Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Những lâu đình nổi tiếng ở Hàn Quốc trong thơ văn cổ

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-04-29

Âm điệu ngàn xưa


Lâu đình Gyeongpodae (Đài Kính Phổ) ở Gangneung

Người Hàn Quốc vốn yêu thích cảnh quan thiên nhiên hơn cảnh quan nhân tạo, nên ở những nơi phong cảnh hữu tình nổi tiếng của Hàn Quốc luôn thấp thoáng bóng dáng những chòi nghỉ, ngôi đình nhỏ Jeongja, lầu gác Nudae, ghép hai từ Jeongja và Nudae thành lâu đình Nujeong. Nujeong (lâu đình) là nơi giới quý tộc Hàn Quốc xưa thường lui tới để làm thơ, vẽ tranh, nghe đàn hát và tận hưởng cuộc sống phong lưu. Lâu đình Nujeong ở những nơi có cảnh quan nổi tiếng vốn là chủ đề của các ấn phẩm văn thơ ký họa để đời. Mở đầu chuyên mục phát thanh hôm nay, qua giọng ca của nghệ sĩ âm nhạc truyền thống Jo Il-ha, Âm điệu ngàn xưa kính mời quý vị và các bạn thưởng thức khúc thơ phổ nhạc Shipinangan (Thập nhị lan can, tức Lan can 12 trụ). Khúc hát có đoạn:

Lên lâu các hàng lan can tuyệt mỹ
  Biển sắc xuân lơ lửng bên đình Gyeongpodae
  Sóng xanh sâu phẳng lặng vô cùng tận
  Chim trắng sánh đôi chập chờn bay
  Vạn dặm chân mây thần tiên tiếng sáo trúc
  Vầng trăng khuya lắng đọng chén rượu nồng
  Hạc vàng phương Đông như thấu hiểu tình ta
  Chầm chậm múa xoay vòng trên hồ nước


Gyeongpodae (Đài Kính Phổ) là lâu gác đẹp nhất trong 8 cảnh quan tuyệt mỹ được đề cập trong Gwandongpalgyeong (Quan Đông bát cảnh). Vẻ đẹp thơ mộng của lâu gác Gyeongpodae ẩn hiện giữa bốn bề thiên nhiên. Người đời truyền nhau rằng phải ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên từ bên trong lâu gác Gyeongpodae mới cảm nhận hết được giá trị tuyệt mỹ nơi đây. Từ Gyeongpodae có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh hồ nước Gyeongpo. Xuân sang mà được ngồi trong lâu gác Gyeongpodae ngắm cảnh hồ nước xanh mượt giữa hương gió thoang thoảng, thì chẳng khác nào cuộc sống phong lưu của các thần tiên. 


Lầu gác Gwanghan (Quảng Hàn) ở Namwon

Lâu gác Gwanghan (Quảng Hàn) là nơi có dấu ấn quan trọng trong trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga (Xuân Hương ca), đoạn tả cảnh công tử Lý Mộng Long lên lầu Quảng Hàn hóng gió giữa tiết xuân. Cũng tại nơi đây, chàng công tử đã nhìn thấy và phải lòng bóng dáng nàng Xuân Hương xinh đẹp đang chơi đánh đu. Lầu gác Gwanghan được cất dựng trong thời kỳ đầu của vương triều Joseon, khi vị quan văn thanh liêm Tế tường Hwang Hee bị lưu đày tới Namwon. Sau đó, lầu gác Gwanghan bị cháy trong biến loạn Đinh Dậu (Jeongyujaeran năm 1597), và phải tới những năm 1638 mới được phục dựng lại. Trong quá trình phục dựng, người ta đào hồ sen ngay phía trước lầu gác Gwanghan và xây cầu đá Ojakgyo (Ô Thước) theo truyền thuyết đàn quạ bay lên sông Ngân Hà, lấy thân mình làm thành chiếc cầu Ojakgyo cho Ngưu Lang Chức Nữ vượt sông gặp nhau ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch. Trong nhạc phẩm Jeokseongga (Xích Thành ca), chàng công tử Lý Mộng Long lên lầu Quảng Hàn ngắm nhìn cầu Ô Thước mà ao ước giá như mình cũng có được người trong mộng đẹp như nàng Chức Nữ. Đúng lúc này, trước mắt chàng thấp thoáng hình ảnh nàng Xuân Hương lúc ẩn lúc hiện trên chiếc xích đu. Chàng trai thầm nghĩ chắc đây là mối nhân duyên ông trời đã định cho mình.


Jeokseong là ngọn núi nằm ở vùng Suncheon, gần Namwon. Núi được đặt tên là Jeokseong (Xích Thành) vì những hòn đá ở đây có màu đỏ, và nhìn từ xa, ngọn núi trông giống như một thành trì nhỏ và thấp. Khúc ca bắt đầu bằng đoạn nhìn từ lâu các Gwanghan, núi Jeokseong như bập bềnh trong làn khói mây, lan tỏa giữa muôn vàn loài hoa xuân đang nở rộ, làn gió nhẹ đưa đẩy nhành liễu mảnh mai khiến chàng công tử cảm xúc dâng trào và ngẫu hứng ngân nga vài câu hát, tạm dịch:

Đá nhuộm hoa đỏ bao quanh núi Xích Thành

Gió xuân lướt nhẹ mặt hồ trước lầu gác Quảng Hàn

Nước róc rách chảy dưới cầu Ô Thước

Ta là Ngưu Lang… chc hn nàng Chc N đang đi ta


Cùng với Hoàng Hạc Lâu, Đằng Vương Các, Nhạc Dương Lâu, Phượng Hoàng Đài ở Nam Kinh Trung Quốc là một trong bốn lầu gác nổi tiếng nhất ở Trung Quốc xưa kia. Người đời truyền rằng đại thi hào Lý Thái Bạch vốn muốn lên Hoàng Hạc Lâu để viết một áng thơ, nhưng tới nơi mới biết thi sĩ Thôi Hiệu đã có tác phẩm bất hủ về lầu gác này, nên đổi ý sáng tác áng thơ “Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài” (Lên đài Phượng Hoàng ở Kim Lăng). Đặc biệt, đoạn: Xa xa xanh thẳm ba ngọn núi, Sông Tần Hoài, đảo Bạch Lộ chia đôi trong áng thơ này rất hay được trích mượn trong dân ca Hàn Quốc. 


* Khúc thơ phổ nhạc “Thập nhị lan can” (Lan can 12 trụ) / Jo Il-ha

* Nhạc phẩm Jeokseongga (Xích Thành ca) / Ahn Suk-seon 

Nhạc phẩm “Xa xa xanh thẳm ba ngọn núi” / Jo Sun-ae, Park Song-hee, Seong Chang-sun, Oh Gap-sun

Lựa chọn của ban biên tập