Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Ẩm thực trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-07-29

Âm điệu ngàn xưa


Tâm tình người phụ nữ được thể hiện qua hình ảnh những món ăn

Tạp ca Chulinga (Xuất dẫn ca) của tỉnh Gyeonggi miêu tả cảnh chàng công tử Lý Mộng Long chia tay nàng Xuân Hương ở đình Ori (Ngũ Lý). Trước khi công tử Lý Mộng Long rời quê lên kinh thành thi khoa cử, nàng Xuân Hương đã chuẩn bị mâm cơm rượu thịnh soạn, mang lên đình Ori để tiễn biệt chàng. Tạp ca Chulinga (Xuất dẫn ca) đã khéo léo miêu tả lại mâm cơm rượu này. Khúc ca có đoạn:

Ớt xanh, dưa muối kimchi, bạch tuộc, bào ngư

Cùng nậm rượu quyện hương mật ong thơm ngậy

Để nàng hầu Hyang-dan đội mâm tới đình Ori

Dù ít hay nhiều, dù sang trọng hay đạm bạc thì cũng không thể diễn tả hết nỗi lòng của kẻ ở người đi trong giờ ly biệt. Chắc hẳn tâm tư công tử Lý Mộng Long đã nặng trĩu nhưng vẫn phải dứt bước ra đi, để lại người thương chốn quê nhà. 


Từ xa xưa, người Hàn Quốc đã có tục đi tảo mộ vào ngày Hàn thực. Khúc hát Jejeon (Tế điện) là khúc tạp ca của vùng Seodo (thuộc vùng Hwanghae và Pyeongan, nay thuộc địa phận Bắc Triều Tiên), diễn tả tâm tình của một quả phụ mang mâm cơm cúng dâng lên mộ chồng trong ngày Hàn thực. Cô trải chiếu trước mộ chồng, đặt tấm vải ngay ngắn rồi bầy biện những món đồ cúng đã thành tâm chuẩn bị. Theo luật màu sắc hồng Đông bạch Tây, món cá đặt phía Đông, thịt phía Tây. Hoa quả cũng đặt loại màu đỏ ở phía Đông và màu trắng ở phía Tây. Mâm cơm cúng là cách duy nhất người quả phụ trẻ tuổi thể hiện tấm lòng đối với người chồng quá cố. 


Mâm cơm trong trường ca hát kể chuyện Pansori “Anh em nhà Heungbo”

“Gia đình” trong tiếng Hàn thường gọi là “gajok” (gia tộc), nhưng cũng có cách gọi khác là “sikgu”, nghĩa là “thực khẩu”, chỉ những người cùng ngồi chung một mâm cơm. Có lẽ từ này xuất hiện từ thời cái ăn còn quý hiếm, những người chia sẻ đồ ăn cho nhau chẳng khác nào chia sẻ sinh mạng. Trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo) có đoạn người anh tham lam Nolbo tìm đến nhà em trai Heungbo sau khi Heungbo trở nên giàu có. Vợ Heungbo không mấy hoan nghênh anh chồng khi nhớ lại cảnh Nolbo đối đãi tệ bạc với gia đình mình trước đây, nhưng nghĩ cho cùng thì vẫn là người một nhà, nên cô đã tất bật sửa soạn mâm cao cỗ đầy để đón tiếp cùng bộ đồ ăn vô cùng sang trọng.

Bát đồng thau Anseong, bàn ăn sơn mài Tongyeong, thìa đũa bạc, vỉ nướng đồng

Bàn ăn tre đen có khảm hoa, bát đĩa quý hiếm nhập khẩu từ nhà Đường

Các món ăn làm từ thịt cá, hải sản, rau củ được bày biện trên mâm bát đĩa quý


Hành động hậu đãi anh chồng của vợ người em Heungbo vừa thể hiện lòng hiếu khách đặc biệt với người anh ruột duy nhất bên nhà chồng, vừa muốn khoe khoang rằng giờ đây họ cũng sống đầy đủ sung túc chẳng kém gì gia đình người anh. 


Trong các món ăn vợ Heungbo chuẩn bị có đoạn miêu tả món thịt nướng, rằng:

Lò đồng, than củi trắng, lửa quạt cháy rực như trái ớt đỏ

Thịt bò băm viên xếp hàng hàng lớp lớp

Ướp với dầu vừng và vừng rang cho ngấm

Bầy lên đĩa lớn đĩa nhỏ đặt đó đặt đây

Rau rừng, dương xỉ diều hâu, rau cần, giá đỗ… đủ loại

Cầm quả trứng gõ tóc tóc rồi đục thêm cái lỗ

Nóng lắm, đừng dùng đũa sắt, dùng đũa gỗ thôi 

Gắp một miếng, chấm ngập nước sốt rồi đưa lên miệng ~


Chỉ nghe thôi cũng đã cảm thấy các món ăn sao mà thơm ngon hấp dẫn. Nhờ ca từ miêu tả các món ăn trong những nhạc phẩm xưa mà người nghe có thể nắm bắt được cả cách ăn món đó. Lâu lâu có dịp gặp lại bạn bè và người quen, người Hàn Quốc thường nói câu “Hôm nào cùng ăn cơm nhé!”. Đôi khi có tin mừng hay nhờ vả ai đó, họ cũng nói câu “Tôi sẽ đãi một bữa cơm”. Đối với người Hàn Quốc, “cơm” được coi như cầu nối quan trọng trong các mối quan hệ giữa những người sống, và cả giữa người sống và người chết. Thế nên trên mâm cỗ cúng ở Hàn Quốc bao giờ cũng có bát cơm.


* Tạp ca Chulinga (Xuất dẫn ca) / Lee Geum-mi

* Trích đoạn vợ người em Heungbo sửa soạn mâm cỗ đãi anh chồng trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo) / Oh Jeong-suk 

* Tạp ca Jejeon (Tế điện) của vùng Seodo / Shin Jeong-ae 

Lựa chọn của ban biên tập