Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tính hóm hỉnh, hài hước trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-01-29

Âm điệu ngàn xưa


Ca khúc “Maenggongi Taryeong”

Thời phong kiến ở Hàn Quốc, giới quý tộc và dân thường trong xã hội phân định khá nghiêm ngặt về thân phận, giai cấp. Âm nhạc giới quý tộc yêu thích được gọi là Jeongak (Chính nhạc), còn âm nhạc bách tính ưa chuộng lại có tên gọi là Minsokak, tức “nhạc dân tộc”. Đến các bài hát phổ nhạc theo thơ cổ Sijo dành cho giai cấp thống trị xã hội đương thời mới được gọi là Norae, tức “bài hát”, còn các ca khúc dành cho bách tính lại chỉ được gọi là Sori, tức “âm thanh”. Trong số này có dòng Japga (Tạp ca), bị coi là có đẳng cấp thấp hơn dòng Jeongga (Chính ca), nhưng lại được nhiều ca sĩ thể hiện. “Hwimori Japga” là thể loại tạp ca thường được các nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori vùng Seoul trình diễn. “Hwimori Japga” có tiết tấu nhanh, hài hước, lý thú. Trong số này có thể kể đến ca khúc “Maenggongi Taryeong” (Khúc ca ễnh ương). Đây là khúc hát mượn hình ảnh con ễnh ương sống ở dòng suối Cheonggye để nhạo báng thói đời kệch cỡm của con người trong xã hội đương thời. 


Cheonggye là dòng suối giữa lòng thủ đô Seoul Hàn Quốc. Đây là điểm dừng chân của các dòng chảy từ các dãy núi bao quanh thủ đô Seoul trước khi đổ ra sông Hàn. Cheonggye cuốn theo các loại nước xả thải trong đô thị, nên không thể tránh khỏi bị ô nhiễm, hôi thối. Bởi vậy, hai bên bờ sông đã trở thành nơi tạm cư của những người nghèo khó. Người xưa đã khéo lấy hình ảnh con ễnh ương để lột tả đời sống của những người dân nghèo hai bên bờ suối thuở đó. Cuối thời Joseon, ở khu vực Seoul có một nhóm ca sĩ hát nhạc truyền thống được mệnh danh là Sagyechuk (Tứ khế trục). Địa bàn hoạt động ca hát của họ là phường Malli và Cheongpa sau ga tàu lửa Seoul. Mặc dù làm các công việc chính khác nhau, nhưng đối với họ, câu ca tiếng hát vẫn là đam mê lớn nhất. Truyền rằng cứ tới mùa đông, họ lại gọi các danh ca hát kể chuyện Pansori nổi tiếng đến tụ tập trong căn chòi chứa rau, dạy nhau hát hoặc vui ca thâu đêm suốt sáng. Khởi đầu là những khúc hát phong cách điềm đạm như thơ cổ Sijo, rồi tới “Sibi Japga” (12 tạp ca). Tới lúc cảm xúc lên đến cao trào là kẻ hát người múa, người gõ trống nhỏ Sogo, và cuộc vui thường kết thúc bằng tạp ca “Hwimori Taryeong” sau khúc hát Seonsorisantaryeong. Trong lúc cao hứng, nhịp điệu của câu hát thường nhanh, dồn dập, lời ca hóm hỉnh. Tiếp nối chuyên mục phát thanh hôm nay, mời quý vị cùng thưởng thức tạp ca “Bawi Taryeong” (Khúc ca tảng đá) do nghệ sĩ Park Sang-ok thể hiện. Khúc ca bắt đầu bằng đoạn:

Bụng đói, niêu cơm đầy thóc, đá

Thóc đá nhiều bởi người không bên ta

Đá trong cơm là đá ở đâu đây?


Tạp ca “Bawi Taryeong”

Xưa kia, khi kỹ thuật xay xát chưa phát triển, khó có thể loại sạch đá sạn và tạp chất trong gạo. Vậy nên khi ăn cơm, nhai phải sạn là chuyện rất đỗi bình thường. Khúc tạp ca hóm hỉnh đã đưa các mỏm đá nổi tiếng trên cả nước vào niêu cơm. Bài hát kết thúc bằng hình ảnh sau khi vất vả lắm mới ăn xong bát cơm, nhân vật chính vừa xỉa răng vừa tính húp hớp cháo cháy tráng miệng, nhưng lúc mở vung niêu cơm thì thấy một đôi toan nghê Haetae (con vật có mình sư tử, đầu rồng) đang bò ra. Trong đời sống tinh thần của người Hàn Quốc, toan nghê là linh vật biết phân biệt phải trái và ngăn chặn tai ương. Có lẽ đôi toan nghê bò ra từ niêu cơm là đôi toan nghê bằng đá hoa cương dựng trước quảng trường Gwanghwamun (Quang Hoa Môn). Trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc có khúc hát “Yukchilwol Heurinnal” (Ngày âm u tháng 6, tháng 7) miêu tả một người đàn ông câu cá bên suối trong một ngày hè. Chuyện kể rằng sau khi bắt được xâu cá, người đàn ông thấy một bé trai dắt con dê đen đi ngang qua. Ông liền níu cậu bé lại nhờ đem cá câu được về nhà mình, và liến thoắng dặn dò vợ nấu một bữa thật ngon. Nhưng cậu bé tỏ thái độ rất ỡm ờ. Có lẽ người đàn ông phải chia cho cậu bé chút đỉnh thì cậu ta mới ngoan ngoãn nhận lời. 


* Khúc tạp ca “Maenggongi Taryeong” (Khúc ca ễnh ương) / Lee Chun-hee 

* Khúc tạp ca “Bawi Taryeong” (Khúc ca tảng đá) / Park Sang-ok 

* Nhạc phẩm “Yukchilwol Heurinnal” (Ngày âm u tháng 6, tháng 7) / Lee Hee-mun và nhóm nhạc Prelude 

Lựa chọn của ban biên tập