Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Nét nhân văn của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-01-13

Âm điệu ngàn xưa

Nét nhân văn của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Chia sẻ nỗi niềm thống khổ của con người

Chính nhạc Gagok là dòng thơ phổ nhạc Sijo. Pyeonggeo là khúc hát được phổ nhạc cho áng thơ cổ Sijo Ilsobaekmisaeng (Nhất tiếu bách mị sinh), có câu mở đầu là:

Nhất tiếu bách mị sinh Thái Chân lệ chất.

“Nhất tiếu bách mị sinh” có nghĩa là “một nụ cười sinh trăm kiểu đẹp”, là câu nói của mỹ nhân Dương Quý Phi thời nhà Đường (thế kỷ V đến VII) ở Trung Quốc, người được hoàng đế Đường Huyền Tông đặc biệt sủng ái. “Thái Chân” là từ chỉ Dương Quý Phi, còn “lệ chất” có nghĩa là bản chất vô cùng xinh đẹp. Nhưng vì quá sủng ái yêu chiều Dương Quý Phi, Đường Huyền Tông đã bỏ mặc triều chính, khiến quốc gia lâm nguy và bản thân cũng phải chạy sang tị nạn ở nước Thục. Khi chạy tới Mã Nguy Dịch, trước sự bất bình của các hạ thần, Đường Huyền Tông buộc phải hạ lệnh bắt Dương Quý Phi thắt cổ tự tử. Khúc ca có đoạn: 

Đường Huyền Tông bôn ba vạn dặm đến Thục Quốc.

Hồn cỏ dại Mã Nguy tới giờ vẫn ai oán khôn nguôi.


Dương Quý Phi đẹp nghiêng nước nghiêng thành, nếu gặp được vị hoàng đế trị vì tốt giang sơn thì đâu phải bỏ mạng ai oán, đâu phải nghe người đời nguyền rủa là người đàn bà làm mất nước. Chắc nỗi hận này ấm ức biết bao. 

Cho đến nay, lịch sử hoàn toàn do nam giới ghi lại nên Dương Quý Phi không có cơ hội được minh oan. Khúc hát “Pyeonggeo Ilsobaekmisaeng” là lời than ai oán cho thân phận mỹ nhân Dương Quý Phi. 


Trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, có khá nhiều khúc hát kể về nỗi niềm ai oán của nhân vật nào đó, ví như trường ca hát kể chuyện Pansori Jeokbyeokga (Xích Bích ca). Trường ca Xích Bích ca vốn được sáng tác dựa trên tiểu thuyết lịch sử “Tam quốc diễn nghĩa” (Tam quốc chí) của Trung Quốc với các nhân vật chính là Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền và Khổng Minh Gia Cát Lượng. Nhưng trong trường ca hát kể chuyện Pansori Jeokbyeokga (Xích Bích ca) của Hàn Quốc, nhân vật chính không phải là những anh hùng hảo hán điều binh khiển tướng mà là những người lính không tên tuổi bị xung trận và chết như ngả rạ. Họ là những người nông dân chân chất, chịu thương chịu khó làm lụng sớm khuya phụng dưỡng cha mẹ và chăm sóc gia đình bỗng dưng một ngày bị lôi ra trận mạc. Có lẽ họ đã rất sợ hãi, oán hận và nhung nhớ gia đình. Câu chuyện tâm tình của từng người lính được hóa giải trong những câu hát kể chuyện Pansori. Và người nghe cũng là những người dân thường nên như tạc dạ ghi lòng từng câu ca tiếng hát. Trong âm nhạc hát kể chuyện Pansori của Hàn Quốc, Tào Tháo không phải là nhân vật anh hùng hảo hán mà được mô tả như một kẻ nhát gan bỉ ổi. Đặc biệt là trong Đại chiến Xích Bích, trong khi quân lính người bị trúng tên, kẻ bị thiêu cháy, người bị ngã xuống sông thì Tào Tháo chỉ mải tháo chạy vì ham sống sợ chết. 


Mang tới cho người dân thường trong xã hội niềm hy vọng và sự tự tin

Tam quốc diễn nghĩa là tiểu thuyết lịch sử của Trung Quốc nhưng được sử dụng làm cốt truyện trong khá nhiều khúc hát của Hàn Quốc. Ngoài Jeokbyeokdaejeon (Đại chiến Xích Bích) còn có thể kể đến nhạc phẩm Chohanji (Sở Hán chí). 

Nếu như Đại chiến Xích Bích diễn ra trong thời điểm nhà Hán suy yếu diệt vong vào thế kỷ thứ III, thì Chohanji (Sở Hán chí) kể về cuộc chiến tranh giữa Hạng Vũ của nhà Sở và Lưu Bang của nhà Hán vào thế kỷ thứ II trước Công nguyên khi nhà Hán mới được gây dựng. Hạng Vũ vốn xuất thân từ hoàng gia, được người đời mệnh danh là “Hạng Vũ tráng sĩ” nhưng đã bị thảm bại trước Lưu Bang, một người có xuất thân hết sức bình thường. Truyền rằng khi nhà Hán bao vây quân sĩ Hạng Vũ nhà Sở, họ đã gọi quân lính xuất thân từ nhà Sở tới và hát vang các bài hát của nhà Sở, làm cho quân lính của Hạng Vũ nhớ quê nhà, không còn tinh thần chiến đấu và lặng lẽ tự rút lui. Cuối cùng Hạng Vũ đã tự sát còn Lưu Bang trở thành người thắng trận và chiếm được thiên hạ. Câu chuyện này cũng trở thành cốt truyện của nhiều vở kịch ở Trung Quốc và trở thành nguồn gốc của trò chơi cờ tướng ngày nay. Trong nhạc phẩm “Janggi Taryeong” (Chơi cờ tướng) đoạn đầu là khúc Baetnorae (Khúc hát mạn thuyền) hoặc Seongjupuri (Lễ tạ thần thổ địa), đoạn sau mới kể về trò chơi cờ tướng được hát đan xen cùng câu chuyện Jeokbyeokdaejeon (Đại chiến Xích Bích). 


* Khúc chính ca Gagok dòng Wujo dành cho giọng nữ “Pyeonggeo Ilsobaekmisaeng” / Hwang Suk-gyeong 

* Trích đoạn Jeokbyeokhwajeon (Hỏa trận Xích Bích) trong trường ca hát kể chuyện Pansori Jeokbyeokga (Xích Bích ca) / Yoon Jin-Cheol 

* Nhạc phẩm “Janggi Taryeong” (Chơi cờ tướng) / Choi Geun-sun, Choi Eun-ho, Park Jin-ha và Lee Na-hyeon 

Lựa chọn của ban biên tập