Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Công ơn dưỡng dục của cha mẹ trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-05-06

Âm điệu ngàn xưa


Chiếu đồng và tâm tình người Hàn Quốc

Xưa kia ở Hàn Quốc, văn hóa cộng đồng “hàng xóm láng giềng” rất phát triển. Tết nhất, người dân trong làng cùng tụ họp chơi trò chơi truyền thống Yutnori hay đấu vật truyền thống Ssireum. Khi ở làng có hỉ sự như cưới hỏi hay sinh nhật thì cũng ưu tiên thiết đãi người cao tuổi. Những lúc này, không thể thiếu bát rượu gạo lên men truyền thống Makgeolli và giọng hát khàn khàn mùi mẫn của đôi ba người. Tiêu biểu là giọng hát của danh ca Jeon Tae-yong, nghe giống như ông cụ trong các làng xóm ngày xưa. Ông vốn là nghệ sĩ diễn tấu đàn nhị Haegeum, đệm nhạc cho các chiếu đồng Gut. Sau khi chiếu đồng kết thúc, người ta thường tụ tập ăn uống ca hát. Cũng trong những dịp này, Jeon Tae-yong hay được mời lên hát, và người đời bắt đầu biết tới tài ca hát của ông. Rất may mắn là Hàn Quốc còn lưu lại được băng dữ liệu giọng hát của ông, trong đó có thể kể tới ca khúc Changbutaryeong. 


Trong những khúc hát lên đồng lưu truyền ở vùng Seoul và Gyeonggi, có khúc hát Gutgeori trong màn tiếp thần Changbusin. Từ Changbu vốn chỉ người tấu nhạc trên chiếu đồng, và từ Changbusin chỉ người tấu nhạc trở thành thần sau khi chết. Người xưa có tục tiếp thần Changbusin vì họ tin rằng nếu hậu đãi thần Changbu thì chiếu đồng sẽ ăn nên làm ra, vậy nên các ông đồng bà đồng rất chú trọng màn trình diễn Gutgeori, và khúc hát này đã trở thành khúc dân ca Minyo tiêu biểu của vùng Gyeonggi. Khúc hát Changbutaryeong do danh ca Jeon Tae-yong thể hiện rất mộc mạc, có phần tự do tự tại và hứng khởi hơn so với Changbutaryeong do người khác trình bày.

Chỉ còn vài ngày nữa là tới ngày Cha mẹ (8/5) tại Hàn Quốc. Đây là dịp người Hàn bày tỏ lòng biết ơn công sinh thành của cha mẹ. Trong âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc, Hoesimgok (Hối tâm khúc) là khúc hát biểu thị tâm tình này của người dân. Hoesimgok (Hối tâm khúc) thường được hát trong những dịp tế lễ Phật giáo. Tại đây, các nhà sư thường ngân nga âm nhạc Phật giáo Beompae (Phạm bái) bằng tiếng Ấn Độ phiên âm Hán tự, nên người nghe khó có thể hiểu hết nội dung của khúc hát. Bởi vậy, khi nghi lễ sắp đến hồi kết, các nhà sư sẽ diễn giải nội dung âm nhạc Beompae bằng các khúc hát tiếng Hàn như Hwacheong (Hòa thỉnh) hay Hoesimgok (Hối tâm khúc). “Hối tâm khúc” vốn được các nhà sư hát, nhưng do có ca từ và nhịp điệu thấu tình đạt lí, dễ rung động lòng người, nên sau này đã được các nghệ sĩ chuyên nghiệp thể hiện và dần dà trở thành câu hát tiêu biểu của vùng Gyeonggi. Hoesimgok (Hối tâm khúc) hát về hành trình đời người từ khi sinh ra tới khi trở về nơi chín suối. Câu hát khiến người nghe nhận ra sự hư vô của đời người và những phán xét đáng sợ ở âm phủ. Khúc ca cũng khuyên răn con người phải biết ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, qua đó chú trọng tới chữ hiếu và bổn phận làm con, tận tâm báo hiếu cha mẹ khi người còn sống, không để tới lúc cha mẹ khuất núi rồi mới than khóc ân hận. 


Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ giành cho con cái

Khúc hát có câu cha mẹ dốc hết cuộc đời để chăm bẵm nuôi nấng, dạy bảo con nên người. Công ơn sinh thành này còn cao hơn núi thái sơn… Trong trường ca hát kể chuyện Pansori Simcheongga (Người con gái hiếu thảo Sim Cheong) có đoạn tả cảnh ông Sim mù lòa chăm bẵm con gái Sim Cheong từ khi mới lọt lòng mẹ, vì bà Gwak, mẹ đẻ của Sim Cheong đã qua đời ngay sau khi sinh. Vì mù lòa, đâu có biết vợ đã chết, ông Sim còn tận tâm nấu chén thuốc mang vào cho vợ uống. Cảnh đời thật éo le, một người đàn ông đáng thương như vậy sao có thể tự tay chăm sóc đứa con gái đỏ hỏn vừa lọt lòng mẹ. Sau khi chôn cất người vợ xấu số, nghe Sim Cheong khóc vì khát sữa mẹ, ông Sim chỉ biết ôm con vào lòng vừa nựng con vừa khóc, rằng sao mà khổ quá đi con, vừa chào đời con đã mất mẹ. Sáng hôm sau, ông Sim ẵm con, quờ quạng đến bên giếng nước xin cho con gái bú nhờ các bà các mẹ trong xóm. Ở cái thời xã hội đói khổ, mọi người đùm bọc lẫn nhau, mặc dù sữa cho con mình còn chưa đủ nhưng những người hàng xóm tốt bụng vẫn mở lòng chào đón Sim Cheong, giúp cô bé lay lắt khôn lớn bằng dòng sữa của láng giềng và tình yêu thương vô bờ bến của người cha mù lòa. Thế mới thấy câu nói của người Hàn Quốc xưa thật thấm thía, đó là “Để nuôi một đứa trẻ thì cần có cả làng”. Điều này cũng thể hiện rõ tính cộng đồng đã bám rễ sâu trong đời sống tinh thần và xã hội Hàn Quốc từ xa xưa.


* Khúc hát Changbutaryeong / Jeon Tae-yong 

* Trích đoạn “Bumonim Eunhye” (Ân huệ cha mẹ) trong khúc ca Hoesimgok (Hối tâm khúc) / Kim Yeong-im

* Trích đoạn “Ông Sim mù lòa đi xin sữa khắp đầu làng cuối xóm để nuôi sống con gái” trong trường ca hát kể chuyện Pansori Simcheongga (Người con gái hiếu thảo Sim Cheong) / Seong Chang-sun

Lựa chọn của ban biên tập