Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Giới thiệu các làn điệu truyền thống của vùng Seodo

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-07-01

Âm điệu ngàn xưa


Dân ca Minyo của vùng Seodo

Ở Hàn Quốc, dân ca Minyo được chia thành các dòng Gyeonggi Minyo, Namdo Minyo, Dongbu Minyo, Jeju Minyo và Seodo Minyo. “Gyeonggi Minyo” là dân ca vùng Seoul và Gyeonggi, “Namdo Minyo” là dân ca các vùng Bắc và Nam tỉnh Jeolla, “Dongbu Minyo” là dân ca các tỉnh Hamgyong (nay thuộc Bắc Triều Tiên), tỉnh Gangwon và Gyeongsang (Hàn Quốc). “Jeju Minyo” là dân ca trên đảo Jeju, và “Seodo Minyo” là dân ca tỉnh Hwanghae và Pyeongan, nay thuộc địa phận Bắc Triều Tiên. Bán đảo Hàn Quốc hiện vẫn trong tình trạng chia cắt hai miền Nam-Bắc, nhưng dân ca Seodo vẫn được lưu truyền và kế tục ở miền Nam. Nhóm nhạc truyền thống Akdangwangchil được thành lập năm 2015 nhân kỷ niệm 70 năm giải phóng Hàn Quốc. Từ đó đến nay, Akdangwangchil đã tập hợp và tái hiện những câu hát của vùng Seodo theo phong cách mới mẻ và độc đáo, được nhiều người Hàn Quốc quan tâm và hưởng ứng. Trong số này có thể kể đến khúc hát lấy mô típ từ giai điệu lên đồng “Mosimnida” của vùng Hwanghae. Với sắc thái trẻ trung, vui nhộn, Akdangwangchil đã tái hiện lại khúc ca mà các ông đồng bà đồng thường hát khi mời các vị thần thánh nhập chiếu đồng


Danh ca Kim Kyeong-bok sinh năm 1915 ở vùng Haeju, tỉnh Hwanghae (nay thuộc miền Bắc). Ngay từ nhỏ ông đã đam mê ca hát, hễ trong xóm có hội hè là lại chạy ngay tới để hát. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, không bàn bạc gì với cha mẹ, ông tự ý tới Pyeongyang (Bình Nhưỡng) theo học hát. Ngoài ca hát, danh ca Kim Kyeong-bok còn có tài thổi kèn bầu Hojeok (Hồ địch) và sáo trúc Piri nên thường thể hiện hết mình trên các chiếu đồng. Khi cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ năm 1950, sau khi sang miền Nam tạm thời lánh nạn, danh ca Kim Kyeong-bok đã không còn đường trở về quê. Ông đã để lại cho đời rất nhiều khúc ca hiếm quý trong đĩa nhạc “Các làn điệu dân ca truyền thống của Bắc Triều Tiên” do kênh FM của đài KBS tổng hợp và phát hành. Một trong số đó là làn điệu dân ca Punggusori (Khúc ca chiếc quạt gió) của tỉnh Hwanghae. Quạt gió Punggu thường được sử dụng để nhóm lửa lò rèn hay quạt thóc sau vụ gặt. Người Hàn Quốc hay ví những người có quan hệ nam nữ phức tạp với hình ảnh chiếc quạt gió Punggu, và chế giễu bằng khúc hát Punggusori với ca từ và âm điệu dí dỏm, vui nhộn. Có lẽ vì “ngoại tình” hay “đi với người khác” trong tiếng Hàn là “Baram pida”, nghĩa đen chính là “làm gió”, cũng giống như người Việt gọi những người đàn ông lăng nhăng là kẻ “trăng gió”. Khúc hát Punggusori có đoạn: 

Quạt gió Punggu ở Shingye và Goksan tốt biết bao

Lang quân nhà tôi đi trăng đi gió rồi

Sơn thủy hữu tình trăng gió cuốn

Thiếp đẹp như hoa sao bỏ mặc rồi trăng hoa


Khúc hát lên đng Baebaengigut  Seodo

Baebaengigut là khúc hát của vùng Seodo (thuộc vùng Hwanghae và Pyeongan, nay thuộc địa phận Bắc Triều Tiên). Dù không biết khúc hát này, nhưng chắc chắn người Hàn Quốc đều đã nghe tới câu hát “Đến rồi! Đến rồi! Baebaengi đến rồi” do danh ca Lee Eun-gwan thể hiện. Chuyện kể rằng Baebaengi là con gái hiếm muộn của đôi vợ chồng già giàu có sống ở Bình Nhưỡng. Sau khi Baebaengi chết sớm, đôi vợ chồng già đã vời nhiều thầy đồng từ khắp nơi trên cả nước với mong muốn được gặp lại dù chỉ là linh hồn của con gái. Một người hành hương qua làng nghe được tin này đã tìm hiểu ngọn ngành về Baebaengi rồi tìm đến đôi vợ chồng già, giả làm thầy đồng và lừa gạt đôi vợ chồng rằng hồn phách của Baebaengi đã nhập vào mình, yêu cầu họ mua cho đủ thứ lễ vật. Tuy vậy, về khía cạnh tinh thần, cha mẹ của cô gái Baebaengi đã phần nào giải tỏa được gánh nặng trong lòng. Cảnh cha mẹ Baebaengi gặp hồn phách của nàng vô cùng bi ai nhưng cũng rất nực cười qua những cử chỉ của kẻ hành khất giả mạo thầy đồng


 * Khúc hát lên đồng “Mosimnida” (Kính mời) của vùng Hwanghae / nhóm nhạc truyền thống Akdangwangchil

* Khúc hát Punggusori (Khúc ca chiếc quạt gió) của tỉnh Hwanghae / Kim Kyeong-bok và nhóm phụ họa 

* Trích đoạn “Ông đồng bà đồng khắp 8 tỉnh trên cả nước nhảy đồng” trong nhạc phẩm Baebaengigut của vùng Seodo / Lee Eun-gwan, Ji Gwan-pal, Yoon Iljihong, Ji Yeon-hwa

Lựa chọn của ban biên tập