Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Ảnh hưởng của âm nhạc múa hát lên đồng Gut

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-08-12

Âm điệu ngàn xưa


Làn điệu dân ca Changbutaryeong của vùng Gyeonggi

Dẫn: Thưa quý vị thưa các bạn, thời cận đại, khi Kitô giáo và văn hóa phương Tây thâm nhập vào Hàn Quốc, tín ngưỡng lên đồng Musok bị coi là một loại hình mê tín dị đoan, tàn dư của Nho Giáo dưới thời đại Joseon. Thế nên nghi thức quan trọng nhất trong tín ngưỡng lên đồng là múa hát lên đồng Gut cũng dần dần mai một. Ngày nay, Chính phủ Hàn Quốc đã chỉ định tín ngưỡng lên đồng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và áp dụng các chính sách bảo tồn. Trên thực tế, có khá nhiều dòng nghệ thuật truyền thống của Hàn Quốc chịu ảnh hưởng từ âm nhạc múa hát lên đồng Gut. Ví dụ như Changbutaryeong, một trong những khúc hát lên đồng được lưu truyền ở vùng Seoul và Gyeonggi. Changbutaryeong là khúc ca trong màn tiếp thần Changbusin. Ở đây, từ Changbu vốn chỉ người tấu nhạc trên chiếu đồng, và từ Changbusin chỉ người tấu nhạc trở thành thần sau khi chết. Người xưa có tục tiếp thần Changbusin vì họ tin rằng nếu hậu đãi thần Changbu thì chiếu đồng sẽ ăn nên làm ra, vậy nên các ông đồng bà đồng rất chú trọng màn trình diễn Gutgeori, và khúc hát này đã trở thành khúc dân ca Minyo tiêu biểu của vùng Gyeonggi. Người nghệ sĩ mượn câu hát Changbutaryeong để kể về những phận đời éo le, tình yêu đôi lứa và sự luyến tiếc của những cuộc chia ly. 

Nghi lễ mời thần Changbusin vốn có đoạn nhắc tới anh hề Gwangdae của các địa phương:

Anh hề Gwangdae nào tới đó

Là hề Gwangdae vùng Namwon hay Natgwangdae vùng Gyeongsang


Tiếp theo là nội dung xua đuổi tai ương của 12 tháng trong năm. Song khi trở thành dân ca Minyo, khúc hát lại kể về những trải nghiệm hỉ nộ ai lạc của đời người. Thế nên người nghe đa phần đều cảm thấy tâm đắc với từng lời từng ý trong mỗi câu hát.


Các làn điệu dân ca của vùng Seoul Gyeonggi

Người xưa hát làn điệu dân ca Noraegarak (Giai điệu tiếng hát) khi tiếp thần trên chiếu đồng ở vùng Seoul Gyeonggi. Khúc ca Noraegarak có nhịp phách hơi khác nhưng âm điệu lại khá giống với dân ca Changbutaryeong. Có lẽ đây là khúc hát tiếp thần trên chiếu đồng dựa trên khúc ca Changbutaryeong của các ông đồng bà đồng thời hậu Joseon khi nhảy đồng trong cung. Nét độc đáo ở đây là ca từ của khúc hát được sáng tác theo lối thơ cổ Sijo, có thể tạm dịch như sau:


Trong triều chính trung thần vô kể

Nhà nhà hiếu tử liệt nữ vẹn tròn

Anh em thuận hòa, vợ con vui vẻ

Kết bằng hữu trên uy tín nghĩa tình

Cùng tận hưởng thái bình thánh đại cùng quân vương


Khúc ca cũng có đoạn:

Xây nhà Vô Lượng Thọ Giác, treo biển Vạn Thọ Vô Cương

Trồng Bất Lão Thảo khắp núi Tam Thần

Phụng dưỡng cha mẹ già thượng thọ vô cương


Daegamnori (Trò chơi đại thánh Daegam) vốn là một nghi thức cúng tế lên đồng Gut của vùng Seoul Gyeonggi. Dưới triều đại Joseon ở Hàn Quốc, quan chức từ chánh nhị phẩm trở lên đều được gọi là Daegam. Còn trong tín ngưỡng dân gian, chữ Gam trong Daegam là biến thể của chữ Geom, nghĩa là “thần thánh”. Thế nên Daegam chính là tên chỉ các vị thánh thần lớn. Ví dụ như vị thần cai quản đỗ đạt chức quyền Byeoseulgunungdaegam, thần thổ địa Teojudaegam, thần thủ hộ làng Dodangdaegam. Người xưa tin rằng nếu được dâng mâm cao cỗ đầy qua nghi lễ cúng bái long trọng, các vị thần Daegam sẽ ban phát thóc gạo tài lộc và niềm vui hạnh phúc cho người dân. Với ý nghĩa này, khúc hát lên đồng đã được đặt tên là Daegamnori (Trò chơi đại thánh Daegam) và được sân khấu hóa thành một tiết mục sân khấu kịch với sự góp mặt của các ca sĩ âm nhạc truyền thống chuyên nghiệp. 


* Làn điệu dân ca Changbutaryeong của vùng Gyeonggi / Ji Yeon-hwa

* làn điệu dân ca Noraegarak (Giai điệu tiếng hát) của vùng Gyeonggi / Lee Hee-wan 

* Trích đoạn Daegamgeori trong nhạc phẩm Daegamnori / Kim Hye-ran, Jo Chang và Lee Chun-hee

Lựa chọn của ban biên tập