Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tiết lập xuân trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-02-05

Âm điệu ngàn xưa


Ý nghĩa của tiết lập xuân với người Hàn Quốc

Trong tục ngữ Hàn Quốc có câu “Lập xuân, vại vỡ, vại nước tiểu vỡ” hay “Vay cái lạnh ngày lập xuân”, nghĩa là nỗi khát khao mong ngóng hơi ấm của tiết xuân khiến người ta cảm thấy cái lạnh rơi rớt của mùa đông thêm giá rét. Trong khi đó ở phía Nam bán đảo Hàn Quốc, hoa hải đường đã nở rộ, hoa mai cũng bắt đầu hé nở. Khi con người vẫn còn thờ ơ thì xuân đã rón rén đến từng bước. Nhạc phẩm Maehwaga (Khúc ca hoa mai), diễn tả tâm trạng vui mừng của thi sĩ khi bất ngờ nhìn thấy nhành mai vàng nở rộ sớm mai. Khúc ca được bắt đầu bằng đoạn:

Xuân lại về trên cành mai thủa nọ
 Mai lại nở trên nhành xuân đã qua
 Tuyết xuân mơn trớn mai e ấp


Xưa kia ở Hàn Quốc, cứ tới dịp lập xuân, người nông dân lại có tục xem bói rễ cây lúa mạch. Họ nhổ mạ lúa mạch và tin rằng nếu cây mạ nhiều rễ thì năm đó là năm bội thu, còn nếu ít rễ thì năm đó là năm mất mùa. Lập xuân cũng là lúc lương thực của bách tính cạn kiệt, người dân nghèo rơi vào cảnh đói kém. Đây là thời điểm người Hàn Quốc xưa gọi là Boritgogae (Đèo lúa mạch), chỉ nguy cơ thiếu đói trong thời điểm tháng 4 âm lịch, khi lúa gạo thu hoạch năm ngoái đã cạn mà lúa mạch của năm nay vẫn chưa lên đòng. Tục xem bói rễ lúa mạch đã phần nào thể hiện nỗi lo lắng của người nông dân, mong sao ruộng lúa mạch sớm bén rễ, và thời kỳ đói kém tháng 4 tháng 5 mau trôi qua. Rằm tháng Giêng năm nay rơi vào ngày mùng 8 tháng 2 dương lịch. Giờ đây, không mấy người tổ chức Rằm tháng Giêng linh đình, chứ xưa kia ở Hàn Quốc, đây là ngày lễ có nhiều phong tục tập quán hơn cả Tết Nguyên đán. 


Phụ nữ múa hát Ganggangsulle trong ngày Rằm tháng Giêng

Thường thì các làng mạc có tục lễ làng, các trò chơi tập thể như kéo co hay trò chơi Ganggangsullae. Có những việc người dân không thể làm một mình, như các công việc đồng áng trên ruộng, hoặc hoạt động đánh bắt cá trên biển. Thế nên ngày rằm đầu năm mới chính là dịp để người dân làng trên xóm dưới giao lưu và tăng cường tình đoàn kết, cầu chúc một năm mới hạnh phúc thịnh vượng. Ganggangsullae là trò chơi truyền thống của nữ giới vùng duyên hải khu vực Namdo, thuộc các tỉnh Bắc và Nam Jeolla. Người xưa quan niệm rằng Mặt trời giống như người đàn ông, Mặt trăng giống như người đàn bà. Đàn bà còn là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở. Hình ảnh những người phụ nữ túm năm tụm bảy nhảy múa ca hát thành vòng tròn dưới ánh trăng rằm mang ý nghĩa cầu nguyện cho sự ấm no thịnh vượng. 


Xưa kia ở Hàn Quốc, việc người phụ nữ ra khỏi nhà là rất hiếm hoi. Nhưng trong ngày Rằm tháng Giêng, với lý do tham gia múa hát Ganggangsullae, phụ nữ có thể chơi thâu đêm suốt sáng bên ngoài. Vì thế mà phụ nữ ở vùng Namdo thường bấm đầu ngón tay mong ngóng tới ngày này. Không kể tuổi tác, cũng chẳng cần biết hát hay không, họ cứ vừa nắm tay nhau vừa vui ca vui múa một hồi là tình thân nảy nở, tình đoàn kết thêm khăng khít, giúp họ vượt qua những thử thách khó khăn ở đời. Xưa kia trong những đêm trăng sáng, các học giả Hàn Quốc thường chỉ nhâm nhi chén rượu, tách trà, rồi ngâm thơ chơi nhạc chứ đâu dám tùy tiện ra ngoài vui chơi thưởng trăng. Thuở đó có những áng thơ về ánh trăng khá thú vị. Ví như:

Ánh trăng xanh lướt nhẹ qua cửa sổ
 Ngỡ là người ta vội bước chạy ra
 Bóng dáng người đâu sao chẳng thấy
 Chỉ một vầng trăng sáng đẫy đà
 Lá bích ngô đồng thấm đẫm giọt sương xa
 Bóng phượng hoàng kiêu kỳ rỉa cánh.
 May sao trời khuya đêm thanh vắng
 Nếu là ngày thì mất mặt với dân gian


Đó là một đoạn ca từ của nhạc phẩm Eonlak (Ngôn Lạc) thuộc thể loại thơ phổ nhạc Gagok dành cho giọng nam,diễn tả tâm trạng của một người đang tưởng nhớ hình bóng người mình yêu dưới ánh trăng xanh bên thềm cửa sổ. Cái bóng thấp thoáng sau khung cửa khiến chàng nhầm tưởng là người yêu đến với mình nên vội chạy vụt ra, để rồi chẳng thấy bóng ai ngoài ánh trăng đơn độc, hóa ra đó là nhành cây ngô đồng đang đung đưa. Bài ca diễn tả tâm trạng hụt hẫng, tẽn tò của nhân vật chính khi nhận lầm hình bóng người yêu dấu, đành phải dối lòng mình là bóng chim phượng hoàng đang rỉa cánh trên cành ngô đồng trước nhà. Bài hát cũng thể hiện tâm trạng bối rối của người quân tử trí thức, sợ bị mất thể diện nếu ai đó nhìn thấy mình trong bộ dạng mắc cỡ. 


* Maehwaga (Khúc ca hoa mai) / Lee Yun-jin hát, đệm đàn ghi ta và sáo trúc dọc Piri 

Ganggangsullae / nhóm hc sinh Trưng trung hc ph thông ngh thut truyn thng Namwon 

* Eonlak (Ngôn Lạc) / Lee Dong-gyu

Lựa chọn của ban biên tập