Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Ảnh hưởng của tự nhiên tới đời sống con người thời xưa

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-02-03

Âm điệu ngàn xưa

Ảnh hưởng của tự nhiên tới đời sống con người thời xưa

Giông tố và tình yêu con người

khúc hát Arari của vùng Jeongseon thuộc tỉnh Gangwon là khúc dân ca Arirang lâu đời nhất ở Hàn Quốc và nổi tiếng là có nhiều ca từ. Trong đó có câu: 

Tuyết rơi, mưa trút, hay mưa ngâu đằng đẵng 

Mây đen bao phủ Vạn Thọ sơn 


Khúc dân ca “Jeongseon Arari” là câu chuyện tình yêu của đôi nam nữ sống ở hai bên bờ sông Auraji, nơi hai dòng chảy gặp nhau trước khi đổ ra sông lớn. Truyền rằng thuở đó, có đôi nam nữ ở hai bên bờ sông thầm thương trộm nhớ nhau. Họ đã hẹn gặp nhau, nhưng không may, đêm đó mưa to như trút nước, nước sông dâng cao chảy siết làm trôi mất con đò qua sông. Đôi nam nữ chỉ biết đứng hai bên bờ sông cuồn cuộn nước, não lòng hát câu ca này trong sự nuối tiếc khôn nguôi. Trong thời thông tin truyền thông hiện đại ngày nay, con người có thể trò chuyện qua điện thoại hay gửi tin nhắn cho nhau, còn xưa kia chỉ có gặp trực diện thì mới được nhìn mặt nhau tay bắt mặt mừng. Không may phải ngày mưa to gió lớn, nước sông dâng cao, người lái đò nghỉ thì cũng chẳng có cách nào để qua sông. 


Có lẽ xưa kia, mưa to gió lớn đã từng là rào cản với những đôi uyên ương đang hẹn hò. Trong dòng thơ phổ nhạc Gagok, khúc Wurak dành cho giọng nữ cũng có đoạn, rằng: 

Gió đập rầm rầm, mưa như trút nước 

Phải lòng nhau, đêm đỏ mắt ngóng trông 

Lời thề son sắt vẫn còn đó 

Mưa to gió lớn đến làm sao 

Người đến tình ta duyên trời định 


Trong thơ, người con trai và người con gái phải duyên nhau rồi định ngày gặp gỡ. Mỏi mắt ngóng trông tới giờ phút tay bắt mặt mừng, nhưng ông trời như đùa giỡn với lòng người. Cớ chi gió bão ầm ầm, mưa như trút nước vào đúng cái ngày định mệnh đó. Tiếng gió rú mưa gào là vậy, nhưng vẫn không thổi tắt được niềm hy vọng le lói trong lòng những người yêu nhau rằng “mưa to gió lớn thế này mà chàng đến tìm thiếp thì hẳn là ông Trời đã se duyên cho đôi ta”. 


Ảnh hưởng của thời tiết khí hậu tới tình thế trận mạc 

Thuở xưa, thời tiết khí hậu còn gây ảnh hưởng lớn tới các trận chiến. Thời mà vũ khí chính trên trận mạc là cung tên thì hướng gió ảnh hưởng tới trường độ và cường độ của mũi tên được bắn ra. Trong tiểu thuyết lịch sử “Tam quốc diễn nghĩa” của Trung Quốc có đoạn Khổng Minh Gia Cát Lượng định tấn công Tào Tháo bằng lửa nhưng thời điểm diễn ra cuộc chiến lại là mùa đông giáp ngày đông chí. Ở phía Bắc bán cầu, mùa đông thường có gió Tây Bắc. Luồng gió lạnh tràn từ phía Bắc xuống phía Nam. Khi đó, Tào Tháo ở phía Bắc của con sông, còn Gia Cát Lượng, Tôn Quyền, Chu Du và quân lính lại ở phía Nam của con sông. Nếu lúc đó phía quân Khổng Minh Gia Cát Lượng bắn tên có mồi lửa về phía quân Tào Tháo thì không những không đánh dẹp được Tào Tháo mà còn rất có thể làm thương vong chính đội quân của mình. Giữa lúc tình thế rối ren, Khổng Minh Gia Cát Lượng đã cho lập bàn thờ cầu khấn xoay chuyển hướng gió. Chu Du, một danh tướng của Tôn Quyền, từ lâu đã biết Khổng Minh là bậc "thiên hạ kỳ tài", nếu để người như vậy sống về sau sẽ là họa cho nước nên muốn tìm cách hại ông. Nên Chu Du yêu cầu Khổng Minh xoay chuyển gió sang hướng Đông Nam để bắt Tào Tháo, còn nếu không xoay chuyển được hướng gió thì sẽ bắt Khổng Minh về tội coi thường nhà Ngô. Biết được mưu mô của Chu Du, Khổng Minh vẫn cho lập thất linh đàn trên núi Nam Bình để cầu gió Đông Nam. Khi bài khấn dứt thì quả nhiên, hướng gió thực sự đã xoay chuyển từ Tây Bắc sang Đông Nam. Lo sợ ảnh hưởng chính trị của Khổng Minh ngày càng lớn mạnh, Chu Du đã quyết định ra tay sát hại Khổng Minh. Đoán biết được lòng dạ hiểm ác của Chu Du, Khổng Minh đã lên thuyền rời đi trước khi Chu Du kịp hành động. 


* Khúc dân ca “Jeongseon Arari” / Kim Byeong-gi và Park Gyeong-won 

* Khúc hát Barameun (Gió thổi) trong thơ phổ nhạc Gagok Wurak dành cho giọng nữ / Kim Na-ri. 

* Trích đoạn “Khổng Minh Gia Cát Lượng cầu gió Đông Nam” trong trường ca hát kể chuyện Pansori “Jeokbyeokga” (Xích Bích ca) / Jeong Kwon-jin 

Lựa chọn của ban biên tập