Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Chính ca Gagok của Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-08-19

Âm điệu ngàn xưa


Học giả Nam Gu-man và chính nhạc Gagok

Thời hậu Joseon ở Hàn Quốc, học giả Nam Gu-man, từng đảm trách chức vị lãnh nghị chính (đứng đầu bách quan, hàm vị chánh nhất phẩm), đã sáng tác áng thơ cổ Sijo “Dongchangi Balgatneunya” (Khung cửa đằng Đông đã hửng chưa). Áng thơ có đoạn:

Cửa sổ đằng Đông trời hửng sáng

Chim sơn ca truyền cành hót líu lo

Em bé chăn trâu dậy rồi chứ

Thửa ruộng dài trên núi bao giờ mới được cày


Truyền rằng vào cuối đời, trong thời gian bị lưu đày tới vùng Gangneung, vùng biển phía Đông bán đảo Hàn Quốc, học giả Nam Gu-man được người dân địa phương vô cùng kính trọng vì có công khai sáng tri thức và khuyến khích phát triển công nghiệp nơi đây. Làng Manu, tỉnh Gangneung có một địa dư tên là Jangbat. Hình ảnh thửa ruộng dài trong áng thơ trên chính là địa dư này. Thoạt nghe, ca từ trong áng thơ là những lời kêu gọi người dân chịu thương chịu khó làm nông nghiệp, nhưng ý nghĩa sâu xa hơn là khuyên bảo người dân nhanh chóng bắt nhịp với sự đổi thay nhanh chóng của thế giới. Hiện tại, áng thơ cổ Sijo được phân loại là một dòng văn học. Ít người biết rằng trước đây, áng thơ này là một khúc thi xướng. Xưa kia ở Hàn Quốc, chính ca Gagok là những khúc thi xướng hát trên phần phụ họa của nhạc khí ống và nhạc cụ dây. Chính ca Chosudaeeop (Sơ số đại diệp) chính là khúc thi xướng “Dongchangi Balgatneunya” (Khung cửa đằng Đông đã hửng chưa). 


Đôi nét về chính nhạc Gogok của Hàn Quốc

So với các dòng nhạc khác, chính nhạc Gagok có quy cách khá nghiêm ngặt, chí ít cũng phải có 6 loại nhạc cụ phối khí gồm đàn tranh 6 dây Geomungo, đàn tranh 12 dây Gayageum, sáo trúc ngang lớn Daegeum, đàn nhị Haegeum, sáo trúc dọc Piri, trống phong yêu Janggu. Sân khấu biểu diễn sẽ trọn vẹn hơn nếu có thêm đàn tranh Yanggeum và sáo trúc ngắn Danso. Sau phần nhạc dạo đầu, thơ cổ Sijo sẽ được hát theo ba chương, tiếp theo là phần đệm rồi kết thúc bằng chương IV và chương V. Đây cũng chính là bố cục cơ bản của một khúc chính nhạc Gagok. Tham gia tiết mục chính nhạc này có bên nam ca và nữ ca, hát tuần tự nam trước nữ sau. Ví dụ, ca khách nam khởi xướng bằng bài Chosudaeyeop thì ca khách nữ sẽ hát nối bài Isudaeyeop, và cứ tiếp nối cho tới khi tiết mục kết thúc. Trong danh sách các khúc chính ca có Sudaeyeop. Ở đây, Daeyeop chỉ hình thức cố định của lối hát. Sudaeyeop trước đây còn được gọi là Sakdaeyeop. Trong thời kỳ đầu của vương triều Joseon đã tồn tại khúc hát Mandaeyeop và Jungdaeyeop, nhưng do nhịp điệu của các khúc ca này chậm quá nên tới giữa bài, người xưa đã sáng tác thêm khúc hát Sakdaeyeop có âm điệu nhanh. Giờ đây nghe Sakdaeyeop chúng ta đã cảm thấy chậm, nên khó có thể mường tượng Mandaeyeop và Jungdaeyeop còn chậm tới mức độ nào. Chính nhạc Gagok dành cho giọng nữ trong nhạc phẩm “Sarang Geojeutmari” (Tình yêu, lời nói dối) có đoạn: 

Anh nói yêu em, lời nói dối

Gặp nhau trong mơ, càng khó tin

Như em nhớ anh đêm mất ngủ,

Sao mà có thể gặp trong mơ.


Các nghệ sĩ biểu diễn chính nhạc Gagok chia làm hai phía ca khách nam và ca khách nữ, cũng có thể chia theo lối hát Wujo và Gyemyeonjo. Wujo và Gyemyeonjo của Hàn Quốc tương đương với Jangjo và Danjo trong âm nhạc châu Âu.

Wujo là các khúc hát mang sắc thái hùng tráng tạo cảm giác choáng ngợp. Còn Gyemyeonjo là các khúc ca nhẹ nhàng, êm ái, da diết. Pyeonggeo được biến tấu từ khúc chính ca Isudaeyeop. Giống với Isudaeyeop, khúc hát Pyeonggeo bắt đầu với âm điệu thấp rồi cao dần lên. So với âm nhạc thời nay, chính ca Gagok có tiêu đề và ca từ rất khó hiểu, nhịp điệu lại rất chậm, nhưng qua đây người nghe có thể cảm nhận được nét tinh túy tuyệt vời của âm giọng người nghệ sĩ. Gần đây, giới chuyên môn Hàn Quốc đã sáng tác mới các bài hát chính nhạc mang âm hưởng hiện đại để đông đảo công chúng dễ hiểu và dễ hát theo.

Khúc chính ca “I bami gagi jeone” (Trước khi đêm nay trôi qua) có đoạn:

Sao Bắc Đẩu một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy vì sao

Ngượng ngùng trải lòng này ai thấu

Thoáng gặp gỡ chưa dứt lời ngày đã hết

Cầu cho đêm cứ dài và ngày mai đừng đến


* Khúc chính nhạc thi xướng Dongchangi (Khung cửa đằng Đông) dành cho giọng nam / Lee Dong-gyu

* Khúc chính ca “Sarang Geojeutmari” (Tình yêu, lời nói dối) dành cho giọng nữ trong dòng thơ phổ nhạc Gagok / Kim Yeong-gi.

* Khúc chính ca “I bami gagi jeone” (Trước khi đêm nay trôi qua) / nhóm nhạc truyền thống Souljigi

Lựa chọn của ban biên tập