Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Đàn tranh Ajaeng Hàn Quốc xưa và nay

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-09-02

Âm điệu ngàn xưa


Đặc trưng của đàn tranh Ajaeng truyền thống

Ở Hàn Quốc, đàn tranh Ajaeng là nhạc cụ truyền thống có âm thanh trầm nhất. Có lẽ do đàn tranh Ajaeng và đàn nhị Haegeum đều tạo âm thanh bằng cung kéo Hwal nên một số người nhầm lẫn hai loại đàn này với nhau. Đàn nhị Haegeum nhỏ, nhẹ, có hai dây, vốn là nhạc cụ của dân tộc cưỡi ngựa sống du mục trên thảo nguyên. Còn đàn tranh Ajaeng có 7 dây, mắc trên bầu đàn làm bằng gỗ ngô đồng giống đàn tranh 12 dây Gayageum. Cung kéo Hwal của đàn tranh Ajaeng được vót từ cành cây hoa mùa xuân Gaenari, dây cung được bện dày nên tạo âm thanh rất trầm, đôi khi còn có cảm giác hơi thô. Người ta đánh giá âm thanh của đàn tranh Ajaeng có thể làm rung động cả những cảm xúc sâu lắng nhất trong lòng người. Truyền rằng dưới thời hậu Joseon, một nhạc gia khiếm thị tên là Kim Un-lan khi chơi đàn tranh Ajaeng bên một ngôi miếu đã làm cho ma trong miếu động lòng khóc rưng rức. 

Đàn tranh Ajaeng du nhập vào Hàn Quốc từ thời Goryeo (thế kỷ X – XIV). Tới thời Joseon, nhạc cụ này chủ yếu chỉ được dùng để tấu nhạc cung đình. Trọng tâm của âm nhạc cung đình Hàn Quốc là sự hài hòa với vũ trụ, thế gian, chứ không mang mục đích lay động lòng người nên có nhịp điệu chậm, hùng tráng. Bởi vậy, âm thanh trầm và sâu lắng của đàn tranh Ajaeng rất phù hợp với âm nhạc cung đình. Tuy nhiên tới cuối thời Joseon, dòng nhạc dân tộc ngẫu hứng Sanjo ra đời, đoàn ca kịch nữ Yeoseonggukgeuk nổi như cồn sau khi Hàn Quốc thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Nhật, âm nhạc Sanjo và dân ca Minyo đòi hỏi có nhạc cụ tấu đệm phù hợp nhưng đàn tranh Ajaeng truyền thống lại có kích cỡ quá lớn, gây bất tiện cho việc di chuyển nên không phù hợp với nhu cầu trên. Hơn nữa, dây đàn to, cung kéo bằng cành cây là những yếu tố khiến đàn tranh Ajaeng không linh hoạt trong thay đổi tiết tấu và nhịp điệu. 


Sự thay đổi của cây đàn tranh Ajaeng

Để khắc phục những nhược điểm này, người xưa đã cải tiến chiếc đàn tranh Ajaeng truyền thống thành đàn tranh Sanjo Ajaeng. Đàn tranh Sanjo Ajaeng có kích cỡ chỉ bằng một phần hai chiếc đàn tranh Ajaeng truyền thống, dây đàn cũng được bện mảnh hơn. Thay vì cung kéo Hwal làm bằng cành cây, đàn tranh Sanjo Ajaeng sử dụng cung kéo Hwal làm bằng lông đuôi ngựa nên có thể tạo âm thanh và tiết tấu uyển chuyển trầm bổng hơn.

Khi thưởng thức những nhạc phẩm hay, người Hàn Quốc thường nói câu “Simgeumeul Ullineun Sori”, nghĩa là “âm thanh làm rung động tâm hồn”. Ở đây, từ “Sim” âm Hán là “Tâm”, còn từ “Geum” âm Hán là “Huyền” nghĩa là “huyền cầm”, chỉ đàn tranh 6 dây Geomungo. Câu này có nghĩa là trong lòng mỗi người đều ẩn chứa một chiếc đàn tranh 6 dây Geomungo, và khi trái tim lay động vì âm nhạc thì chiếc đàn tranh Geomungo cũng hòa nhịp từ lúc nào không hay. Đàn tranh Ajaeng dây sắt Cheolajaeng được danh nhân Yoon Yoon-seok chế tác vào những năm 1990. Ông Yoon Yoon-seok vốn là nhạc gia chơi đàn tranh 6 dây Geomungo và đàn tranh Ajaeng trong đoàn ca kịch Gukgeukdan. Sau này, ông đã sáng tạo dòng nhạc Sanjo Ajaeng của riêng mình và trở thành danh nhân đàn tranh Ajaeng nổi tiếng. Truyền rằng một lần trước buổi biểu diễn, cây đàn tranh Ajaeng của danh nhân Yoon Yoon-seok bị hỏng, chỉ còn lại 4 dây, và với cây đàn Ajaeng 4 dây này ông đã trình diễn các nhạc phẩm ngẫu hứng trong hơn 20 phút, khiến toàn bộ khán thính giả ngỡ ngàng thán phục. Danh nhân Yoon Yoon-seok chính là người chế tác ra cây đàn tranh Ajaeng dây sắt Cheolajaeng sử dụng trong độc tấu hoặc làm nhạc đệm cho các nhạc phẩm ca kịch sáng tác mới. Khác với dây đàn bện bằng tơ lụa, đàn tranh Ajaeng dây sắt Cheolajaeng có thể tạo âm thanh trong trẻo thanh cao và vang vọng hơn. Gần đây, các nhạc công thường dùng cung vĩ Hwal để kéo đàn tạo âm thanh, còn ở thời Yoon Yoon-seok, ông dùng ngón tay để nhấn nhá búng gẩy dây đàn như lối chơi đàn tranh 12 dây Gayageum. 


* Nhạc phẩm Meditation / Kim Sang-hun (đàn tranh Ajaeng)

* Nhạc phẩm Heoteungarak / Kim Il-gu (đàn tranh Sanjo Ajaeng)

* Nhạc Sanjo dành cho đàn tranh Ajaeng dây sắt Cheolajaeng / Yoon Yoon-seok

Lựa chọn của ban biên tập