Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Nhạc cụ truyền thống và âm nhạc đại chúng hiện đại

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-02-10

Âm điệu ngàn xưa

Nhạc cụ truyền thống và âm nhạc đại chúng hiện đại

Các nhạc phẩm do nhạc sĩ Ha Deok-gyu và Lee Yeong-hun sáng tác 

Yêu câu ca tiếng hát là một đặc trưng tiêu biểu của người Hàn Quốc. Khi vui chơi hay lúc làm việc, câu ca tiếng hát sẽ góp phần làm tăng thêm sự phấn chấn và sức lực cho mọi người. Các dòng nhạc ở Hàn Quốc rất đa dạng, nhưng so với âm nhạc truyền thống, đông đảo người dân Hàn Quốc ngày nay ưa chuộng các khúc hát đại chúng mang hơi thở thời đại. Các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống cũng thu hút sự chú ý khi thử diễn tấu các khúc hát đại chúng bằng nhạc cụ dân tộc. Nhạc phẩm Gasinamu (Bụi mận gai) do nhạc sĩ Ha Deok-gyu sáng tác thời còn sống bê tha, trong một lần bị chị gái kéo đi cầu nguyện ở nhà thờ, mới bừng tỉnh và nhận thức được diện mạo của bản thân mình. Ca khúc có đoạn:


Cái tôi trong ta quá lớn nên không có chỗ cho người nghỉ ngơi

Kỳ vọng hão huyền trong ta khiến người không được yên

Khoảng tối trong ta che khuất bóng dáng người 

đã lấy đi nơi yên nghỉ của ta

Nỗi buồn trong ta ta không thắng nổi

Tựa như bụi mận gai rậm rạp tua tủa gai


Lee Yeong-hun vốn là nhạc sĩ chuyên sáng tác âm nhạc cho sân khấu kịch và vũ đạo. Từ năm 1985, sau khi gặp ca sĩ Lee Moon-sae, nhạc sĩ Lee Yeong-hun chuyển sang sáng tác nhạc đại chúng. Những ca khúc tiêu biểu của ca sĩ Lee Moon-sae như “Sarangi Jinagameon” (Khi tình yêu đi qua), “Nan Ajik Moreujanayo” (Anh vẫn chưa biết mà), “Gwanghwamun Yeonga” (Tình ca Gwanghwamun), “Bulgeun Noeul” (Ráng chiều đỏ) là đều do nhạc sĩ Lee Yeong-hun sáng tác. Ca khúc của nhạc sĩ Lee Yeong-hun sáng tác có ca từ mang đậm chất thơ, âm điệu ngọt ngào, lay động lòng người nên được giới trẻ rất yêu thích. Đáng tiếc là nhạc sĩ Lee Yeong-hun đã từ giã cõi đời rất sớm khi còn chưa tới 50 tuổi. Để tưởng nhớ sự ra đi đột ngột của người nhạc sĩ trẻ tài năng, những đồng nghiệp trong ngành đã dựng một sân khấu nhạc kịch với tựa đề “Gwanghwamun Yeonga” (Tình ca Gwanghwamun) với toàn bộ khúc hát trong vở là các nhạc phẩm của cố nhạc sĩ. Trên trang web của cố nhạc sĩ Lee Yeong-hun có đôi dòng như sau:


Khi chúng ta sống,

Khi ta sống ở đời

Cuộc đời và tình yêu luôn trôi đi như những áng mây trên bầu trời

Nhìn thì tưởng như có thể nắm được trong tầm tay

Nhưng khi ngoảnh lại thì nó đã biến mất tự bao giờ

Hãy luôn yêu, luôn luôn yêu và thương lấy nhau…


Đến bây giờ, dòng lưu bút này vẫn còn được giữ nguyên trên trang web riêng của cố nhạc sĩ. Ngẫm lại có thể thấy “âm nhạc của Lee Yeong-hun chính là tình yêu”. Các sáng tác của cố nhạc sĩ Lee Yeong-hun như những lời nhắn nhủ tới người nghe rằng “hãy hát và hãy yêu”. 


Ca sĩ Yang Hee-eun và nhạc phẩm sáng tác 

Ca sĩ Yang Hee-eun là một cây đại thụ trong làng âm nhạc đại chúng ở Hàn Quốc. Bà cũng đích thân sáng tác lời cho ca khúc “Sarang Geu Sseulsseulhame Daehayeo” (Sự thê lương của tình yêu). Ca khúc có đoạn:


Liệu có thể lại gặp và yêu ai nữa hay không?

Chắc có lẽ không thể làm chuyện đó

Sống ở đời có một điều không thể hiểu

Đó là việc gặp rồi yêu một người

Phải chăng là việc quá thê lương


Sống ở đời chắc ai cũng từng trải qua giây phút với cảm nhận này. Dù cho đó là việc yêu một người nào hoặc một điều gì đó. Vào một ngày trước khi bước sang tuổi 40, chỉ trong một đêm ca sĩ Yang Hee-eun đã viết xong lời cho ca khúc này. Sau khi được sử dụng làm nhạc nền cho một bộ phim truyền hình, ca khúc “Sarang Geu Sseulsseulhame Daehayeo” (Sự thê lương của tình yêu) do ca sĩ Yang Hee-eun sáng tác và thể hiện cùng cây đàn guitar đã đón nhận được tình cảm yêu mến của đông đảo người dân Hàn Quốc. 


* Nhạc phẩm Gasinamu (Bụi mận gai) / Kim Ju-ri (đàn nhị Haegeum), Jin Seong-su (sáo trúc dọc Piri) và nhóm phụ họa 

* Nhạc phẩm “Geunyeoeui Utseumsoribbun” (Chỉ có tiếng cười của em) / Lee Yeong-hun (sáng tác), Ryu Ji-yeon (đàn tranh 12 dây Gayageum)

* Nhạc phẩm “Sarang Geu Sseulsseulhame Daehayeo” (Sự thê lương của tình yêu) / Gang Ae-jin (đàn tranh Ajaeng) cùng phần đệm đàn piano.

Lựa chọn của ban biên tập