Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Hơi thở mùa xuân trong âm điệu truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-02-19

Âm điệu ngàn xưa


Nỗi lưu luyến cái lạnh mùa đông

Trong áng thơ Chunseol (Tuyết mùa xuân) của nhà thơ Jeong Ji-yong có đoạn:

Cánh cửa mở, núi cao ngang tầm trán

Sớm ngày đầu, tiết vũ thủy tinh sương

Núi phủ trắng tuyết, trán lành lạnh

Băng rạn dần, gió núi thổi luồn khe

Nhớ vạt áo trắng, ngát hương đồng nội


Nhà thơ Jeong Ji-yong đã phác họa cảnh tuyết rơi trong buổi sáng tiết vũ thủy. Tiết vũ thủy tới, tuyết đông dần tan và hơi ấm của mùa xuân đã le lói đây đó. Nhà thờ mở cửa trong tâm trạng luyến tiếc vì phải chờ thêm một năm nữa mới lại được ngắm nhìn những bông tuyết trắng xóa bông xốp, thì bất ngờ thấy sau cánh cửa là cả một khoảng sân phủ trắng tuyết. Có lẽ lúc đó, tâm trạng của thi sĩ đã phấn khích vô cùng. Danh cầm Hwang Byeong-gi cũng đã đưa cảnh tuyết rơi lã chã trong những ngày cuối đông vào nhạc phẩm Chunseol (Tuyết mùa xuân) dành cho đàn tranh 12 dây Gayageum. Nhạc phẩm gồm 5 chương: chương I có tựa đề “Goyohan Achim” (Buổi sáng tĩnh lặng), chương II là Pyeonghwaropge (Hòa bình), chương III là Sinbiropge (Thần bí), chương IV là Iksalseureopge (Khôi hài), và chương V có tựa đề Sinmyeongnage (Hứng khởi). 


Xuân sang là lúc bỏ lại mọi lo toan mà vui thỏa

Vì sao trước thềm xuân sang, người Hàn Quốc xưa lại nhớ cảnh tuyết rơi? Phải chăng đó là thời điểm giao mùa nên lòng người vừa lưu luyến cái lạnh của tiết đông lại vừa mong ngóng hơi ấm của xuân mới? Càng luống tuổi, cảm nhận của con người về sự thay đổi trong khoảnh khắc giao thời càng rõ nét. Và đây đó, người ta lại than thở với nhau rằng “Nhanh thật đấy! Đã lại đổi mùa rồi!”. Khúc đoản ca Sacheolga (Tứ tiết ca) đã khéo léo diễn tả tâm trạng này với đoạn đầu nói về sự vô thường của 4 mùa trong năm, trong đó mùa xuân được miêu tả thế này:

Hoa đua nở khắp núi non trùng điệp

Xuân đã về bao phủ xóm làng

Cớ sao thế thời đìu hiu vậy

Xuân lại đến mà nay tóc bạc phơ

Đoạn tiếp theo của khúc hát lại đề cập tới sự vô thường của đời người, rằng:

Con người dẫu sống cả trăm năm

Trừ ngày bệnh, ngày ngủ, ngày lo cũng chỉ còn quãng bốn chục năm

Tới lúc chết cũng trở về với đất


Chết là hết. Đã chết rồi thì mâm cơm cúng có bao nhiêu sơn hào hải vị cũng chẳng bằng chén rượu nhạt lúc còn sống. Thế nên:

Thằng trộm thóc quốc khố, thằng bất hiếu, thằng bất hòa

Bắt cả lũ, tống sang thế giới bên kia trước

Còn tụi anh em bằng hữu chúng mình

Chén anh chén tôi, kẻ mời, người can vui cho thỏa


Đoản ca Danga vốn là những khúc hát ngắn để các nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori luyện thanh và tạo không khí trước buổi biểu diễn chính thức. Cho dù là câu hát ngợi ca cảnh quan hùng vĩ hay những câu chuyện kể về các anh hùng hào kiệt thì đoạn cuối vẫn được kết thúc bằng câu “Hãy chơi cho thỏa đi nào!” Cho dù thời gian là vô thường, công việc bận rộn, nhưng hãy cứ bỏ lại mọi lo toan vướng bận ở đời, cứ chơi đã rồi hẵng làm... Có lẽ đó là cách nghệ thuật hát kể chuyện Pansori thu hút khán thính giả, và cũng là cách thể hiện tâm tình phong lưu của người Hàn Quốc xưa.

Dân ca Gyeonggi khúc Yangryuga (Dương liễu ca) có câu tả cảnh xuân sang rằng:

Ngỡ chim én nên xua đi vàng anh đậu nhành liễu 

Bẻ một nhành ta làm sáo thổi cho vui


* Chunseoul (Tuyết mùa xuân) chương IV Iksalseureopge (Khôi hài) / Hwang Byeong-gi

Sacheolga (T tiết ca) Jo Sang-hyeon

* Yangryuga (Dương liễu ca) / nhóm nhạc Namu

Lựa chọn của ban biên tập