Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Âm nhạc truyền thống của hai miền Nam-Bắc trên bán đảo Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-04-08

Âm điệu ngàn xưa


Đặc trưng âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Tới giờ này thì các cánh đồng lúa mỳ ở phía Nam Hàn Quốc đều đã ngả màu xanh ngát. Người ta thường reo hạt lúa mỳ vào mùa thu, đến mùa đông mầm lúa nhú lên, chịu đựng cái rét cắt da cắt thịt, rồi lớn phổng lên trong hơi ấm của mùa xuân. Càng ngắm cánh đồng lúa mỳ xanh rì giữa tiết xuân, ta càng cảm nhận rõ sức sống mãnh liệt của vạn vật trên thế gian. Xưa kia, cái thời Hàn Quốc còn đói kém, lúa mỳ là cây lương thực rất quan trọng của người dân nơi đây. Người dân vùng Gyeongsang còn hát khúc Ongheya khi đập lúa. Tới mùa gặt, người nông dân đem lúa về phơi ở sân cho khô, rồi dùng chiếc gậy đập lúa tên là Doriggae để tách riêng hạt lúa và rơm rạ. Chiếc gậy Doriggae có một đầu được buộc với một túm hai, ba thanh tre ngắn hơn có thể xoay được. Đập lúa là một công đoạn khá vất vả, nên người nông dân Hàn Quốc xưa thường cùng nhau làm công việc này. Để thao tác của mọi người được nhịp nhàng, không vướng vào nhau, và cũng để tăng thêm phần hứng khởi và năng suất lao động, họ thường ngân nga những câu hát như khúc dân ca Ongheya. Ongheya vốn có tiết tấu chậm, nhưng từ khi được các ca sĩ chuyên nghiệp thể hiện thì tiết tấu của khúc hát Ongheya cũng nhanh dần lên, dần trở thành một làn điệu dân ca đầy hứng khởi. Giờ đây, Ongheya được coi là khúc hát lao động tiêu biểu của người dân vùng Gyeongsang ở Hàn Quốc. 

Ở Hàn Quốc, dân ca Minyo vốn là những khúc hát được bách tính vui ca khi làm việc, lúc vui chơi, là thể loại âm nhạc giúp con người ta vơi bớt tâm sự và xoa dịu những nỗi oán hận với đời. Gần đây, dân ca Minyo được biến tấu sang nhiều thể loại âm nhạc như âm nhạc đại chúng (pop), nhạc jazz, nhạc giao hưởng...


Mấy năm gần đây, nhóm nhạc Kpop Đoàn thiếu niên chống đạn (BTS) đã làm dậy sóng thế giới bằng những câu chuyện đời chân thực. Nhóm đã đưa những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của Hàn Quốc vào các tiết mục biểu diễn mà vẫn gây được đồng cảm của khán thính giả toàn cầu. Nghệ thuật nhảy hiphop B-boy cũng đã và đang có xu hướng lồng ghép âm nhạc truyền thống dân tộc vào các điệu nhảy hiện đại nóng bỏng. Năm 2007, đĩa nhạc Flying Korean đã được phát hành với các khúc dân ca biến tấu thành nhạc đệm cho các điệu nhảy B-boy như “Gyeongbokgung Taryeong” (Khúc hát cung điện Cảnh Phúc), “Singosan Taryeong” (Khúc hát núi Singo), “Gangwondo Arirang” (Dân ca Arirang vùng Gangwon) hay “Kwaejina Chingching”... Các nghệ sĩ còn diễn tấu dân ca Minyo bằng các nhạc cụ truyền thống như sáo trúc dọc Piri, kèn bầu Taepyeongso, sáo trúc ngang lớn Daegeum, sáo trúc nhỏ Sogeum, đàn nhị Haegeum trên phần đệm của các nhạc cụ phương Tây như trống, đàn guitar. Thực tế là màn trình diễn nghệ thuật đầy hứng khởi này của các B-boy đã được đông đảo các bạn trẻ hưởng ứng và yêu thích.


Đặc trưng âm nhạc truyền thống của Bắc Triều Tiên

Nói đến dân ca Arirang vùng Seodo (Seodo Arirang) là nói đến dòng dân ca Arirang của vùng Pyeongan nay thuộc địa phận Bắc Triều Tiên. So với dân ca Arirang vùng Seoul và Gyeonggi, dân ca Arirang vùng Seodo có tiết tấu nhanh hơn, ca từ đề cập tới tên địa danh của một số vùng ở miền Bắc. Ví như nhạc phẩm Monggeumpo Taryeong (Khúc hát cảng Monggeum) của tỉnh Hwanghae nay thuộc địa phận Bắc Triều Tiên có đoạn:

Mũi Jangsan vang xa tiếng trống

Ngày hôm nay mình sẽ gặp nhau

Ngoài ra, giai điệu và nội dung các khúc hát khá giống nhau, nên khi nghe dân ca Arirang vùng Seodo, người Hàn Quốc đều cảm thấy thân thuộc gần gũi. Ở Bắc Triều Tiên, người ta cải tiến cây sáo trúc ngang lớn Daegeum thành sáo trúc Goeumjeodae. Từ những năm 1950, ở Bắc Triều Tiên đã bắt đầu dấy lên phong trào cải tiến nhạc cụ truyền thống. Ví dụ, họ cải tiến sáo trúc ngang lớn Daegeum thành các loại sáo trúc ngang lớn Daegeum âm cao, âm trung và âm thấp; sáo dọc Piri thành sáo dọc Piri lớn và nhỏ; đàn nhị Haegeum cũng cải tiến thành đàn nhị Haegeum lớn, vừa và nhỏ. Mục đích của việc cải tiến nhạc cụ truyền thống ở miền Bắc là để dễ thể hiện âm vực của âm nhạc phương Tây. Thế nên dù vẫn gọi là nhạc cụ truyền thống, nhưng nhạc cụ truyền thống ở Bắc Triều Tiên khác xa so với nhạc cụ truyền thống được lưu truyền kế tục nguyên bản ở Hàn Quốc. 


* Nhạc phẩm “Bản Ongheya dành cho tứ tấu đàn tranh Gayageum” / Im Jun-hee (sáng tác), nhóm nhạc truyền thống Gyeonggi Gayageum Ensemble diễn tấu đàn tranh Gayageum 18 dây

* Dân ca Arirang vùng Seodo / Hwang Jin-cheol (biến tấu), Ri Suk-im (sáo trúc ngang lớn Daegeum âm cao Goeumjeodae), Đoàn ca kịch núi Geumgang (Geumgangsan Gageukdan) 

* Nhạc phẩm Monggeumpo Taryeong (Khúc hát cảng Monggeum) của tỉnh Hwanghae nay thuộc địa phận Bắc Triều Tiên / Jin Seong-su (kèn bầu Taepyeongso)

Lựa chọn của ban biên tập