Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Các dòng nhạc Opera truyền thống của Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-12-02

Âm điệu ngàn xưa

Các dòng nhạc Opera truyền thống của Hàn Quốc

Thơ phổ nhạc Gagok

 Xưa kia ở Hàn Quốc, Gagok là thể loại ca hát được phổ nhạc từ dòng thơ cổ Sijo do các thi sĩ truyền thống thể hiện. Gagok thường được biểu diễn cùng các nhạc cụ như đàn tranh 12 dây Gayageum, đàn tranh 6 dây Geomungo, sáo trúc ngang lớn Daegeum, đàn nhị Haegeum, sáo trúc dọc Piri, trống phong yêu Janggu. Sau nhạc mở đầu, người nghệ sĩ sẽ hát chương I, II và III, rồi hát tiếp chương IV và V sau phần nhạc dạo giữa. Khúc hát được bắt đầu với nhịp điệu chậm và sau đó nhanh dần. Nếu hát đồng ca thì ca khách nam và ca nương sẽ hát nối nhau và cuối cùng sẽ cùng đồng xướng khúc hát Taepyeongga (Thái bình ca). Ca khúc đầu tiên mà chuyên mục Âm điệu ngàn xưa sẽ gửi đến quý thính giả sau đây là khúc hát Barameun (Gió thổi) trong dòng thơ phổ nhạc Gagok Wurak dành cho giọng nữ. Khúc ca có đoạn diễn tả nỗi niềm của người con gái chờ người thương trong đêm dài mưa to gió lớn.:

Gió gầm rú, mưa như trút nước

Hẹn người thương trong tim giông tố huống chi

Nếu thật tình chàng vượt đêm mưa gió bão

Duyên đôi ta duyên phận bền lâu


Xưa kia ở Hàn Quốc, tầng lớp quý tộc và quan lại vui thú phong lưu bằng cách mời các nghệ sĩ chuyên nghiệp tới biểu diễn âm nhạc. Thời đó, các khúc hát đa phần có nhịp điệu chậm rãi thư thái, đôi khi nhịp điệu cũng nhanh lên đáng kể theo cao trào tình cảm, nhưng vẫn rất chậm so với âm nhạc hiện đại. Nghe thơ phổ nhạc Gagok, âm nhạc hài hòa với giọng hát chậm rãi của người ca sĩ khiến tâm trạng người nghe trở nên thanh tĩnh, nhẹ nhàng. Thơ phổ nhạc Gagok có ca từ ngắn được hát ngân dài nên có nhiều đoạn chỉ nghe thấy nguyên âm a~, ư~, ơ~. 


Âm nhạc Phật giáo Beompae(Phạm bái) và hát kể chuyện Pansori

Phong cách biểu diễn này còn được tìm thấy trong âm nhạc Phật giáo Beompae (Phạm bái), gồm các bài hát kinh Phật du nhập từ Trung Quốc vào Hàn Quốc vào khoảng thế kỷ thứ VIII. Bằng cách truyền miệng, thể loại âm nhạc này đã được lưu truyền ở Hàn Quốc hơn 1.000 năm và được thay đổi cho phù hợp với cảm nhận của người dân nơi đây. Ở Hàn Quốc, khi các chùa chiền tổ chức lễ hội lớn, thường thì các nghi lễ không diễn ra trong điện chính mà ở ngoài khuôn viên rộng. Các tăng ni Phật tử sẽ treo tranh vẽ Đức Phật gọi là Gwaebul (Quải Phật) và thực hiện các nghi lễ Phật giáo ngay trước bức tranh này. Nhạc phẩm được hát khi rước tranh Quải Phật là Jitsori. Ca từ của nhạc phẩm này chỉ có chín chữ “Na mu yeong san hoe sang bul bo sal” (Nam Mô Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát) được lặp lại hai lần, rồi lại lặp lại thêm một lần nữa, nhưng hát ngân nga kéo dài chữ “Hội” ở đoạn giữa. Số chữ của ca từ có thể đếm trên đầu ngón tay, nhưng cái khó ở đây là phải hát kéo dài tới trên 10 phút. 


Người Hàn gọi thơ phổ nhạc Gagok, âm nhạc Phật giáo Beompae và Pansori là ba dòng nhạc opera của Hàn Quốc. Pansori là thể loại âm nhạc do một người hát và kể một trường chuyện theo nhịp trống Buk. Pansori thường được hát trước nhiều khán thính giả và việc giao lưu cùng khán thính giả là yếu tố quan trọng của dòng nghệ thuật này. Người nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori thường bắt đầu biểu diễn bằng đoản ca Danga để nắm bắt bầu không khí bên dưới khán đài, lựa chọn bài hát phù hợp để khuấy động không khí buổi diễn. Người xem cũng giao lưu và cổ vũ nghệ sĩ biểu diễn bằng những câu “Đúng rồi! Hay lắm! Rất tuyệt” giữa các phách của bài hát gọi là Chuimsae. 


* Khúc hát Barameun (Gió thổi) trong dòng thơ phổ nhạc Gagok Wurak dành cho giọng nữ  / Lee Jun-ah 

* Trích đoạn Geoyeongsan (Cử linh sơn) trong nhạc phẩm Beompae Jitsori / nhà sư Songam (Tùng Nham) 

* Trích đoạn Beompijungryu trong trường ca hát kể chuyện Pansori Simcheongga (Người con gái hiếu thảo Sim Cheong) / Seong Chang-sun

Lựa chọn của ban biên tập