đó được khai quật, có thể thấy cây đàn tranh 12 dây Gayageum thời xưa và thời nay không có gì khác biệt. Đặc điểm đặc trưng nhất của đàn tranh 12 dây Gayageum Jeongak là bộ phận Yangidu ở một đầu của bầu đàn, trông giống hai chiếc sừng cừu choãi sang hai bên. Cây đàn tranh 12 dây Gayageum trong những bức tượng đất nung thời Silla cũng có Yangidu. Qua đây chúng ta có thể thấy rằng sau hàng nghìn năm, Gayageum vẫn giữ nguyên dáng vẻ ban đầu. Gayageum Jeongak là loại Gayageum cơ bản, nền tảng của đàn tranh 12 dây Gayageum, nên còn được gọi là Beopgeum, tức “pháp cầm”, và Pungryu Gayageum, do thường được dùng để tấu nhạc phong lưu Pungryu của giới quý tộc. 


Trong kho báu của vương triều Nhật Bản có một nhạc cụ tên là Sillageum (tức đàn cầm Silla), tương truyền có nguồn gốc từ Silla. Cây đàn Sillageum trông giống Jeongak Gayageum hiện nay, nhưng kích cỡ nhỏ gọn hơn và có dây đeo. Do đó, có phỏng đoán rằng người xưa quàng dây đeo cây đàn này lên người để diễn tấu. 


Sự thay đổi và phát triển của đàn tranh Gayageum ở Hàn Quốc

Theo dòng chảy của thời gian, nhạc cụ, cách diễn tấu và âm nhạc dành cho nhạc cụ đó cũng thay đổi. Cuối thời Joseon, đàn Gayageum dòng Sanjo ra đời. Ngoài dòng Sanjo, Gayageum còn là nhạc cụ chính dùng cho các dòng âm nhạc dân gian truyền thống Minsokak như dân ca Minyo, hát tấu đàn Gayageum Byeongchang. So với Jeongak (chính nhạc), Minsokak đã có khá nhiều thay đổi về nhịp điệu và giai điệu. Đàn tranh Sanjo Gayageum có kích cỡ nhỏ hơn đàn tranh Jeongak Gayageum, khoảng cách giữa các dây cũng hẹp hơn nên có thể tấu các bản nhạc tiết tấu nhanh. Thể loại âm nhạc Sanjo cũng ra đời cùng đàn tranh Sanjo Gayageum. Âm nhạc Sanjo được coi là tinh hoa của âm nhạc truyền thống, và dòng nhạc được sáng tác đầu tiên chính là Gayageum Sanjo. Không có tài liệu nào xác định đàn tranh Sanjo Gayageum được chế tác trước hay âm nhạc Sanjo được sáng tác trước. Nhưng sự thực là âm nhạc Hàn Quốc đã có những bước phát triển nhảy vọt. 


So với các nhạc cụ khác, đàn tranh 12 dây Gayageum vốn là nhạc cụ được người Hàn Quốc ưa thích từ xa xưa, nên âm nhạc cũng sớm được biến tấu đa dạng. Dây đàn cũng được cải tiến từ chất liệu tơ lụa thành dây kim loại, nên loại đàn này được gọi là Cheolgayageum (đàn tranh dây sắt). Dần dần xuất hiện các loại đàn 13 dây, 15 dây, 17 dây, 21 dây, đến giờ có cả đàn tranh 25 dây sắt. Đàn tranh Gayageum 25 dây có thể tạo ra nhiều âm thanh hơn so với đàn tranh Gayageum truyền thống, nên thuận tiện cho diễn tấu các sáng tác mới. Nhiều cây đàn tranh dây sắt cùng hòa tấu thì không có thể loại âm nhạc nào là không thể hiện được. Nhưng nhạc công phải dùng cả hai tay gẩy đàn nên khó thể hiện được một số âm sắc đặc thù của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc. Chính vì thế, một số người thất vọng cho rằng Cheolgayageum giống đàn hạc Harp của phương Tây hơn là đàn tranh Gayageum. Dây đàn được làm bằng chất liệu tổng hợp chứ không phải tơ lụa, nên âm sắc không mấy sâu lắng, nhưng lại trong trẻo. Hy vọng điểm yếu này của đàn tranh dây sắt sẽ sớm được cải thiện. 


* Trích đoạn Sangryeongsan (Thượng linh sơn) trong nhạc phẩm Yeongsanheosang (Linh sơn hội tương) / Kim Jeong-ja (đàn tranh Jeongak Gayageum)

* Nhạc phẩm Hwimori thuộc thể loại Gayageum Sanjo, dòng Choi Ok-sam / Hamdongjeongwol (đàn tranh 12 dây Gayageum)

* Nhạc phẩm Happiness / Lee Seul-gi (đàn tranh 25 dây)

Lựa chọn của ban biên tập