Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Chữ nổi Hangeul dành cho người khiếm thị ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-11-04

Âm điệu ngàn xưa


Nghệ sĩ khiếm thị thời xưa ở Hàn Quốc

Dưới triều đại Joseon, Hàn Quốc đã có chính sách phúc lợi dành cho người khuyết tật, ví như chính sách Gwanhyeonmaeng (Quản huyền manh) nhằm tuyển dụng nhạc gia khiếm thị để biểu diễn trong cung đình. Thời đó, do những nguyên tắc lễ nghĩa ngặt nghèo và sự khắt khe của âm nhạc cung đình, so với nghề nhạc công cung đình, công việc chủ yếu mà người khiếm thị có thể làm và kiếm được thu nhập cao là Jeomboksa, tức nghề xem bói hoặc đọc kinh. Dưới thời vua Sejong (Thế Tông), để gây dựng chế độ thu hút nhân tài âm nhạc khiếm thị Gwanhyeonmaeng, Park Yeon, một chức quan trong triều tổng quản lĩnh vực âm nhạc cung đình, đã để lại lưu bút như sau:

“Các bậc đế vương xưa kia đều trọng dụng người khiếm thị để diễn tấu âm nhạc và ca hát. Dù mất đi thị lực, nhưng họ lại có thể kiểm soát tốt âm thanh. Bởi lẽ, trên đời này không có ai có thể bị bỏ đi.”


Trước đề xuất cần thăng chức và tăng lương cho nhạc gia khiếm thị để họ có thể toàn tâm toàn ý hoạt động âm nhạc, vua Sejong đã ra lệnh cho bộ phận chuyên trách trong triều thảo luận đưa ra quyết định. Nhờ vậy, chính sách trọng dụng nhạc gia khiếm thị Gwanhyeonmaeng đã được duy trì và phát triển tới tận cuối thời Joseon. 


Sự ra đời và ý nghĩa chữ nổi Hangeul ở Hàn Quốc

4/11 là ngày kỷ niệm sự ra đời của chữ viết nổi dành cho người khiếm thị ở Hàn Quốc. Từ thời Joseon, đa phần người khiếm thị ở Hàn Quốc đã làm nghề xem bói và đọc kinh, nên với họ, việc xem vận hạn may rủi của một ngày là vô cùng quan trọng. Thay vì đọc và viết chữ Hán, họ khắc các con số trên các quẻ bói làm bằng tre. Trong thời kỳ Hàn Quốc bị đế quốc Nhật Bản chiếm đóng, thầy Park Du-seong, một giáo viên của trường khiếm thị Jesaengwon (tiền thân của trường khiếm thị Seoul ngày nay), đã thành lập viện nghiên cứu chữ nổi Joseon và bắt đầu nghiên cứu chữ nổi Hangeul. Sau 7 năm, tới ngày 4/11/1926, chữ viết cho người khiếm thị, chữ nổi Hangeul chính thức được công bố với tên gọi Hunmaengjeongeum (Huấn manh chính âm). Sau này còn xuất hiện ấn phẩm bằng chữ Joseon mang tên Joseoneodokbon (Triều Tiên ngữ độc bản).

Dưới thời Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc, việc nghiên cứu và công bố chữ nổi Hangeul được xem là một việc làm đầy dũng khí trong bối cảnh người Hàn Quốc bị cấm nói và viết chữ Hàn. Có lẽ niềm hạnh phúc của người khiếm thị Hàn Quốc khi được đọc và viết chữ nổi Hangeul chẳng khác nào tâm trạng vui sướng khôn cùng của ông Sim, người cha mù lòa của nàng Sim Cheong khi sáng mắt và lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy mặt con gái. Trong trường ca hát kể chuyện Pansori Simcheongga (Người con gái hiếu thảo Sim Cheong) có đoạn ông Sim tìm được ánh sáng của đôi mắt khi gặp lại con gái Sim Cheong và cũng vào lúc này, dù là chốc lát nhưng tất cả mọi người mù trên thế gian đều có thể nhìn thấy ánh sáng. Điều này không khác mấy với những nỗ lực nghiên cứu chữ nổi của thầy Park Du-seong. 


Cho tới nay, trong giới nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống của Hàn Quốc vẫn có khá nhiều người khiếm thị đang hoạt động. Tiêu biểu có thể kể tới danh ca Lee Hee-wan. Trong dòng tộc của danh ca Lee Hee-wan vốn có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Ông nội của danh ca vừa là nghệ sĩ biểu diễn trên dây Jultagi hàng đầu, vừa là người nổi tiếng với câu hát dân ca và ngón đàn tranh 12 dây Gayageum. Nghệ sĩ trống Buk danh tiếng Lee Jeong-eop là chú họ của ông. Truyền rằng, danh ca Lee Hee-wan từ nhỏ đã rất thích nghe và hát theo các làn điệu dân ca Minyo được phát trên đài radio hoặc máy hát đĩa. Thời đó, người nghệ sĩ âm nhạc truyền thống không được xã hội coi trọng. Vả lại, cha mẹ cũng không theo ngành này nên ông hoàn toàn không có động cơ theo học âm nhạc truyền thống. Song, người xưa có câu “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, dòng máu nghệ thuật trong con người Lee Hee-wan vì thế đã trỗi dậy. Mặc dù tìm thầy và theo học khá muộn, nhưng Lee Hee-wan đã tạo dựng cho mình một nét âm nhạc truyền thống độc đáo và dần hoàn thiện theo dòng chảy của thời gian


* Khúc Gyemyeongarak Dodeuri trong nhạc phẩm Cheonnyeonmanse (Thiên niên vạn tuế) / Lee Se-hwan (đàn tranh 6 dây Geomungo) và nhóm phụ họa

* Trích đoạn tất cả người mù trên thế gian đều được sáng mắt trong trường ca hát kể chuyện Pansori Simcheongga (Người con gái hiếu thảo Sim Cheong) / Jo Ella 

* Ca khúc Cheongchunga (Thanh xuân ca) / Lee Hee-wan

Lựa chọn của ban biên tập