Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Nhạc cụ truyền thống trong thời đại Silla thống nhất trên bán đảo Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-12-30

Âm điệu ngàn xưa

Nhạc cụ truyền thống trong thời đại Silla thống nhất trên bán đảo Hàn Quốc

Quan niệm về nhạc cụ dưới thời Silla thống nhất

Chắc hẳn chúng ta ai cũng đều cảm nhận được rằng khi nghe một bản nhạc hay thì tâm trạng sẽ phấn chấn hơn, lời nói và hành động của chúng ta cũng sẽ nhẹ nhàng hơn. Còn phim kinh dị sẽ bớt đi cảm giác căng thẳng và sợ hãi nếu không có phần nhạc mà chỉ có phần hình. Điều này cho thấy âm nhạc có ảnh hưởng mạnh tới tình cảm của con người. Từ xa xưa, âm nhạc còn được coi là một yếu tố vô cùng quan trọng trong các hoạt động chính trị. Bách tính yêu thích âm nhạc, tình cảm ôn hòa thì quốc gia mới thái bình, nên người xưa coi nhạc cụ như một món do Trời ban tặng. Thế nên, dưới thời Silla (năm 57 trước Công Nguyên - thế kỷ VII), nếu có nhạc gia giỏi tấu loại nhạc cụ mới, dù là nhạc cụ du nhập từ quốc gia khác, là triều đình cử ngay người tới học. Khi nhạc gia Wureuk của vương quốc diệt vọng Gaya mang cây đàn tranh 12 dây Gayageum chạy sang Silla, vua Jinheung (Chân Hưng) đã cử ba người là Gyego, Beobji và Mandeok theo học đàn tranh 12 dây Gayageum từ nhạc gia Wureuk. Thời Silla thống nhất (từ thế kỷ VII - X), nhạc gia Ok Bo-go đã vào núi Jiri tu luyện đàn Geomungo của thời Goguryeo (thế kỷ I trước Công Nguyên - thế kỷ VII) trong suốt 50 năm và chỉ truyền dạy lại cho một người duy nhất có tên là Sok Myeong-deuk. Sau này, ngón đàn của nhạc gia Sok Myeong-deuk cũng chỉ truyền lại cho nhạc gia Kwigeum. Truyền rằng, trước nỗi lo ngại về sự đứt mạch kế tục của đàn tranh 6 dây Geomungo, triều đình thời đó đã cử Yoon Heung giữ chức vị quan Gongsa (Công sư) ở Namwon (tỉnh Bắc Jeolla) và giao phó trách nhiệm kế tục đàn tranh 6 dây Geomungo. Yoon Heung đã cử hai thiếu niên Anjang và Cheongjang theo học đàn tranh Geomungo. Nhưng thấy thầy Kwigeum không tận tâm chỉ dạy cho hai trò, Yoon Heung đã tới quỳ trước mặt Kwigeum, dâng rượu bày tỏ tấm chân tình. Từ đó thầy Kwigeum mới thực sự tận tâm truyền đạt ngón đàn của mình cho các trò. 


