Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Những nghệ sĩ coi trọng nghệ thuật truyền thống hơn chính bản thân mình

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-10-14

Âm điệu ngàn xưa


Danh ca hát kể chuyện Pansori Kwon Sam-deuk và Song Man-gap

Dưới thời đại Joseon ở Hàn Quốc, giai cấp quý tộc trong xã hội lấy âm nhạc làm công cụ tu tâm dưỡng thân. Thế nên những người yêu âm nhạc đôi khi dùng các loại nhạc cụ như đàn tranh 6 dây Gomungo hoặc sáo trúc dọc Piri để tấu những bản nhạc du dương nhẹ nhàng giúp tâm hồn thanh tịnh. Còn thể loại âm nhạc khơi gợi buồn vui trong lòng người như hát kể chuyện Pansori bị miệt thị là lối hát dành cho những người thuộc giai cấp thấp kém nhất trong xã hội thời đó. Vậy mà vào thời hậu Joseon ở thế kỷ XVII, ở vùng Wanju thuộc tỉnh Bắc Jeolla lại có người thuộc dòng dõi quý tộc tên là Kwon Sam-deuk bỏ bê việc học chữ để dồn hết công sức và thời gian học hát kể chuyện Pansori. Gia đình họ hàng Kwon Sam-deuk thời đó đã tìm đủ mọi cách ngăn cấm ông học hát Pansori và coi ông là người bôi nhọ danh giá dòng tộc. Họ đã định trừng phạt Kwon Sam-deuk bằng cách cuốn ông vào chiếu rồi dùng gậy đánh. Đây là một hình thức trừng phạt rất nặng, có thể cướp đi mạng sống con người. Ở cái thời danh giá dòng tộc còn quan trọng hơn mạng người, Kwon Sam-deuk nghĩ rằng đằng nào cũng phải chết, chi bằng được hát cho thỏa trước khi từ biệt cõi đời. Thấy Kwon Sam-deuk quá khát khao muốn được hát một lần trước khi chịu tội, những người cao tuổi trong dòng tộc đã không nỡ từ chối và đồng ý cho ông được thỏa nguyện. Tiếng hát của Kwon Sam-deuk cất lên da diết tới mức khiến tất cả mọi người phải động lòng thổn thức. Cuối cùng, các bậc lão thành trong gia tộc đã quyết định đuổi Kwon Sam-deuk ra khỏi nhà thay vì bắt ông chịu phạt. 


Trong giới nghệ nhân âm nhạc truyền thống ở Hàn Quốc, giống như Kwon Sam-deuk, không ít người coi nghệ thuật còn quan trọng hơn chính mạng sống của mình. Trong số này có thể kể đến danh ca Song Man-gap, nổi tiếng từ thời hậu Joseon tới thời kỳ đế quốc Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc. Song Man-gap có ông nội là danh ca Song Heung-rok được người đời ca ngợi là “ca vương”, và cha đẻ là danh ca tiếng tăm lẫy lừng Song Wu-ryong. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống ca hát là cái phúc lớn của danh ca Song Man-gap, nhưng cũng lại là gánh nặng đối với ông khi buộc phải kế tục và lưu truyền dòng âm nhạc truyền thống Dongpyeonje của gia đình. Danh ca Song Man-gap đã quả cảm bứt khỏi vòng xoay truyền thống này, tìm tới nhiều lối hát mang tính quần chúng hơn. Truyền rằng cha của Song Man-gap đã lên kế hoạch hạ độc chính con trai mình vì nghĩ rằng đứa con trai đang hủy hoại danh tiếng của gia đình. Cuối cùng thì danh ca Song Man-gap cũng bị đuổi ra khỏi nhà. Ông lang bạt khắp nơi để tìm tòi học hỏi các khúc hát truyền thống và hình thành phong cách âm nhạc độc đáo cho riêng mình. 


Danh ca hài kịch Jaedam Park Chun-jae

Nếu danh ca Song Man-gap được người đời trân trọng qua câu hát kể chuyện Pansori, thì danh ca Park Chun-jae lại được biết đến bởi khả năng hát dân ca vùng Gyeonggi Gyeonggi Minyo và hài kịch Jaedam. Park Chun-jae vốn là ca sĩ cung đình với chức vị Gamubyeolgam (Ca vũ biệt giám). Thời đó, Byeolgam (Biệt giám) là chức quan chuyên tổ chức các sự kiện trong cung đình. Gamubyeolgam là người ca múa biểu diễn cho gia đình hoàng tộc. Không chỉ hát hay chuyện giỏi, Park Chun-jae còn là một đạo diễn tài ba, nắm bắt chính xác nhu cầu của khán thính giả và không ngừng phát triển các hình thức sân khấu biểu diễn mới. Ông nổi tiếng tới mức chỉ mới đứng trên sân khấu cúi chào mà đã làm khán thính giả ôm bụng bò lăn bò toài ra cười. Gaeneokduri (Chó nhập hồn người) là một trong những khúc hát hài kịch Jaedam mà danh ca Park Chun-jae để lại cho đời. Ở Hàn Quốc, trên chiếu lên đồng, người chết thường nhập hồn vào ông đồng, bà đồng để giãi bày với người thân và gia đình. Trong nhạc phẩm Gaeneokduri của Park Chun-jae, hồn chó nhập vào bà đồng, mượn bà đồng để than phiền về cuộc sống đầy ai oán của mình. Dưới thời bán đảo Hàn Quốc bị Nhật Bản chiếm đóng, tiếng cười từ câu hát của danh Park Chun-jae phần nào giúp người Hàn vơi bớt tâm trạng u ám của người dân mất nước


* Trích đoạn từ đoạn “Người anh tham lam Nolbo xua đuổi đàn chim én” đến đoạn “Nolbo cưa quả bầu thứ nhất” trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heuongbo) / Park Nok-ju 

* Trích đoạn Gogocheonbyeon (Cao cao thiên biên) trong trường ca hát kể chuyện Pansori Sugungga (Thủy cung ca) / Kim Il-ryun (vừa hát vừa tấu đàn tranh 12 dây Gayageum)

* Khúc hát hài kịch Jaedam tựa đề Gaeneokduri (Chó nhập hồn người) / Jeon Byeong-hun

Lựa chọn của ban biên tập