Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Cảm nhận về thiên nhiên của giới học giả và người dân thường ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-07-14

Âm điệu ngàn xưa

Cảm nhận về thiên nhiên của giới học giả và người dân thường ở Hàn Quốc

Thiên nhiên trong con mắt của các đại văn hào

Thi sĩ Jeong Cheol (1536-1593) hiệu Songgang (Tùng Giang) là một đại văn hào sống trong thời trung kỳ của triều đại Joseon ở Hàn Quốc. Năm 1580, ông được biệt phái về tỉnh Gangwon để đảm nhiệm chức quan cao nhất tại đây. Sau chuyến du ngoạn núi Geumgang (Kim Cương) (nay thuộc địa phận Bắc Triều Tiên) và 8 địa danh nổi tiếng ở xung quanh vùng Gwandong (Quan Đông), chỉ các địa phương thuộc tỉnh Gangwon, ông đã sáng tác áng thơ “Gwandong Byeolgok” (Biệt khúc Quan Đông), trong đó có đoạn tả cảnh những con sóng bạc đầu ở biển phía Đông, rằng:

Cuối cùng, không thấy được chân trời, đành leo lên đình Mangyang (Vọng Dương),

Bên ngoài biển cả là bầu trời, bên ngoài bầu trời là gì đây?

Như cá voi chồm lên giận dữ, phun lên trời những cột nước cao

Là để con người giật mình, chóng mặt chăng?

Con sóng bạc đầu như thái sơn phủ đầy tuyết trắng

Rắc xuống trần gian trắng xóa tuyết tháng Năm

Bằng cách ví von hình tượng hóa, thi sĩ Jeong Cheol đã tả cảnh những con sóng chồm vào bờ như những đàn cá voi, những con sóng bạc đầu cao ngất ồ ạt vỗ bờ rồi tan theo bọt nước trắng xóa chẳng khác nào tuyết tháng 5


Học giả kiêm chính trị gia Yun Seon-do hiệu Gosan (Cô Sơn) sống dưới thời Joseon thế kỷ thứ XVII của Hàn Quốc là một đại thi hào dòng thơ phổ nhạc Sijosi lúc đương thời và là tác giả của tuyển tập thơ Eobusasisa (Ngư phủ tứ thời từ). Đọc thơ Yun Seon-do người đời ngỡ ông là một học giả tốt số, tự do tự tại, vui hưởng phong lưu giữa cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ nơi đảo Bogil. Tuy nhiên, trên thực tế, đại thi hào Yun Seon-do đã bị lưu đày đến ba lần trong đời với tổng cộng 16 năm. Học giả, chính trị gia, thi sĩ Yun Seon-do cả đời sống trong vòng xoáy của chính trị nhưng luôn giữ cân bằng bản thân bằng âm nhạc và văn chương. Gần cuối đời trên đường lánh tới đảo Jeju để ở ẩn, chẳng may lại gặp bão, thuyền của ông phải tạm lánh vào đảo Bogil. Vẻ đẹp huyền ảo của hòn đảo Bogil đã níu kéo Yun Seon-do ở lại nơi đây. Trong thời gian lưu lại đảo Bogil, văn sĩ Yun Seon-do đã vui thú với âm nhạc phong lưu, đọc sách, và cất dựng khá nhiều công trình kiến trúc có giá trị như lầu Seyeonjeong (Tẩy Nhiên đình), phòng đọc sách Nakseojae (Lạc Thư trai), lầu gác cheo leo trên vách núi Dongcheonseoksil (Đồng thiên thạch thất). Tác phẩm thi ca Eobusasisa (Ngư phủ tứ thời từ) cũng được ông sáng tác tại đảo Bogil. Đây là một tuyển tập thơ cổ Yeonsijo tả cảnh sắc 4 mùa xuân hạ thu đông của một học giả ở ẩn ven biển. Tuyển tập thơ Eobusasisa (Ngư phủ tứ thời từ) gồm 40 bài thơ miêu tả cuộc sống của người ngư dân suốt 4 mùa trong năm, với 10 bài thơ dành cho mỗi mùa. Một bài về mùa xuân có đoạn:

Sương mù bên sông tan, nắng vàng rọi sau núi

Nước đêm rời đi, nước ngày dồn tới

Xóm ven sông, hoa nở khoe sắc từ xa


Người dân thường và thiên nhiên

Xưa kia ở Hàn Quốc, phòng tắm không được thiết kế trong nhà như ngày nay, thế nên kể cả giữa những ngày nắng nóng, được tắm táp một lần cho sảng khoái cũng không phải là việc dễ dàng. Để gột rửa đỡ cái nóng, đám đàn ông thường có lệ “tắm lưng”, tức là cởi áo và dội nước cho mát lưng. Những lúc này mà được ngâm mình trong dòng suối mát lạnh thì tuyệt vời biết bao. Trong trường ca hát kể chuyện Pansori Simcheongga (Người con gái hiếu thảo Sim Cheong) có đoạn ông Sim mù lòa tắm. Chuyện kể rằng, sau khi trở thành hoàng hậu, nhớ đến người cha mù lòa chốn quê nhà, Sim Cheong đã cho mở tiệc thiết đãi tất cả mọi người mù trên cả nước. Biết tin này, ông Sim đã cùng mụ Bbaengdeok lên hoàng thành dự tiệc. Trên đường đi, mụ Bbaengdeok đã phải lòng một ông mù khác, bỏ lại ông Sim ở nhà trọ để chạy trốn cùng người tình. Than thân trách phận một hồi rồi cuối cùng, ôm Sim cũng quyết định tự dò dẫm đường tới cho được hoàng thành. Mù lòa, một thân một mình mò mẫm đường tới kinh thành, bỗng dưng ông nghe thấy đâu đó có tiếng nước chảy mát rượi. Không một chút ngần ngại, ông Sim liền cởi bỏ quần áo, xuống suối gột rửa cái nóng và bụi bẩn đường trường. Éo le thay, trong lúc ông tắm, có người đã cuỗm hết cả quần áo và tư trang của ông. Đã mù lòa, giờ lại không một mảnh vải che thân, không biết ông Sim vượt qua vận hạn này bằng cách nào. 


* Khúc dân ca Donghaebada (Biển Đông) của tỉnh Jeolla / Kim Yul-hee (hát) và nhóm nhạc truyền thống Soul Sause 

* Trích đoạn “Ông Sim mù tắm” / Jang Mun-hee.

* Nhạc phẩm Eobusasisa (Ngư phủ tứ thời từ) / Kim Na-ri 

Lựa chọn của ban biên tập