Ba loại nhạc cụ dây và ba loại nhạc khí ống dưới thời Silla Thống Nhất

Truyền rằng nhạc cụ chủ yếu được chơi dưới thời Silla thống nhất ở Hàn Quốc là “Samhyeon Samjuk” (Tam cầm tam trúc), tức ba nhạc khí dây và ba nhạc khí hơi. Ba nhạc khí dây ở đây là đàn tranh 12 dây Gayageum, đàn tranh 6 dây Geomungo và đàn tỳ bà Bipa. Còn ba nhạc khí thổi gồm ba loại sáo trúc ngang hình dáng tương tự nhau theo kích cỡ to, vừa, và nhỏ là Daegeum, Junggeum và Sogeum. Trong đó, đàn tỳ bà Bipa có hình dáng gần giống với cây đàn ghi ta của phương Tây. Bầu đàn của đàn tỳ bà Bipa hình giọt nước, cần đàn dài, các phím đàn tạo nên thanh âm được gắn trên mặt đàn. Người nghệ sĩ tấu đàn thường dùng tay trái điều chỉnh ngựa đàn trên cần đàn, tay phải dùng que gẩy Suldae hoặc phím gẩy Balmok để búng gẩy nhấn nhá dây đàn tạo âm thanh. Tới các cửa chùa ở Hàn Quốc, khách thăm quan sẽ thấy tượng của 4 vị thần (Tứ Thiên Vương) án ngữ ở hai bên cổng chính vào chùa. Trong đó có một vị thần trong diện mạo tấu đàn tỳ bà Bipa. Qua đây, chúng ta có thể đoán được rằng xưa kia đàn tỳ bà Bipa đã từng là một loại nhạc cụ rất phổ biến. Nhưng đáng tiếc là theo dòng chảy của thời gian, cách tấu đàn tỳ bà Bipa ở Hàn Quốc không còn được lưu truyền, phải tới gần đây giới chuyên môn mới bắt tay vào phát triển mới cách tấu đàn tỳ bà Bipa. Các nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản đều có nhạc cụ trông giống với đàn tỳ bà Bipa của Hàn Quốc, nên khi nói đến đàn tỳ bà Bipa, người ta thường liên tưởng rằng đây là nhạc cụ của Trung Quốc. 


Trong Samjuk (tam trúc), tức ba loại sáo trúc ngang, thì kích cỡ sáo càng nhỏ lại có âm thanh càng trong và cao. Daegeum là loại sáo lớn nhất và âm thanh cũng trầm lắng nhất. Sogeum là loại sáo nhỏ nhất, âm thanh thanh cao như tiếng chim hót. Sáo Junggeum hiện không còn được kế tục ở Hàn Quốc. Trên thực tế thì sáo trúc nhỏ Sogeum thời Silla thống nhất cũng không được kế tục, nhưng gần đây giới chuyên gia đã phục dựng, cải tiến sáo trúc Dangjeok và đặt tên là sáo trúc Sogeum. Sáo trúc ngang lớn Daegeum được dịch sang tiếng Anh là “Korean Flute” nhưng trên thực tế, âm thanh của sáo trúc ngang lớn Daegeum nghe thô hơn tiếng sáo Flute rất nhiều. Sáo trúc ngang lớn Daegeum có màng dán Cheonggong rất mỏng, làm bằng ruột cây lau sậy. Khi thổi sáo, hơi sẽ chạy qua ống sáo, làm rung màng dán, tạo nên những âm thanh sắc thái độc đáo, lúc mới nghe âm thanh rung màng dán Cheonggong của sáo trúc ngang lớn Daegeum thì sẽ thấy hơi khó cảm nhận, nhưng khi đã quen với âm thanh này rồi thì sẽ thấy được ma lực của nó. Danh nhân Park Jong-gi (1879 - 1941) là người khởi xướng dòng âm nhạc Sanjo dành cho sáo trúc ngang Daegeum (Daegeum Sanjo). Truyền rằng khi danh nhân Park Jong-gi thổi sáo bắt chước tiếng chim thì chim muông thường bay tới hót líu lo hòa âm cùng tiếng sáo. Cháu nội của danh nhân Park Jong-gi là Park Hwan-yeong gần đây đã phục dựng và biểu diễn dòng sáo trúc Sanjo của ông để lại. 


* Nhạc phẩm “Jeongjungdong” (Tĩnh trong động) / nhóm nhạc truyền thống Geomungo Factory 

* Nhạc phẩm “Sansae Ureo” (Tiếng chim rừng) / nhóm nhạc đàn dây The Ryu 

* Nhạc Jungmori trong dòng nhạc dành cho sáo trúc Sanjo của nghệ nhân Park Jong-gi / Park Hwan-yeong

Lựa chọn của ban biên tập