Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Câu chuyện đời của những nhân tài Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2019-12-11

Âm điệu ngàn xưa


Lĩnh vực nghệ thuật hát kể chuyện Pansori

Danh ca Song Heung-nok là người khởi xướng trường ca hát kể chuyện Pansori dòng Dongpyeonje. Trong những năm 1800 ở Hàn Quốc, ông được người đời mệnh danh là ca vương. Tương truyền rằng tại một buổi biểu diễn ở làng Gamyeong (Daegu), trong khi mọi người hết lời ca ngợi tài năng diễn xuất và giọng hát xuất chúng của Song Heung-nok, có một kỹ nữ tên là Maengryeol (Mãng Liệt) lại tỏ ra dửng dưng. Hỏi dò mới biết cô kỹ nữ này không hài lòng với trích đoạn Gwigokseong do Song Heung-nok hát, tả cảnh nàng Xuân Hương bị tống vào ngục tối. Việc một danh ca tiếng tăm lẫy lừng thiên hạ bị một kỹ nữ xem thường đã ảnh hưởng rất lớn tới lòng tự trọng của ca vương Song Heung-nok. Ông quay về, dồn hết tâm sức luyện tập, cuối cng kỹ nữ Maengryeol cũng công nhận tài năng của ông, và hai người đã về sống với nhau. Thời đó, danh ca hát kể chuyện Pansori mang phận đời lưu diễn khắp mọi nơi. Maengryeol vốn là người phụ nữ tính khí mạnh mẽ, nên không chấp nhận việc danh ca Song Heung-nok không ở cạnh mình mà suốt ngày nay đây mai đó. Một ngày nọ, họ to tiếng với nhau và Maengryeol đã gói ghém đồ đạc ra đi. Danh ca Song Heung-nok chỉ biết gọi tên nàng Maengryeol mà khóc, vì không thể níu được chân người thương. Tiếng gào khóc “Maengryeol a! Maengryeol a!...” của Song Heung-nok thảm thiết tới mức khiến nàng Maengryeol đã bỏ đi vẫn phải quay gót trở lại. Trong khúc ca Heungtaryeong của dòng tạp ca vùng Namdo (tức các tỉnh Jeolla) ngày nay vẫn còn đoạn danh ca Song Heung-nok hát gọi kỹ nữ Maengryeol. 

Maengryeol là người vợ, người tri âm vô cùng quan trọng trong sự nghiệp ca hát của danh ca Song Heung-nok. Cô thấu hiểu tiếng hát của Song Heung-nok, chỉ cho ông những điểm còn yếu kém giúp danh ca hoàn thiện tài năng của mình. Người hoạt động nghệ thuật luôn cần nỗ lực hết mình để vượt lên giới hạn của bản thân, và việc này không hề đơn giản.


Danh ca Im Bang-ul cũng là một ví dụ điển hình. Dưới thời Hàn Quốc bị đế quốc Nhật Bản chiếm đóng, với trích đoạn Ssukdaemeori trong trường ca hát kể chuyện Pansori “Xuân Hương ca”, danh ca Im Bang-ul đã giành được sự quan tâm và yêu mến tuyệt đối của khán thính giả. Đang ở đỉnh cao sự nghiệp, nam danh ca lại phải lòng một kỹ nữ tên là Sanhoju. Sau khi về chung sống với Sanhoju, danh ca Im Bang-ul bỏ bẵng nghiệp ca hát. Vài năm sau, nhận ra khả năng ca hát dần tàn lụi, ông quyết định rời bỏ Sanhoju, lên núi ở ẩn để luyện giọng. Vì người thương ra đi không một lời từ biệt, Sanhoju đã rất đau đớn, tìm mọi cách tới nơi Im Bang-ul ở ẩn, nhưng ông đã một mực từ chối không chịu gặp Sanhoju. Quá buồn bã nhớ thương danh ca Im Bang-ul, xuống núi không được bao lâu thì kỹ nữ Sanhoju lâm bệnh rồi chết. Hay tin Sanhoju nguy kịch, Im Bang-ul vội vàng xuống núi, lao về với Sanhoju, nhưng đã quá muộn. Danh ca Im Bang-ul đau đớn ôm xác người thương gào khóc thảm thiết. Tiếng khóc thuở đó của danh ca Im Bang-ul đã được ghi lại trong đoản ca Chueok (Kỷ niệm). 


Lĩnh vực văn học nghệ thuật

Ở Hàn Quốc, khá nhiều người biết về chuyện tình đơn phương của nhà văn Kim You-jeong, tác giả cuốn tiểu thuyết “Dongbaekggot” (Hoa hải đường), và danh ca Park Nok-ju. Truyện kể rằng, vốn ốm yếu, cha mẹ lại mất sớm nên Kim You-jeong tính tình nhút nhát, ít nói. Hồi 20 tuổi, khi theo học Đại học Yeonhee (tiền thân của trường Đại học Yeonsei danh giá), Kim You-jeong đã đem lòng cảm mến danh ca Park Nok-ju, hơn ông ba, bốn tuổi. Không dám đến gặp Park Nok-ju, Kim You-jeong đã viết một lá thư gửi cho bà, với nội dung: “Tôi đã xem chị hát ở nhà hát Joseon. Tôi rất vui mừng vì mọi người đều hâm mộ chị.Tôi say mê chị”.


Đối với một danh ca lừng danh thiên hạ như Park Nok-ju thuở đó, những dòng thư như trên là hết đỗi bình thường. Nhưng sau đó, Kim You-jeong ngày nào cũng gửi thư cho Park Nok-ju, nên bà đành bố trí thời gian gặp mặt và nói với ông rằng: “Bây giờ cậu đang là học sinh, nên giành thời gian học hành chăm chỉ chứ gặp ca sĩ để làm gì kia chứ!”. Bị danh ca Park Nok-ju khước từ tình cảm, nhà văn Kim You-jeong đã xin bà một tấm ảnh, nhưng cũng bị bà từ chối thẳng thừng. Sau lần đó, Kim You-jeong như cái bóng theo đuổi Park Nok-ju, ông còn viết cả huyết thư cầu xin bà chấp nhận tình yêu của mình, nhưng lần nào cũng bị Park Nok-ju từ chối. Thiên hạ biết chuyện nên lời to tiếng nhỏ với nhau rằng Park Nok-ju bạc tình. Cuối cùng, do thất tình, Kim You-jeong đã bỏ học và về quê viết tiểu thuyết. Nếu ngày đó danh ca Park Nok-ju đón nhận tình cảm của Kim You-jeong, thì liệu Hàn Quốc đã có nhà văn nổi tiếng Kim You-jeong hay không? Nếu được Park Nok-ju đón nhận tình yêu của mình, thì cho dù không trở thành nhà văn nổi tiếng, nhưng liệu Kim You-jeong có hạnh phúc với tình yêu này suốt đời hay 


* Khúc hát Heungtaryeong / Ahn Suk-seon

* Nhạc phẩm Chueok (Kỷ niệm) / nhóm nhạc truyền thống Puri 

* Trích đoạn “Đuổi bắt chim én” trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo) / Park Nok-ju

Lựa chọn của ban biên tập