Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Văn hóa lễ Tết truyền thống ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-09-30

Âm điệu ngàn xưa


Ý nghĩa của các loại bánh ăn trong các dịp lễ Tết truyền thống ở Hàn Quốc

Người Hàn có phong tục làm bánh bột gạo Tteok vào những dịp quan trọng như lễ tết và ngày sinh nhật. Chẳng hạn vào ngày Tết Nguyên đán, mọi người thường làm thanh bánh bột gạo Tteok tròn dài rồi thái vát, nấu canh bánh gạo Tteokguk để ăn với mong ước sống lâu. Còn vào Tết Đoan Ngọ, ngày Mặt trời có nguyên khí mạnh nhất trong năm, người Hàn lại ăn bánh bột gạo Surichwitteok. Surichwitteok được làm bằng bột gạo nếp, rau cải cúc Surichwi hoặc rau ngải cứu Ssuk. Trên mặt chiếc bánh, người ta đóng dấu hình bánh xe Surebakwi. Theo quan niệm của người Hàn Quốc thì Surebakwi là tượng trưng của Mặt trời. Còn món ăn vào ngày rằm tháng 8 (Chuseok – Tết Trung thu) là bánh bột gạo Songpyeon hình bán nguyệt. Trăng rằm tròn sau đó sẽ khuyết dần, người Hàn Quốc ăn bánh bột gạo Songpyeon hình bán nguyệt với mong ước vạn sự sẽ phát triển tròn trịa đẫy đà như vầng trăng đêm rằm tháng tám. Bên cạnh đó, một số học giả lại cho rằng bánh bột gạo Songpyeon của Hàn Quốc có hình dạng giống hạt thóc Byeopssi. Nếu quan sát kỹ, ta có thể nhận thấy Songpyeon trông giống hạt thóc hơn là vầng trăng khuyết. Có lẽ vì rằm tháng 8 rơi vào dịp thu hoạch lúa gạo, hoa màu, nên người dân làm bánh hình hạt thóc dâng cúng tổ tiên để cảm tạ và cầu nguyện cho một năm được mùa và no ấm. 


Âm nhạc cầu nguyện truyền thống của người Hàn

Xưa kia, hầu như làng xóm nào ở Hàn Quốc cũng có phường nhạc Pungmulpae. Họ nhảy múa ca hát tạo bầu không khí rộn ràng náo nhiệt cho cả làng trong những dịp cấy lúa Monaegi, làm cỏ Gimmaegi, hay những lúc đoàn tàu đánh cá đầy ắp hải sản cập bến. Còn trong các dịp lễ tết lớn như Tết Nguyên đán hay Tết Trung thu, các phường hát truyền thống Pungmulpae lại đi hát dạo quanh làng và tới từng nhà gõ trống, khua chiêng, thổi kèn múa hát chúc tụng gia chủ. Gilgunak (Âm nhạc diễu hành) là một trong những khúc ca hay được phường nhạc Pungmulpae hát dạo trong làng thời đó. Giống như tên ca khúc, Gilgunak vốn là âm nhạc diễn tấu khi quân lính đi diễu hành trên đường. Nhưng những người nông dân cũng thường hát khúc ca này trên đường về nhà sau khi kết thúc công việc làm cỏ Gimmaegi ngoài đồng. Có lẽ khí phách của người nông dân thời đó cũng giống như khí phách của đoàn quân diễu hành.

Xưa kia ở Hàn Quốc, vào các dịp lễ tết, tiết khí quan trọng hay khi trong nhà có việc trọng đại, gia chủ thường mời những người chuyên đọc kinh tới nhà để đọc các bài kinh cầu nguyện bình an cho gia đình. 


Trong những dịp lễ tết, mọi người thường làm mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên để thể hiện lòng thành kính và biết ơn, người Hàn Quốc gọi hoạt động này là Charye. Ngày nay, mâm cơm cúng tổ tiên dịp lễ tết cũng được làm long trọng như ngày giỗ nên khá tốn kém. Vốn dĩ phong tục này ở Hàn Quốc chỉ đơn giản là dâng trà, nhưng đây chính là dịp các thành viên trong gia đình được quây quần gặp gỡ và hỏi thăm lẫn nhau nên các nhà cũng thường bày biện mâm cao cỗ đầy. 

Binari là một trong các khúc hát cầu nguyện phổ biến của các phường nhạc Pungmulpae, thường đi hát dạo khắp làng rồi ghé vào từng nhà hát chúc tụng. Khúc hát Binari (Cầu nguyện) như một tấm gương phản chiếu dõi từ vũ trụ xuống trần thế, với lời ca kể về Hàn Quốc từ ngày khai thiên lập địa, trải qua quá trình dựng nước tới triều đại Joseon, cũng là những lời hóa giải mọi tai ương vận hạn và cầu nguyện cho những điều tốt đẹp


* Nhạc phẩm Gilgunak (Âm nhạc diễu hành)/nhóm nhạc truyền thống Puri 

* Nhạc phẩm Chukwongyeong (Kinh cầu nguyện) / Yoo Ji-suk 

* Nhạc phẩm Binari (Cầu nguyện) / Chae Su-hyeon, nhóm nhạc Mặt trăng thứ hai 

Lựa chọn của ban biên tập