Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Cảm nhận nhịp điệu của Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-11-11

Âm điệu ngàn xưa


Giới thiệu nhóm nhạc truyền thống Leenalchi

“Feel the Rhythm of KOREA” (tạm dịch: Cảm nhận nhịp điệu của Hàn Quốc) là một đoạn video giới thiệu về các điểm du lịch tới các vùng miền ở Hàn Quốc do Cơ quan du lịch Hàn Quốc sản xuất, với sự tham gia của nhóm nhạc Leenalchi và nhóm nhảy Ambiguous. Đoạn phim không lời, với sự tiếp nối của âm nhạc và các điệu nhảy hào hứng, vừa mang sắc thái truyền thống lại vừa hiện đại. Đây chính là nét độc đáo, ma lực cuốn hút người xem. Vài năm trước, nhóm nhạc truyền thống Ssingssing có giọng ca chính là nghệ sĩ Lee Hee-moon, với trang phục và phong cách nghệ thuật độc đáo, cũng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán thính giả. Năm 2018, nhóm Ssingssing giải thể, cựu thành viên của Ssingssing là nghệ sĩ Jang Yeong-gyu đã cùng các nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori thành lập nhóm Leenalchi. 


Thoáng nghe nghệ danh của nhóm nhạc Leenalchi, chắc nhiều người không khỏi suy nghĩ về tên gọi rất đặc biệt này. Lee Nal-chi vốn là tên một danh ca hát kể chuyện Pansori nổi tiếng, hoạt động trong những năm 1800 ở Hàn Quốc. Danh ca Lee Nal-chi có tên cúng cơm là Lee Gyeong-suk, nhờ biệt tài đi trên dây nhanh như cắt nên được người đời gọi là Nalchi (có nghĩa là “cá chuồn”). Xưa kia, có nhiều danh hài Gwangdae vừa đi trên dây vừa hát. Người đời truyền tai nhau rằng khi danh ca Lee Nal-chi hát khúc Saetaryeong (Giai điệu các loài chim), người nghe sẽ có cảm giác như muôn loài chim đang bay tới quay quanh mình. Với nguyện vọng sáng tác và biểu diễn âm nhạc sống động như danh ca Lee Nal-chi, nhóm nhạc đã lấy tên Lee Nal-chi để đặt cho tên cho nhóm. 


Âm hưởng truyền thống và hiện đại trong âm nhạc Hàn Quốc

Không ít người có định kiến rằng âm nhạc truyền thống là khó, là nhàm chán, là thê lương. Để phá bỏ những định kiến tiêu cực này, giới nghệ sĩ âm nhạc truyền thống trẻ tuổi đang không ngừng nỗ lực tìm kiếm giải pháp mới. Với nguyện vọng sáng tác nhạc để lối hát kể chuyện Pansori có thể chơi trên sàn nhảy, âm nhạc của Leenalchi kết hợp với vũ điệu của Ambiguous đã tạo nên những tiết mục âm nhạc độc đáo, gây hào hứng trong giới trẻ. Trong số này có thể kể tới nhạc phẩm “Beom Naeryeoonda” (Hổ đang xuống) kể về câu chuyện ba ba gặp hổ. Hay nhạc phẩm Jungtaryeong (Khúc hát về tăng ni) kể về một vị tăng ni đã chọn đất làm nhà cho vợ chồng người em Heungbo trong lúc hai vợ chồng than khóc và kiệt quệ vì cảnh nghèo túng, với ý rằng nếu cất nhà ở đó thì vợ chồng người em có thể thoát khỏi cảnh nghèo và trở nên giàu có. Chắc đa phần khán thính giả đã nhún vai theo nhịp điệu hào hứng của nhạc phẩm “Beom Naeryeoonda” (Hổ đang xuống) và Jungtaryeong (Khúc hát về tăng ni). Nếu tinh ý, khán thính giả sẽ phát hiện ra sắc thái hơi lạ trong nhịp điệu của câu hát. Trong nghệ thuật hát kể chuyện Pansori, khi có một nhân vật mới xuất hiện, các nghệ sĩ sẽ hát trên nền nhạc nhịp điệu Eotmori với 2 khuôn nhạc liên tiếp, mỗi khuôn có 5 nhịp là “Deong Deokkung Kung Deokkung”. Thoáng nghe thì có vẻ không theo quy tắc, nhưng đây lại là nhịp điệu có quy tắc nghiêm ngặt, giúp người nghe đoán được ngay là sẽ có nhân vật mới xuất hiện. “Noja Noja” (Hãy cùng vui chơi) được nhóm nhạc truyền thống Akdangwangchil trình diễn theo lối nghệ thuật truyền thống của Hàn Quốc trên phần phụ họa âm nhạc Châu Âu được diễn tấu bằng nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc. “Noja Noja” (Hãy cùng vui chơi) là nhạc phẩm có trong đĩa hát thứ hai mang tên “Insaeng Ggot Gatne” (Cuộc đời như hoa) của nhóm được phát hành năm nay.

Khúc ca có đoạn:

Chơi nào! Chơi nào! Chơi nào! Chơi!

Cái chính là tuổi của tâm hồn

Tuổi của tâm hồn biết nhảy múa.


Lối ca từ này mang đậm sắc thái tình cảm truyền thống của người dân Hàn Quốc và thường xuất hiện trong đoản ca Danga và dân ca Minyo. 


* Nhạc phẩm “Beom Naeryeoonda” (Hổ đang xuống) / nhóm nhạc Leenalchi

* Nhạc phẩm Jungtaryeong (Khúc hát về tăng ni) / Kim Yul-hee, nhóm nhạc Noh Seon-taek và The Soul Sause

* “Noja Noja” (Hãy cùng vui chơi) / nhóm nhạc truyền thống Akdangwangchil

Lựa chọn của ban biên tập