Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tình cảm trân quý hoa mai của người dân Hàn Quốc thời xưa

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-02-24

Âm điệu ngàn xưa

Tình cảm trân quý hoa mai của người dân Hàn Quốc thời xưa

Đại học sĩ Yi Hwang và hoa mai

Ở Hàn Quốc ngày nay, khi nói tới “hoa xuân” thì đa phần mọi người đều liên tưởng tới màu hoa anh đào nở rực rỡ tràn ngập trong nắng xuân ấm áp. Nhưng xưa kia, giới học giả Hàn Quốc lại trân quý hoa mai, loài hoa thuần khiết và có hương thơm thoang thoảng dịu nhẹ. Hình ảnh người học giả giữ vững ý chí kiên định, không chịu khuất phục trước bất kỳ khó khăn nào được ví như nhành mai hé nở trong gió tuyết. Hương thơm thoang thoảng của hoa mai được gọi là “hương quân tử”. Người ta còn truyền tai nhau rằng hoa mai dù có sống trong giá rét cả đời cũng không bao giờ bị mất hương thơm. Thế nên, người học giả luôn muốn gần hoa mai và giống hoa mai. Trong số này, có thể kể đến đại học sĩ triết gia Yi Hwang, hiệu Toegye (Thoái Khê; 1501-1570), sống vào thời trung kỳ của triều đại Joseon ở Hàn Quốc. Chân dung của vị đại học sĩ này được in trên tờ tiền mệnh giá 1.000 won cùng một nhành hoa mai đang rộ nở. Đại học sĩ Yi Hwang quý trọng hoa mai đến nỗi lời trăn trối cuối cùng của ông là “Hãy tưới nước cho chậu hoa mai”. Đại học sĩ Yi Hwang còn để lại cho đời một tuyển tập thơ viết về hoa mai. Trong đó có đoạn rằng:

Lững thững trong sân, trăng theo bước

Luẩn quẩn quanh mai tới mấy vòng

Đêm khuya ngồi lâu quên đứng dậy

Hương thơm thấm đượm tà áo người

Bóng mai tỏa ngập khắp thân luôn


Áng thơ làm toát lên hình ảnh người học giả say hương hoa, ngồi đọc sách thâu đêm bên nhành mai giữa đêm khuya thanh vắng. 


Cho đến thời nay, người Hàn Quốc vẫn truyền tai nhau câu chuyện về hoa mai có liên quan tới đại học sĩ Yi Hwang và kỹ nữ Duhyang (Đỗ Hương). Thời đó, khi đại học sĩ Yi Hwang về huyện Danyang (tỉnh Bắc Chungcheong) nhậm chức, ông đã gặp kỹ nữ Duhyang ở đó. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng kỹ nữ Duhyang đã rất mến mộ đại học sĩ và ông cũng mang lòng cảm mến nàng kỹ nữ có tài làm thơ và viết chữ hơn người. Khi đại học sĩ Yi Hwang rời Danyang đến Punggi (tỉnh Bắc Gyeongsang) nhậm chức, hai người buộc phải chia tay nhau và nàng Duhyang đã tặng đại học sĩ Yi Hwang một chậu hoa mai. Ông đã rất quý trọng nâng niu chậu mai này. Truyền rằng, khi nghe tin đại học sĩ Yi Hwang từ trần, Duhyang đã đi bộ bốn ngày liền tới tận vùng Andong (tỉnh Nam Gyeongsang) để viếng ông. Trên đường quay lại Danyang, nàng đã buông mình xuống dòng sông tự vẫn. Truyện đời không biết thực hư ra sao nhưng có lẽ lúc sinh thời đại học sĩ Yi Hwang đã rất yêu hoa mai nên người đời mới lưu lại những dòng tưởng nhớ về ông như vậy. Một áng thơ cổ phổ nhạc Sijo, được bắt đầu bằng đoạn:

Xuân trở lại trên nhành mai ngày ấy

Hé nụ trên cành nở lúc xưa

Tuyết xuân bay bay, bông chúm chím,

Vì trăn trở nên nở hay chăng?


