Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Dân ca Minyo vùng Gyeonggi và sự giao thoa với âm nhạc hiện đại

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-01-08

Âm điệu ngàn xưa


Dân ca Minyo Gyeonggi truyền thống

Dân ca Minyo vùng Gyeonggi, Hàn Quốc là những khúc hát khá đặc biệt. Những khúc ca này vốn được các bà đồng vùng Gyeonggi hát khi nhảy đồng. Ca từ phỏng theo lời thơ cổ Sijo, nhịp điệu cũng theo nhịp 5 và 8 giống như thơ phổ nhạc Sijo, chứ không theo nhịp điệu phổ biến của dòng dân ca Minyo như các khúc hát Semachi hay Gutgeori. Thoáng nghe thì có vẻ dân ca Minyo vùng Gyeonggi dễ hát theo, nhưng trên thực tế lại khá phức tạp. Trước kia ở Hàn Quốc, Norae (Bài hát) là loại hình âm nhạc Gagok, Gasa hay Sijo mà giới quý tộc và giai cấp thống trị xã hội thời đó ưa chuộng, phù hợp với khuôn phép chuẩn mực. Còn những khúc hát bách tính yêu thích chỉ được gọi là Sori, nghĩa là “âm thanh”. Noraegarak là một khúc dân ca sáng tác dựa trên thơ cổ Sijo chuyển thể. Thơ phổ nhạc Pyeongsijo có ca từ vô cùng đa dạng. Ví như trích đoạn:

Tình yêu là lời nói dối, người vì ta cũng là điều dối gian

Người hiện về trong mơ đâu tin nổi

Trăn trở đêm dài sao gọi là giấc mơ


Sự giao thoa âm nhạc truyền thống Hàn Quốc với âm hưởng hiện đại

Nhóm nhạc truyền thống Ssing Ssing là nhóm nhạc chuyên khai thác sắc thái Rock trong những làn điệu dân ca. Phong cách âm nhạc cùng trang phục truyền thống và các kiểu tóc độc đáo của ba nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori Lee Hee-Mun, Shin Seung-tae, Chu Da-hye khiến nhóm Ssing Ssing thu hút sự chú ý của đông đảo khán thính giả trong và ngoài nước. Quý vị và các bạn có thể tìm thấy rất nhiều hình ảnh và video clip thú vị của nhóm trên internet.

Còn nhóm nhạc jazz Prelude Hàn Quốc được thành lập năm 2003 với các thành viên là sinh viên Nhạc viện Berklee ở Boston (Mỹ). Người đời vẫn nói rằng con người ta xa quê hương đất nước sẽ thấy nhớ nhung và quý trọng đất mẹ hơn. Có lẽ nhóm nhạc jazz Prelude cũng vậy. Ngay từ thời du học, các thành viên trong nhóm đã cảm thấy jazz rất phù hợp với nhạc truyền thống của Hàn Quốc, nên đã cùng danh ca dân ca Gyeonggi Jeon Yeong-nang xuất bản đĩa nhạc dân ca Gyeonggi. Đĩa nhạc đã mang đến cho những người hâm mộ nhạc jazz và nhạc truyền thống một cảm nhận vô cùng mới mẻ. Trong số này, tiêu biểu nhất là khúc dân ca Taepyeongga (Thái bình ca). Khúc ca có đoạn:

Tức giận làm chi được lợi gì

Phiền muộn vốn nhiều vui sống đi


Hy vọng năm 2020 của quý vị sẽ là một năm thái bình như ca từ trong khúc hát. Nói đến sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống Hàn Quốc với nhạc jazz thì không thể không nhắc tới danh ca Kim Deok-su, người đi tiên phong trong dòng nhạc này. Sau khi nổi danh thế giới với những màn trình diễn bốn loại nhạc cụ gõ Samulnori, danh ca Kim Deok-su đã xúc tiến sáng tác, biểu diễn với nhạc công nhiều nước trên thế giới. Những tác phẩm giao thoa giữa âm nhạc truyền thống Hàn Quốc với nhạc jazz của ông đã tạo cho khán thính giả góc nhìn mới mẻ về âm nhạc truyền thống. Điển hình là tạp ca Saetaryeong (Giai điệu các loài chim) trong dòng tạp ca vùng Namdo (thuộc các tỉnh Bắc và Nam Jeolla). Tạp ca yêu cầu kỹ năng chuyên môn của người hát cao hơn dòng dân ca Minyo. Với nhịp điệu vui nhộn và hào hứng, khúc tạp ca mô tả tiếng hót véo von của vô vàn các loài chim trong tiết xuân ấm áp.


* Khúc hát Noraegarak (Giai điệu tiếng hát)/nhóm nhạc truyền thống Ssing Ssing

* Khúc dân ca Gyeonggi Taepyeongga (Thái bình ca)/danh ca Jeon Yeong-nang, nhóm nhạc jazz Prelude

* Nhạc phẩm Saetaryeong (Giai điệu các loài chim)/danh ca Nam Sang-il, danh ca Kim Deok-su và dàn nhạc phụ họa

Lựa chọn của ban biên tập