Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Giới thiệu danh ca tài ba Park Chun-jae

#Âm điệu ngàn xưa l 2019-11-27

Âm điệu ngàn xưa


Danh ca dân ca Gyeonggi Park Chun-jae

Dưới thời hậu Joseon ở Hàn Quốc, vị vua đời 26 Gojong (Cao Tông) là người sẵn sàng đón nhận văn hóa, văn vật phương Tây du nhập vào Hàn Quốc lúc bấy giờ. Ông yêu thích cà phê và xử dụng xe ô tô. Chuyện kể rằng, một lần công sứ Mỹ mang chiếc máy hát đĩa than loa kèn đến cho vua Gojong. Công sứ giới thiệu cách sử dụng, ghi âm luôn đoạn giới thiệu của mình, và ngay sau đó mở lại cho vua Gojong nghe. Ngỡ ngàng và tò mò về chiếc máy hát chưa từng thấy trên đời, vua Gojong đã vời ngay danh ca hát kể chuyện Pansori Park Chun-jae đến ghi âm thử. Kỳ diệu thay, chiếc máy hát phát ra âm thanh y hệt giọng hát của danh ca Park Chun-jae. Thấy vậy, vua Gojong đã mỉm cười và nói đùa rằng “Chun-jae ơi Chun-jae! Chắc khanh sẽ tổn thọ 10 năm đó!”. Trong thời kỳ bán đảo Hàn Quốc bị đế quốc Nhật chiếm đóng, danh ca Park Chun-jae là người phát hành nhiều đĩa hát nhất. 


Danh ca Park Chun-jae sinh ra và lớn lên ở Seoul thời điểm đầu những năm 1880. Tuy được học Hán tự từ khi còn nhỏ, nhưng do đam mê câu ca tiếng hát, ông đã theo học dân ca tỉnh Gyeonggi từ các nghệ sĩ lúc bấy giờ. 15 tuổi, Park Chun-jae đã trở thành ca sĩ cung đình với chức vị Gamubyeolgam. Thời đó Byeolgam là chức quan chuyên tổ chức các sự kiện trong cung đình. Gamubyeolgam là người ca múa cho vua và thái tử trong lúc họ nghỉ ngơi. Tương truyền rằng, danh ca Park Chun-jae thường hát để dỗ dành vua Yeongchin (Anh Thân), con trai của vua Gojong (Cao Tông) lúc nhỏ. Năm 11 tuổi, vua Yeongchin sang Nhật Bản. Sau này, trong một lần sang Nhật ghi đĩa hát, danh ca Park Chun-jae đã gặp lại vua Yeongchin và an ủi nhà vua nơi đất khách quê người. 


Danh ca hài kịch Jaedam Park Chun-jae

Không chỉ là danh ca chuyên hát dân ca tỉnh Gyeonggi, Park Chun-jae còn nổi danh trong lĩnh vực hài kịch Jaedam. Thời đó Hàn Quốc còn chưa có tivi, thế mà Park Chun-jae đã nổi danh tới mức đi ngoài đường ai cũng nhận ra và chỉ trỏ với nhau rằng “Kia kìa! Danh ca Park Chun-jae đang đi kia kìa!”. Gaeneokduri (Chó nhập hồn người) là một trong những khúc hát hài kịch Jaedam mà danh ca Park Chun-jae để lại cho đời. Ở Hàn Quốc, trên chiếu lên đồng, người chết thường nhập hồn vào ông đồng, bà đồng để giãi bày với người thân và gia đình. Trong nhạc phẩm Gaeneokduri của Park Chun-jae, hồn chó nhập vào bà đồng, mượn bà đồng để than phiền về cuộc sống đầy oai oán của mình. 


Năm 1938, một bài báo tựa đề “Hài kịch Jaedam của Park Chun-jae khiến thiên hạ cười nghiêng ngả” có đoạn: Ngày thứ 9 của cuộc thi nghệ thuật dân gian. Doanh số bán vé đạt kỷ lục, kín chỗ. Dòng người đổ về xem hội diễn đông nghìn nghịt dưới ánh trăng đêm hè. Danh ca Jaedam Park Chun-jae làm khán giả cười lăn cười bò vì xuất hiện trong tấm áo xanh trông chẳng giống ai. Màn nhập vai rối gỗ Gakdugaksi cũng vô cùng đặc sắc, khiến không khí đêm hội thêm tưng bừng náo nhiệt”


Danh ca Park Chun-jae còn sáng tạo ra loại hình múa rối chân Baltal độc đáo. Khi trình diễn, sẽ có một anh hề Gwangdae ngồi sau chắn, chỉ để hở hai chân đeo mặt nạ. Một anh hề Gwangdae khác sẽ xuất hiện trên sân khấu và ca hát trò chuyện với mặt nạ chân. Năm 1983, loại hình múa rối chân Baltal đã được phong tặng danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia số 79. Ở cái thời u ám nhất lịch sử bán đảo Hàn Quốc, danh ca Park Chun-jae đã đem lại tiếng cười sảng khoái cho người dân. Tuy nhiên, do được nuông chiều từ nhỏ, chứng nào tật nấy, Park Chun-jae đã lâm vào tình cảnh khuynh gia bại sản, rồi lại mang tiếng với thiên hạ vì kết hôn với bà đồng. 


* Nhạc phẩm “Gyeongbokgung Taryeong” (Khúc ca cung điện Gyeongbok (Cảnh Phúc) / Chae Su-hyeon, nhóm nhạc Mặt trăng thứ hai 

* Khúc hát hài kịch Jaedam tựa đề Gaeneokduri (Chó nhập hồn người) / Jeon Byeong-hun 

* Nhạc phẩm Jangdaejang Taryeong / Baek Yeo-chun, Choi Yeong-suk 

Lựa chọn của ban biên tập