Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Người nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori và dòng nghệ thuật truyền thống

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-03-11

Âm điệu ngàn xưa


Giới nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori

Một trích đoạn hát kể chuyện Pansori ngắn cũng có thời lượng đến 10 phút, thế nên một tiết mục biểu diễn khoảng 20, 30 phút đối với nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori là hết sức bình thường. Để có  giọng hát và làn hơi ổn định cho phần biểu diễn chính thức, các nghệ sĩ thường luyện giọng trước giờ diễn bằng các ca khúc ngắn gọi là Danga (Đoản ca). Lúc luyện giọng, họ cũng lên sân khấu, vừa hát vừa tạo thêm không khí hứng khởi cho buổi công diễn. Các khúc đoản ca thường là những tiết mục mở màn trong các buổi biểu diễn. Nếu lúc này, nghệ sĩ làm cho khán thính giả quá vui hoặc quá buồn thì sẽ ảnh hưởng tới màn diễn chính. Vì vậy, các khúc đoản ca thường có âm điệu nhẹ nhàng, âm giọng của người nghệ sĩ cũng mềm mại, và nội dung chủ yếu miêu tả cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoặc kể về các danh nhân người Trung Quốc. Khúc đoản ca Baekbalga (Lão gia tóc bạc) có câu “Tóc bạc tủi thân, tóc bạc tủi...”, diễn tả tâm sự buồn tủi và suy nghĩ vô thường về đời người của những danh nhân Trung Quốc khi đã luống tuổi. Nhưng đằng sau câu hát là những câu chuyện đời sâu sắc, cùng lời khuyên hãy tới du ngoạn núi Geumgang (Kim Cương, nay thuộc Bắc Triều Tiên) hùng vĩ trước khi về già.

“Geumgangsan Taryeong” (Khúc ca núi Geumgang) xuất hiện trong dòng dân ca của vùng Namdo thuộc các tỉnh Bắc và Nam Jeolla. Khúc dân ca này mới được sáng tác trong những năm 1950, dành cho đoàn ca kịch nữ Yeoseong Gukgeuk. Dưới thời Nhật Bản chiếm đóng, Hàn Quốc có nhiều đoàn ca kịch di động biểu diễn nghệ thuật hát kể chuyện Pansori khắp cả nước, nhưng các thành viên chủ chốt hầu hết đều là nam nghệ sĩ. Các nữ nghệ sĩ phải chịu nhiều thiệt thòi, vai vế và ảnh hưởng của họ rất hạn hẹp. Trước bối cảnh này, cuối những năm 1940, các nữ danh ca dày dặn kinh nghiệm biểu diễn như Park Kwi-hee, Park Nok-ju, Kim So-hee đã thành lập đoàn nghệ thuật truyền thống nữ và biểu diễn các nhạc phẩm mới sáng tác. Đây chính là bước tiến đầu tiên của đoàn ca kịch nữ Yeoseong Gukgeuk. Họ hóa trang giả nam, sáng tác và biểu diễn các vở kịch mới dựa trên cốt truyện của các truyền thuyết cổ xưa. Tiếng tăm của họ nổi như cồn tới tận những năm 1950. Thời đó, để tối đa hóa mức độ biểu cảm, đoàn ca kịch nữ đã cải tiến cả nhạc cụ biểu diễn và sáng tác các nhạc phẩm mới. Tiêu biểu có thể kể tới các khúc dân ca “Dongbaek Taryeong” (Khúc ca hoa hải đường), “Geumgangsan Taryeong” (Khúc ca núi Geumgang). Nhạc phẩm Ngưu Lang Chức Nữ của đoàn ca kịch nữ Yeongseong Gukgeuk bắt đầu bằng câu chuyện tình yêu giữa một chàng mục đồng đốn củi chăn trâu gặp gỡ và phải lòng nàng tiên nữ, sau đó họ lên trời và trở thành đôi uyên ương Ngưu Lang Chức Nữ. Núi Geumgang chính là nơi chàng trai đốn củi chăn trâu ăn trộm đôi cánh của nàng tiên nữ. Nhạc phẩm mở màn bằng cảnh chàng trai đốn củi chăn trâu Ngưu Lang cùng người bạn tên là Soja rủ nhau lên núi Geumgang, vừa đi vừa hát. Câu hát của họ khi đó được tỉnh lược thành khúc dân ca “Geumgangsan Taryeong” của vùng Namdo. 


Tâm tình của người Hàn Quốc xưa trong những khúc đoản ca

Gần đây, so với những đoản ca miêu tả phong cảnh tự nhiên hay kể về những tích cổ của Trung Quốc, khán thính giả thường hứng thú với những khúc hát về sự vô thường của đời người bằng giọng ca đều đều, vì họ có thể cảm nhận và thấm thía về những mảnh đời trong từng câu hát. Trong đoản ca Baekbalga (Lão gia tóc bạc), những người tới vãn cảnh núi Geumgang đã xem các nhà sư làm lễ trong một ngôi miếu nhỏ. Người gõ trống, người tụng kinh, xem ra ai ai cũng tất bật. Trên thực tế, trong Phật giáo, tế lễ là một nghi thức long trọng và thú vị. Những người vãn cảnh núi Geumgang hôm đó còn gặp vận may bất ngờ là sau lễ tế, họ được mời “thụ lộc” mâm cơm cúng đầy ắp đồ ăn thức uống. Thế nên các đoản ca thường được kết thúc bằng câu “Nào! Nào! Ta cùng chơi cho thỏa nào!”. Những cảnh quan xuất hiện trong ca từ của các khúc đoản ca đa phần là ở Trung Quốc. Đối với người Hàn Quốc xưa kia, du ngoạn đó đây không phải một việc dễ thực hiện. Có lẽ vì thế, người ta thường trải nghiệm gián tiếp các cảnh quan nổi tiếng trong thiên hạ qua thơ ca. Song, nhân vật trong Baekbalga (Lão gia tóc bạc) lại được trực tiếp tới vãn cảnh núi Geumgang. Geumgang là một thắng cảnh nổi tiếng trên bán đảo Hàn Quốc. Truyền rằng, xưa kia đến các sứ thần của Trung Quốc tới Hàn Quốc cũng đều ao ước có một lần được đặt chân tới nơi đây, nói gì đến người dân Hàn Quốc. Đường xá giao thông không thuận tiện, luôn tất bật trong guồng quay kiếm kế sinh nhai, dân thường trong xã hội phong kiến Hàn Quốc xưa đâu có điều kiện đặt chân tới tuyệt cảnh này. Phải thực sự là người giàu sang phú quý và quyết tâm cao mới thực hiện được ước mơ vãn cảnh núi Geumgang. Có lẽ vì thế mà người ta thường lưu lại những trải nghiệm du ngoạn thiên hạ hiếm hoi của mình bằng tranh vẽ, thơ ca hay những dòng nhật ký để chia sẻ với người khác. 


* Đoản ca Baekbalga (Lão gia tóc bạc) / Han Nong-seon 

* Khúc dân ca “Khúc ca núi Geumgang” của vùng Gyeonggi / Lee Chun-hee

* Trích đoạn Jisang(Hạ giới) trong nhạc phẩm Gyeonu Jiknyeo (Ngưu Lang Chức Nữ) của đoàn ca kịch nữ Yeoseong Gukgeuk / Jo Yeong-suk và Han Hye-seon 

Lựa chọn của ban biên tập