Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Những câu hát truyền thống trong tiết xuân

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-03-04

Âm điệu ngàn xưa


Tiết Hàn thực và câu hát xưa

Ở Hàn Quốc, tháng 3 mùa xuân là thời điểm khai giảng năm học mới. Không chỉ lứa tuổi học trò xốn xang rạo rực đón xuân, mà có lẽ khí tiết mùa xuân mang đến cho tất cả mọi người những kỳ vọng và hoài bão mới mẻ. Xưa kia, người Hàn Quốc có câu “Tháng 3 hoa xuân nở”, ý chỉ tháng 3 âm lịch, theo dương lịch là khoảng tháng 4. Gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nền nhiệt độ ở Hàn Quốc đã tăng đáng kể, nên thời tiết trong tháng 3 dương lịch cũng có thể so với tháng 3 âm lịch xưa kia. Người Hàn Quốc xưa quan niệm theo lịch âm, một số ngày lẻ trùng với tháng lẻ là những dịp lễ tết quan trọng trong năm. Ví dụ, ngày mùng 1 tháng 1 là Tết Nguyên đán Seollal, mùng 5 tháng 5 là Tết Đoan ngọ Dano, mùng 7 tháng 7 là ngày Thất tịch Chilseok, tương truyền là ngày duy nhất trong năm Ngưu Lang Chức Nữ được gặp nhau. Ngày mùng 9 tháng 9 là ngày Tết Trùng dương. Ngày lễ này rơi vào giữa thu, hoa cúc nở rộ, người Hàn Quốc thường ngâm rượu hoa cúc Gukhwaju, làm bánh rán hoa cúc Gukhwajeon để chung vui với người thân và bạn bè. Trong tiết xuân, ngày mùng 3 tháng 3 là Tết Hàn thực Samjitnal. Người Hàn Quốc cho rằng đây là thời điểm bầy chim én tránh rét ở phương Bắc quay trở về chào đón những tia nắng xuân ấm áp. Theo phong tục truyền thống, trong ngày Hàn thực Samjitnal, già trẻ gái trai trong xóm cứ từng tốp từng tốp, theo từng lứa tuổi và giới tính, rủ nhau lên núi hoặc tới các cánh đồng ngắm hoa, làm bánh hoa Hwajeon, cùng vui chơi và tận hưởng tiết xuân ấm áp sau những ngày lạnh giá co ro. 


“Lộ trình ký của chim én” là một trích đoạn trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo), miêu tả những cảnh quan hùng vĩ trên đường chim én bay từ Giang Nam, Trung Quốc về nhà người em Heungbo ở Unbong, tỉnh Jeolla, và nơi ở tạm bợ tại Hamyang, tỉnh Gyeongsang, Hàn Quốc. Chặng đường từ Bắc Kinh, Trung Quốc tới Hanyang (Hán Dương, tên gọi cũ của thủ đô Seoul), Hàn Quốc là lộ trình sứ thần hai nước xưa kia thường qua lại. Còn chặng đường từ Hanyang về tới nhà người em Heungbo cũng xuất hiện trong trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga (Xuân Hương ca), đoạn miêu tả quãng đường khi công tử Lý Mộng Long trở thành quan giám hành ngự sử và đi từ kinh thành Hanyang về Namwon. Chim én đã mang hạt bầu về đền đáp công ơn cứu mạng của người em Heungbo. Cũng nhờ những hạt bầu này mà người em tốt bụng Heungbo đã trở nên giàu có. Thấy em trai một sớm một chiều trở nên giàu sang phú quý, người anh tham lam Nolbo tính chuyện bắt chước. Nolbo đã làm rất nhiều tổ én nhưng chẳng thấy chú chim én nào bay vào, nên hắn quyết định lên đường đi bắt én. Cảnh người anh tham lam Nolbo đi lùa bắt chim én được diễn tả trong một trích đoạn của trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga, do danh ca Park Dong-jin thể hiện trong một đoạn quảng cáo truyền hình. Câu hát có nhịp điệu hứng khởi, hóm hỉnh, có phần huênh hoang, giống như đám người khiêng kiệu tháp tùng nhà vua hô hào dẹp đường trong các chuyến diễu hành. Hình thức hát này được gọi là Gwonmaseong (Khuyến mã thanh), nên trích đoạn tả cảnh người anh tham lam Nolbo lùa bắt chim én còn được gọi là Kwonmaseongje hay Seolleongje, Deolleongje. Truyền rằng trước đây, câu hát này do danh ca Kwon Sam-deuk xuất thân từ giai cấp quý tộc sáng tác, nên các nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori ngày xưa gọi câu hát này là Kwonsamdeukje. 


Ảnh hưởng của nghệ thuật hát kể chuyện Pansori trong dòng Japga (Tạp ca)

Trong dòng nghệ thuật Gyeonggi Japga (Tạp ca vùng Seoul và Gyeonggi), người nghệ sĩ ngồi hát với phong thái ung dung tự tại cùng phần đệm trống phong yêu Janggu được gọi là Jwachang (Tọa xướng). Dòng tạp ca có 12 khúc hát nên được gọi là “Sibi Japga”. Nhưng trong 12 khúc tạp ca này có khá nhiều câu hát được thể hiện dựa theo lối hát kể chuyện Pansori. Điều này chứng tỏ nghệ thuật hát kể chuyện Pansori đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của người dân vùng Seoul và Gyeonggi. Jebiga (Khúc ca chim én) là một trong những khúc tạp ca này. 

Các nghệ sĩ cũng bắt đầu bằng câu hát “Hổ già nơi núi non trùng điệp bắt được con chó cái béo mầm về, nhưng chỉ để trước mắt gầm gừ” từ trích đoạn Sarangga (Khúc hát tình yêu) trong trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga (Xuân Hương ca). Sau đó, người nghệ sĩ tăng tiến nhịp điệu biểu diễn và hát nối trích đoạn “người anh tham lam Nolbo đi lùa bắt chim én” bằng câu “Đi lùa bắt chim én nào!”. Tiếp đó, người nghệ sĩ còn diễn tả tâm trạng cô đơn trong đêm dài lạnh lẽo khi phải ly biệt người thương. Và có lẽ đây mới là nội dung chính của phần trình diễn.


* Nhạc phẩm Jebinojeonggi (Lộ trình ký của chim én) / Park Kwi-hee vừa hát vừa tấu đàn tranh 12 dây Gayageum Byeongchang

* Trích đoạn từ cảnh người anh tham lam Nolbo lùa bắt chim én đến cảnh hắn cưa quả bầu thứ nhất trong trường ca hát kể chuyện Panrori Heungboga (Anh em nhà Heungbo) / Park Nok-ju

Nhạc phẩm “Jebiga” (Khúc ca chim én) / Kim Yeong-im 

Lựa chọn của ban biên tập