Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Những khúc hát cầu nguyện trong dịp đầu năm mới xưa kia ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-01-22

Âm điệu ngàn xưa


Khúc hát cầu nguyện dịp lễ tết truyền thống của người Hàn Quốc

Tùy theo lịch sử và văn hóa, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc lại có khái niệm khác nhau về thời điểm bắt đầu một năm mới. Ngày nay, mặc dù đều sử dụng lịch dương để thuận tiện trong đời sống sinh hoạt, nhưng chúng ta vẫn duy trì các lễ hội truyền thống theo lịch âm. Nhờ những đặc trưng văn hóa này mà thế giới mới thêm phong phú, đa sắc màu. Tết Nguyên đán năm nay rơi vào thứ Bảy, ngày 25 tháng 1 dương lịch. Người Hàn Quốc được nghỉ Tết từ thứ Sáu 24 tháng 1 tới thứ Hai 27 tháng 1. Xưa kia ở Hàn Quốc, không khí Tết náo nhiệt từ ngày 30 Tết tới tận rằm tháng Giêng. Ngày 30 tháng Chạp là ngày cuối cùng của năm cũ, ngày lễ bái, thăm hỏi người cao tuổi, và cảm ơn những người đã giúp đỡ mình trong suốt một năm qua. Vào ngày này, người ta tặng nhau tất truyền thống Beoseon mới để đi trong ngày Tết, hoặc giúp đỡ lẫn nhau nếu thấy gia cảnh người nào đó khó khăn. Sáng mùng 1 Tết, nhà nhà thắp hương tổ tiên, chúc tụng nhau, cầu nguyện một năm mới may mắn và dồi dào sức khỏe. 


“Aekmaekgi Taryeong” là khúc hát “ngăn vận hạn” mà các phường nhạc truyền thống Pungmulpae thường hát dạo quanh làng dịp đầu năm mới. Người Hàn có câu:

Tháng 3 tháng 4 chặn vận hạn tháng 2 mách

Đoan Ngọ đến ngăn rủi ro tháng 3 tháng 4 tâu


Có lẽ chính vì vậy mà người dân Hàn Quốc có phong tục sớm ngăn chặn vận hạn, rủi ro bằng câu ca tiếng hát từ ban mai đầu tiên của năm mới. Sống ở đời, con người ta khó có thể khẳng định sẽ không có điều gì không hay xảy đến với mình. Mong ước của họ là nếu không may, vận hạn có xảy ra thì cũng nhẹ bớt và nhanh chóng qua đi. Trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc có một nhạc phẩm mang tên “Maengindeokdamgyeong” tức “Bài kinh cầu nguyện của người khiếm thị”. Xưa kia, người khiếm thị ở Hàn Quốc được coi là những người không có khả năng lao động bằng thể lực, nên họ đọc kinh cầu nguyện như một hình thức phúc lợi xã hội. Người khiếm thị thường được mời tới đọc kinh vào dịp Tết Nguyên đán, hoặc những đợt gia đình có việc hệ trọng. Các nghệ sĩ phường nhạc thường bắt chước người khiếm thị hát khúc “Bài kinh cầu nguyện của người khiếm thị” tại tiết mục cuối cùng của buổi biểu diễn. 


Phong tục văn hóa ngày Tết Nguyên Đán ở Hàn Quốc

Xưa kia ở Hàn Quốc, vào các dịp lễ tết lớn như Tết Nguyên Đán hay Tết Trung Thu, các phường hát truyền thống Pungmulpae lại đi hát dạo quanh làng và tới từng nhà. Các nhạc cụ gõ của phường hát thường là trống Buk, trống phong yêu Janggu, chiêng Jing, phèng Kkwaenggwari và kèn Taepyeongso. Mỗi làng một đặc trưng, có nơi thì đi theo phường hát, có đoàn lại đeo mặt nạ, hóa trang và nhảy múa. Có lẽ những âm thanh ầm ĩ náo nhiệt này khiến lũ tạp quỷ hoảng sợ mà bỏ chạy. Trong những dịp này, khúc hát được ưa thích nhất chính là “Aekmaekgi Taryeong” (Khúc ca ngăn vận hạn) và Binari (Cầu nguyện). Thực ra thì xưa kia, các tiết mục trình diễn đâu có phong phú như bây giờ. Nếu các phường hát biểu diễn trên bãi đất trống trong làng thì chẳng mấy chốc mà buổi diễn kết thúc. Nhưng nếu đi diễn dạo quanh làng rồi ghé vào mỗi nhà hát cầu phúc lộc và ngăn chặn vận hạn cho gia đình đó, thì các gia đình cũng vui, còn các phường hát thì vừa có thể hát đi hát lại các khúc ca mà vẫn nhận được sự mến mộ và cảm kích từ mỗi gia đình, mặt khác lại được các gia đình biếu gạo, tiền. Họ gom những quà biếu này để sử dụng vào việc làm đường hay dựng cầu cho làng.


* Nhạc phẩm “Aekmaekgi Taryeong” (Khúc ca ngăn vận hạn) / nhóm nhạc truyền thống E_Sang 

* Khúc hát “Maengindeodamkgyeong” (Bài kinh cầu nguyện của người khiếm thị) / Oh Bok-nyeo 

* Khúc hát Binari (Cầu nguyện) / nhóm nhạc “Mặt trăng thứ hai” 

Lựa chọn của ban biên tập