Tương truyền rằng áng thơ phổ nhạc Sijo trên do kỹ nữ Maehwa (Mai Hoa) ở Pyongyang (Bình Nhưỡng, nay là thủ đô của Bắc Triều Tiên) sáng tác. Người làm thơ ví thân phận mình như cành mai cằn cỗi vẫn muốn một lần rực rỡ như nụ mai nở rộ giữa ngày xuân, nhưng lại không chắc có làm được điều này hay không. 


Những địa điểm có mai quý ở Hàn Quốc

Xưa kia, giới học giả ở Hàn Quốc không chỉ trồng hoa mai ở mảnh vườn trước nhà mà còn tìm tới những nơi có hoa mai nổi tiếng để tận mắt chiêm ngưỡng. Những chuyến du ngoạn ngắm mai này còn có tên gọi là Tammae (Thám mai). Xưa kia, ở Hàn Quốc, ngoài giới học giả, những người tu hành chốn cửa Phật cũng rất quý trọng hoa mai. Các vị sư còn ví nếu cái lạnh chưa thấu xương thì sao có thể ngửi thấy hương hoa mai phảng phất để diễn tả sức chịu đựng của kẻ tu hành. Vì thế, những cội mai nổi tiếng đa phần đều ở các chùa chiền. Ví như chùa Geumdun (Kim Đồn) ở vùng Nagan (tỉnh Nam Jeolla) nổi tiếng với loài mai nở đúng vào tháng Chạp, thời điểm lạnh nhất trong năm, nên có tên gọi là Napmae (Mai tháng Chạp). Còn ở chùa Seonam (Tiên Nham) thuộc vùng Suncheon (tỉnh Nam Jeolla) lại có rất nhiều các cội mai hàng trăm năm tuổi. Mai ở đây có tên gọi là Seonammae. Hoa mai ở chùa Seonam được biết tới rộng rãi qua bộ phim Chwihwaseon (Túy Họa Tiên). Còn ở chùa Hwaeom (Hoa Nghiêm) thuộc vùng Masan (tỉnh Nam Jeolla), lại có loài hoa mai đỏ đậm có tên gọi là Heukmae (Mai đen). Chùa Baekyang (Bạch Dương) ở vùng Jangseong (tỉnh Nam Jeolla) lại nổi tiếng với loài hồng mai có hương thơm đặc biệt. Chỉ một gốc mai có thể cũng làm thơm ngát cả ngôi chùa. 


Đã đến thời điểm hương mai ngào ngạt lan tỏa khắp vùng miền Nam bán đảo Hàn Quốc báo hiệu xuân đang tới. Khúc chính ca Gagok Eonyaki (Ngôn ước) dòng Gyemyeon Isudaeyeop dành cho giọng nữ Yeochanggagok có đoạn:

Ước hẹn muộn, hoa mai ngoài sân rụng

Mong tiếng chim ác là sáng hót báo tin mừng

Hay soi gương chỉnh áo quần dáng vóc


Mai trồng hoa đã nở rồi tàn, người thương hẹn xuân về mà vẫn biệt vô âm tín, chim ác kêu báo hiệu tin mừng tới, không biết liệu hôm nay chàng có đến hay không, soi mình trong gương thiếp vuốt ve tà áo. Isudaeyeop là khúc hát có nhịp điệu chậm nhất trong thể loại chính ca Gagok. Câu hát đã khắc họa rõ nét hình ảnh người con gái khắc khoải chờ đợi người thương trong chuỗi ngày dài đằng đẵng. 


* Khúc dân ca “Sarangdo Maehwaroda” (Tình yêu cũng là hoa mai) / nhóm nhạc truyền thống Xưởng âm nhạc Bưởi Eumakgongjang Jamong 

* Khúc hát phổ thơ Gasa mang tên Maehwaga (Hoa mai ca) / Lee Yoon-jin 

* Khúc chính ca Gagok Eonyaki (Ngôn ước) dòng Gyemyeon Isudaeyeop dành cho giọng nữ Yeochanggagok / Park Min-hee

Lựa chọn của ban biên tập