Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Các nhân vật phụ trong nghệ thuật truyền thống ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-07-08

Âm điệu ngàn xưa


Mụ Bbaengdeok trong quan niệm truyền thống

Người Hàn Quốc xưa xếp hạng đẳng cấp trong dòng nghệ thuật hát kể chuyện Pansori. Trong các trường ca hát kể chuyện Pansori, trường ca Jeokbyeokga (Xích Bích ca) dựa theo tiểu thuyết lịch sử Tam quốc diễn nghĩa của Trung Quốc được coi là cao cấp nhất. Trường ca Simcheongga (Người con gái hiếu thảo Sim Cheong) không được đánh giá cao vì có quá nhiều cảnh than khóc. Mở màn là cảnh bà Gwak sinh hạ Sim Cheong chẳng được bao lâu đã qua đời. Màn cuối là cảnh ông Sim lấy lại được ánh sáng của đôi mắt và gặp lại con gái Sim Cheong khi nàng đã trở thành hoàng hậu. Lúc thì khóc vì buồn thảm, khi lại tuôn trào nước mắt vì mừng rỡ khôn nguôi, trường ca Simcheongga (Người con gái hiếu thảo Sim Cheong) như một bể nước mắt vậy. Trong trường ca Simcheongga, chỉ có một cảnh gây cười duy nhất là cảnh có sự hiện diện của mụ Bbaengdeok. Sau khi Sim Cheong bán thân làm vật tế thần cho người nhà thuyền, ông Sim mù lòa ngày đêm khóc lóc, tự trách rằng vì mình mà cô con gái bé bỏng duy nhất phải bỏ mạng. Đúng lúc này mụ Bbaengdeok xuất hiện, gạ gẫm ông Sim hòng chiếm đoạt tài sản mà Sim Cheong đã đánh đổi bằng tính mạng. Bbaengdeok là một mụ đàn bà vô cùng tham lam và lố bịch. 


Giỏi chửi bậy, ngủ nghiến răng, ngủ ngày lười biếng, xin xỏ thuốc lá người đi đường, hét toáng lên “Cháy nhà! cháy nhà!” trước cửa phòng ngủ của cô dâu chú rể… là những hành động điển hình của mụ Bbaengdeok. Vì mù lòa nên ông Sim không biết chân tướng mụ Bbaengdeok và đã đồng ý sống chung với mụ. Sau khi ăn tiêu hết số của cải Sim Cheong để lại cho cha nhờ bán thân làm vật tế thần, trên đường lên kinh thành, mụ Bbaengdeok đã bỏ rơi ông Sim mù lòa một thân một mình nơi xa lạ. Đã tham lam, lố bịch lại bất nghĩa, mụ Bbaengdeok là nhân vật quá khác biệt với tiêu chuẩn phụ nữ đoan trang dưới thời Joseon. Thời đó, người phụ nữ không được phép có công việc ngoài xã hội, và nếu chồng chết thì phải ở vậy đến cuối đời. Nếu may mắn sinh ra là con gái trong gia đình quý tộc hay con gái nhà giàu thì họ có thể ăn trắng mặc trơn bằng tài sản bố mẹ để lại. Còn nếu sinh ra trong gia đình thường dân nghèo khó, người phụ nữ khó có cách kiếm sống. Thà rằng cứ lố bịch, mất lịch sự khéo khi lại dễ sống hơn. Có lẽ vì chồng chết sớm, một thân một mình bươn trải nuôi con nhỏ nên mụ Bbaengdeok mới đổ đốn đến vậy. 


Mụ Bbaengdeok trong con mắt thời đại

Gần đây ở Hàn Quốc, nhân vật mụ Bbaengdeok đã được khai thác để sáng tác một số bài hát và phim truyện. Mấy năm trước, Hàn Quốc đã từng công chiếu bộ phim “Madam Bbaengdeok” (Bà Bbaengdeok) theo góc nhìn của Truyện Sim Cheong mang tính thời đại. Nhân vật chính trong phim là Deok-yi, đã trả thù giáo sư Sim Hak-gyu vì bị ông ruồng bỏ. Trong truyện thiếu nhi “Baengdeokeui Nunmal” (Nước mắt của Bbaengdeok), con trai của mụ Bbaengdeok lại là nhân vật chính. Trong trường ca hát kể chuyện Pansori Simcheongga (Người con gái hiếu thảo Sim Cheong), con trai mụ Bbaengdeok chỉ được nêu tên là Byeongdeok. Sau khi cha bị gán tội phản nghịch, Byeong-deok đã cùng mẹ bỏ trốn. Cậu thường giả bộ khờ khạo, nhưng trong thâm tâm lại thầm thương trộm nhớ Sim Cheong. Để cứu mạng Sim Cheong, Byeong-deok đã phiêu dạt sang cả nhà Thanh ở Trung Quốc. Mất con trai vì Sim Cheong nên mụ Bbaengdeok đã tiếp cận, gạ gẫm ông Sim hòng trả thù. Trước đây, mụ Bbaengdeok chỉ là nhân vật gây cười, nhưng nay lại được khai thác như một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong trường ca hát kể chuyện Pansori Simcheongga. Giờ đây, ngoài nhân vật chính, tác phẩm nghệ thuật còn chú trọng cả những mảnh đời riêng của nhân vật phụ, tức là các nhân vật phụ cũng có tầm quan trọng không kém nhân vật chính.


* Trích đoạn “Tính cách xấu xa của mụ Bbaengdeok và chặng đường ông Sim lên kinh thành”/ Kim Su-yeon 

* Khúc hát Bbaengdeokine (Nhà mụ Bbaengdeok) / nhóm nhạc Lee Hee-jeong 

* Nhạc phẩm “Bbaengdeok” (Mụ Bbaengdeok) / Kim Yul-hee, nhóm Noh Seon-taek và The Soul Sause 

Lựa chọn của ban biên tập