Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tiết thanh minh và tiết hàn thực trong đời sống tinh thần của người Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-04-01

Âm điệu ngàn xưa


Câu chuyện về tiết Hàn thực Hansik

Người Hàn Quốc có câu tục ngữ: “Chết ngày Hansik (hàn thực) hay ngày Cheongmyeong (thanh minh) thì cũng vậy cả”. Đó là vì tiết hàn thực cách tiết đông chí 105 ngày và thường rơi vào ngày mùng 5 tháng 4 dương lịch. Còn tiết thanh minh là tiết khí thứ 5 trong 24 tiết khí của một năm. Sau tiết này, thời tiết ấm áp dần và nắng xuân cũng rực rỡ hơn, nên tiết khí này được gọi là “thanh minh”. Tiết thanh minh cũng rơi vào quãng ngày mùng 5 tháng 4 dương lịch. Năm nay, ngày mùng 4 tháng 4 dương lịch là tiết thanh minh, và ngày mùng 5 là tiết hàn thực. Có lẽ vì tiết hàn thực và thanh minh trùng nhau hoặc chênh nhau một, hai ngày, nên người Hàn Quốc xưa mới có câu “Chết ngày hàn thực hay ngày thanh minh thì cũng vậy cả”. Nhưng vì sao họ lại dùng từ chỉ cái chết để vận cho hai tiết khí này? Có lẽ là vì tiết hàn thực có gốc gác liên quan tới cái chết. Truyền rằng trong thời Xuân Thu Chiến Quốc ở Trung Quốc, một người tên là Giới Tử Thôi đã trung thành phò trợ hoàng tử Trùng Nhĩ của nhà Tấn, nhưng tới khi lên ngôi vua, Trùng Nhĩ đã không báo đáp chút gì cho công ơn phò trợ của Giới Tử Thôi. Vì quá uất ức nên Giới Tử Thôi đã rời bỏ cung đình, vào rừng sâu ở ẩn. Sau này, Trung Nhĩ nhận ra lầm lỗi của mình, mong muốn trọng dụng Giới Tử Thôi nhưng đã bị ông từ chối. Để Giới Tử Thôi rời khỏi khu rừng đang ẩn dật, Trung Nhĩ cho người châm lửa đốt rừng, nhưng Giới Tử Thôi vẫn một mực cố thủ nên đã bị chết cháy. Từ đó trở đi, người ta không nhóm lửa mà chỉ ăn đồ lạnh trong ngày Giới Tử Thôi chết để tưởng nhớ ông. 


Phong tục tập quán trong tiết hàn thực và thanh minh ở Hàn Quốc

Từ xa xưa, người Hàn Quốc đã có tục đi tảo mộ vào ngày hàn thực. Khúc hát Jejeon (Tế điện) là khúc hát diễn tả tâm tình của một người phụ nữ mang đồ cúng bái dâng lên mộ chồng trong ngày hàn thực. Khúc hát bắt đầu bằng câu: “Trăm năm ngày sau gió thổi từ phía Đông, thiếp tìm đến mộ chàng.” Trong câu, “trăm năm ngày” chính là 105 ngày sau đông chí, tức tiết hàn thực.


Dưới thời Joseon, người phụ nữ Hàn Quốc không được phép tái hôn ngay cả khi chồng đã chết, mà phải cung phụng gia đình chồng trong suốt quãng đời còn lại. Thân phận hẩm hiu, buồn tủi, một thân một mình bưng mâm cơm cúng tới mộ chồng trong một ngày xuân ấm áp, nắng vàng rực rỡ và trăm hoa đua nở khắp bốn bề, người phụ nữ chỉ còn biết than thân trách phận và oán trách người chồng đã sớm bỏ nàng ra đi. Cũng là đi tảo mộ, nhưng tâm trạng của người đi tảo mộ ông bà tổ tiên lại hoàn toàn khác. Đây là dịp để người ta tận hưởng nắng xuân và không khí hân hoan của ngày đi vãn cảnh cùng gia đình và người thân. Tâm trạng này đã được đưa vào khúc tạp ca Yusanga (Du sơn ca) của vùng Gyeonggi. Khúc ca bắt đầu bằng đoạn:

Xuân trong thành trăm hoa đua n

Vn vt vươn mình trong nng m mùa xuân

Bng hu ơi! Ta lên núi ngm cnh non xanh nưc biếc nào!


Và trong thời khắc này:

Gậy trúc, hài rơm cùng bầu rượu lên rừng xanh núi biếc

Trùng trùng điệp điệp hồng đỏ lẫn biếc xanh

Một năm tới độ mới nở lại

Sắc xuân xuân sắc rực ánh hồng


Xưa kia, người dân Hàn Quốc còn có phong tục chia lửa trong ngày hàn thực. Họ cho rằng giữ cho lửa không tắt là một trong những nhiệm vụ tối quan trọng của người phụ nữ trong gia đình. Ngày hàn thực là ngày người ta tắt ngọn lửa cũ và chia nhau lửa mới do triều đình ban phát khi trên bầu trời đêm xuất hiện chòm sao Tâm Tinh. Người trong cung đình lấy cành liễu làm mồi lửa rồi đem chia cho quan chức các địa phương. Ở mỗi địa phương, lửa mới sẽ được chia tới từng nhà. Theo quan niệm cổ, sinh mệnh của ngọn lửa cũng sẽ mai một dần theo thời gian giống như vạn vật, nên khi đất trời vào xuân, người Hàn Quốc cũng chia nhau ngọn lửa mang sinh mệnh mới, hòa với niềm vui vạn vật đâm chồi nảy lộc. Và trong lúc tắt lửa, người ta ăn đồ ăn lạnh để hạn chế nấu nướng. Phong tục này đã trở thành một nghi thức cổ truyền quan trọng của người Hàn Quốc xưa.

Người Hàn Quốc còn có câu tục ngữ: “Ngày thanh minh đến, cắm que khều bếp củi xuống đất thì que cũng mọc mầm”, ý nói về sức sống mạnh mẽ của vạn vật trong ngày thanh minh. Có lẽ vì vậy mà ngày mùng 5 tháng 4 dương lịch đã được chọn làm ngày Trồng cây Sikmokil. Người Hàn Quốc xưa có tục trồng cây cho con cái vào ngày thanh minh, để tới lúc dựng vợ gả chồng cho con, họ sẽ dùng cây gỗ này để đóng hòm làm tủ cho đôi vợ chồng mới cưới. Tập tục này còn có ý nghĩa cầu mong cho sự sinh sôi nảy nở đời đời kiếp kiếp như sức sống mạnh mẽ của tiết khí Thanh minh. 


* Khúc hát Jejeon (Tế điện) / Choi Eun-ho

* Khúc hát Yusanga (Du sơn ca) / Kim Yong-wu (hát), Kwon Oh-jun (đàn piano), nhóm phụ họa.

* Khúc hát Hwachosageori / Seong Chang-sun, Jeon Jeong-min

Lựa chọn của ban biên tập