Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Ý nghĩa nhân văn trong lễ cưới và đám tang của người dân Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-03-10

Âm điệu ngàn xưa

Ý nghĩa nhân văn trong lễ cưới và đám tang của người dân Hàn Quốc

Lễ cưới và lễ tang, hai thời khắc quan trọng trong đời người

Dưới vương triều Joseon, dù khá xem trọng thành phần xuất thân, song mọi người sinh ra có nghèo khó đến mấy và thuộc giai cấp nào chăng nữa thì trong đời vẫn có những thời khắc được tôn vinh. Đặc biệt là trong lễ cưới và khi từ giã cõi đời. Trong lễ cưới, chú rể được mặc quần áo mà mũ mão của người làm quan, còn cô dâu thì được ăn vận trang phục cung đình. Tục lệ này thầm cầu nguyện cho cuộc sống hạnh phúc, đuề huề con cháu của đôi vợ chồng mới cưới bất chấp là họ thuộc tầng lớp xã hội nào. Khi từ giã cõi đời, trên đường tới nơi chôn cất, quan tài của người quá cố được đặt trên kiệu tang Ggotsangyeo trang trí sặc sỡ chẳng kém gì kiệu của nhà vua và được 10 người ghé vai khiêng. Khi khiêng kiệu tang, những người khiêng kiệu sẽ hát khúc dân ca “Sangyeosori” (Hò đưa tang). Câu hát như thể vừa cầu an cho người quá cố trên đường tới suối vàng vừa an ủi gia quyến trước nỗi đau mất người thân. Dân ca “Sangyeosori” là âm nhạc trong nghi thức tang lễ và còn được gọi là Nodongyo, tức khúc ca lao động. 


Những khúc hát tiêu biểu cho văn hóa tang lễ ở Hàn Quốc

 “Ggotyeombulsori” là khúc ca được hát khi người ta vác kiệu tang chưa đặt quan tài đi quanh làng trước ngày người quá cố được đưa tới nơi chôn cất. Tập tục này dành cho người chết trẻ hoặc những có đóng góp nhiều công lao cho làng xóm. Ngoài đảo Jeju, tập tục rước kiệu tang chưa đặt quan tài còn có nhiều nơi ở Hàn Quốc. Tập tục này diễn ra trước ngày đưa kiệu tang đi chôn cất để những người khiêng kiệu, thường là người hàng xóm, được tập dượt và phối hợp nhịp nhàng với nhau tại nghi thức đưa tang chính thức. Khúc hát có điệp khúc rằng “Eolleoreol Georigo Yeomburira”, có nghĩa là “vỗ về, an ủi, niệm Phật” nên còn được gọi là khúc ca niệm Phật, xướng danh Đức Phật để cầu cho người quá cố được tới cõi Cực lạc. Còn từ “Ggot” (có nghĩa là “Hoa”) trong tên gọi của khúc hát có nghĩa là “vừa vác kiệu tang Ggotsangyeo vừa hát”. Theo duy tâm, người đảo Jeju tin rằng đâu đó trên đường tới suối vàng có vườn hoa, nên họ cầu khấn cho người quá cố được bình an vô sự tới vườn hoa. 


Khúc hát Sangyeosori (Hò đưa tang) có đoạn:

Bây giờ đi bao giờ trở lại, ngày về không hẹn ước

Ngày xưa các cụ vẫn nói đường âm phủ xa là thế

Ngoài cổng là Diêm vương, phía trước núi là nghĩa địa


Ca từ của khúc hát vừa có ý nghĩa an ủi động viên người quá cố tới cõi Cực lạc vừa mang hàm ý nhắn nhủ những người đang sống. Thường thì con người ta vẫn luôn quan niệm rằng cái chết dường như không liên quan gì tới bản thân mình nhưng trên thực tế thì nó luôn cận kề bên chúng ta và đã ra đi thì không còn đường quay trở lại. Thế nên, phải biết trân trọng từng thời khắc khi còn sống, làm gì cũng phải tới nơi tới chốn và phải biết cách thương yêu, cách đối nhân xử thế với những người xung quanh mình. 

Nghi thức khiêng kiệu đặt quan tài cùng khúc hò đưa tang dạo một vòng quanh làng cũng là để cho những người trẻ tuổi và con trẻ trong làng thấu hiểu và đón nhận một cách tự nhiên về cái chết. Sau khi chôn cất người quá cố, gia quyến không thể biết được rằng người mất có đến được miền Cực lạc hay không. Và để cầu nguyện cho điều này, người Hàn Quốc còn mời ông đồng bà đồng mở chiếu đồng Gut để cầu khấn. Vị thần được xưng danh trên chiếu đồng lúc này là công chúa Bari, người đảm trách công việc chỉ đường dẫn lối cho linh hồn người quá cố, và giúp linh hồn họ vượt qua mọi quan ải trên đường xuống suối vàng. Dù không biết rõ điều này có đúng hay không, nhưng trong duy tâm thân nhân của người quá cố cũng phần nào yên lòng vì có thần công chúa Bari luôn bên cạnh người thân của họ trên bước đường xuống suối vàng tăm tối, đơn côi. 


* Khúc ca “Ggotyeombulsori” của đảo Jeju / Lee Myeong-suk và nhóm phụ họa 

* Khúc hát Sangyeosori (Hò đưa tang) / Choi Jang-gyu và nhóm phụ họa của Hội bảo tồn câu hát dân ca vùng Goyang, tỉnh Gyeonggi

* Nhạc phẩm “Barisinawi”/ nhóm nghệ thuật Baramgot 

Lựa chọn của ban biên tập