Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Loại hình nghệ thuật múa hát lên đồng ở các vùng miền của Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-11-25

Âm điệu ngàn xưa

Loại hình nghệ thuật múa hát lên đồng ở các vùng miền của Hàn Quốc

Múa hát lên đồng ở vùng Jindo

Xưa kia người Hàn Quốc thường nói câu “có chiếu đồng” hay “đi xem đồng” mỗi khi làng trên xóm dưới có hội hè. Ở cái thời chưa có tivi, biểu diễn nông nhạc trong những dịp lễ Tết được xem là hội diễn đem lại niềm vui hân hoan nhất cho mọi người. Thế nên còn gì bằng việc tới chiếu đồng xem các nhạc gia tấu nhạc, nghe và chiêm ngưỡng câu hát điệu múa của ông đồng bà đồng. Ở Hàn Quốc, một thời, múa hát lên đồng Gut còn bị coi là mê tín dị đoan và bị người đời khinh miệt. Nhưng giờ đây, hình thức nghệ thuật này đã được đánh giá là nguyên mẫu văn hóa truyền thống của Hàn Quốc và được quan tâm đặc biệt. Giới chuyên gia cho rằng các bài hát, điệu múa và âm nhạc trong nghệ thuật múa hát lên đồng Gut đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của âm nhạc truyền thống dân tộc. Trong số này đã có những nhạc phẩm được bình chọn là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và của quốc gia. Nhạc phẩm múa hát lên đồng Ssitkimgut của vùng Jindo là khúc hát gột rửa linh hồn cho người chết và cầu nguyện cho linh hồn của họ đến được cõi cực lạc. Khi lên đồng, các ông đồng bà đồng sẽ bắt đầu bằng thủ tục báo cáo với thần Thổ địa lý do tổ chức lên đồng và cầu nguyện sự an lành cho các thành viên trong gia đình. 


Múa hát lên đồng ở đảo Jeju

Năm 2009, thể loại nhạc múa hát lên đồng Chilmeoridanggut của đảo Jeju đã được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ở đảo Jeju, các ngôi làng đều thờ thần thủ hộ làng ở đền Bonhyang. Chilmeori chính là tên đền thờ thần thủ hộ của phường Geonip, thành phố Jeju (đảo Jeju). Vào tháng 2 âm lịch hàng năm, người dân nơi đây có tục lên đồng cúng tế thần Yeongdeung, nghi thức lên đồng này có tên gọi là Chilmeoridanggut. Thần Yeongdeung là vị thần gió. Gió lặng quá hay mạnh quá cũng đều là nỗi lo thường trực của những người sinh sống bằng nghề đánh bắt cá ven biển và người phụ nữ mò lặn hải sản Haenyeo. Vì thế mà hàng năm, họ dâng cúng thần gió Yeongdeung và cầu mong cho biển lặng gió hòa, cuộc sống bình an. Các nghi thức lên đồng Gut ở đảo Jeju có khúc hát Bonpuri giới thiệu chi tiết về quá trình xuất thân và trải nghiệm của các vị thần. Trong số này, có thể kể đến khúc hát “Cheonjiwang Bonpuri” (Thần thoại Thiên địa vương), khúc hát này còn có tên gọi là Changsesinhwa (Thần thoại tạo hóa thế gian). Khúc hát “Cheonjiwang Bonpuri” (Thần thoại Thiên địa vương) kể rằng thuở khai thiên lập địa, Thiên địa vương đã xuống trần gian, gặp được người tâm đầu hợp ý và sinh đôi được hai người con trai là Daebyeolwang (Vua Sao lớn) và Sobyeolwang (Vua Sao nhỏ). Người con cả Daebyeolwang được giao trị vì Dương gian, còn người con thứ hai Sobyeolwang được giao phó cai quản Âm phủ. Ở đảo Jeju, người ta gọi ông đồng bà đồng là Simbang. 


Múa hát lên đồng ở vùng duyên hải phía đông Hàn Quốc

Cứ hai ba năm một lần, các làng duyên hải phía Đông dãy núi Taebaek từ vùng Goseong (tỉnh Gangwon) đến tận Busan lại cử hành nghi thức cúng tế lên đồng vùng duyên hải biển Đông Hàn Quốc Donghaean Byeolsingut. Nếu như người dân đảo Jeju thờ thần thủ hộ làng ở đền Bonhyang, thì người vùng duyên hải biển Đông lại thời thần thủ hộ ở đền Golmaegi, nên nghi thức cúng tế thần thủ hộ làng nơi đây được gọi là Golmaegidanggut hay Pungeogut. Nghi thức cúng tế lên đồng Golmaegidanggut mang đậm sắc thái lễ hội nên có nhiều hoạt động vui thú. Tấu đệm cho câu hát và điệu múa của ông đồng bà đồng có các nhạc cụ gõ, như chiêng Jing, trống phong yêu Janggu, phèng Kkwaenggwari và trống Buk, nên có thể tạo nhịp điệu vô cùng vui nhộn. Khúc hát lên đồng Simcheonggut của vùng duyên hải biển Đông Hàn Quốc mà quý vị sẽ nghe sau đây có nội dung giống với trường ca hát kể chuyện Pansori Simcheongga (Người con gái hiếu thảo Sim Cheong), nhưng được hát theo ngữ điệu địa phương. Để đổi lấy ánh sáng cho đôi mắt của người cha mù lòa, nàng Sim Cheong đã tự nguyện bán mình cho người đi thuyền làm vật tế thần và gieo mình xuống dòng nước Indangsu. Khúc hát vừa mang ý nghĩa tưởng nhớ nàng Sim Cheong đã quyên sinh để xoa dịu cơn giận giữ của biển cả, vừa có ý cầu nguyện cho dân làng giữ được ánh sáng của đôi mắt trước nguy cơ bệnh tật về mắt. 


* Khúc hát Jeseokgutmaji thuộc thể loại múa hát lên đồng Ssitkimgut của vùng Jindo / Kim Dae-rye và nhóm phụ họa 

* Khúc hát “Cheonjiwang Bonpuri” (Thần thoại Thiên địa vương) trong thể loại múa hát lên đồng Chilmeoridang Yeongdeonggut của đảo Jeju / Kim Yun-su 

* Khúc hát lên đồng Simcheonggut trong nghi thức cúng tế lên đồng vùng duyên hải biển Đông Hàn Quốc Donghaean Byeolsingut / Kim Yeong-sook

Lựa chọn của ban biên tập