Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Khúc ca lao động truyền thống khi đi làm đồng ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-08-04

Âm điệu ngàn xưa

Khúc ca lao động truyền thống khi đi làm đồng ở Hàn Quốc

Khúc ca lao động được hát khi đi cấy

Hàn Quốc từ xa xưa đã nổi tiếng là một quốc gia yêu câu ca tiếng hát. Theo sử ký, trong các lễ tế trời được cử hành vào mùa xuân và mùa thu, người dân trên bán đảo Hàn Quốc thường nhảy múa, ca hát suốt mấy ngày liền. Khi làm những việc như cày bừa ruộng vườn, trồng cây, dựng nhà hay dệt vải thì câu ca tiếng hát cũng luôn đồng hành cùng họ. Thế nên ở Hàn Quốc có khá nhiều khúc ca lao động Nodongyo được lưu truyền cho tới ngày nay. Đặc biệt là những khúc ca được hát khi làm đồng. Trong công việc đồng áng, có lẽ cấy lúa là công việc quan trọng nhất. Để có cây lúa, người nông dân phải ngâm thóc, gieo mạ, khi cây mạ lớn đạt tiêu chuẩn thì phải đưa mạ ra cấy trên ruộng. Cây mạ phải được cấy thưa đều, hứng đủ nắng và phải được chăm bón thường xuyên thì mới mong có được vụ mùa bội thu. Ở những vùng cấy lúa hai vụ thì giữa hai vụ lúa, người nông dân còn trồng và thu hoạch thêm đại mạch. Tới vụ cấy, người dân trong làng thường hùa vào giúp đỡ lẫn nhau và những lúc này thì câu hò tiếng hát là nguồn động viên, cổ vũ tạo bầu không khí rộn ràng náo nhiệt cho làng trên xóm dưới thêm hăng say lao động. 


Người dân ở vùng Tongmyeong, huyện Yecheon, tỉnh Bắc Gyeongsang thường hát khúc Abureisuna lúc cùng nhau cấy lúa và khi cấy xong khoảnh ruộng này trong lúc di chuyển sang khoảnh ruộng khác họ lại cùng nhau hát khúc Domsosori. “Abureisuna” vốn là ngôn ngữ địa phương của tỉnh Gyeongsang. Ở đây “Aburei” nghĩa là “gặp gỡ, tụ họp”, còn “Suna” nghĩa là “giải tán”. Khi cấy lúa, nhiều người sẽ đứng thành các hàng ngang, khom lưng, cắm mạ xuống ruộng. Lúc thì họ sát lại gần nhau, lúc lại xa nhau dần, và tên khúc ca lao động “Abureisuna” (Sum họp, giải tán) chính là từ được dùng để miêu tả hình ảnh này của người nông dân trong lúc cấy lúa. Khi nói đến khúc ca lao động, chắc hẳn nhiều người sẽ liên tưởng tới những khúc hát có nhịp điệu nhanh và vui nhộn. Nhưng vào mùa đi cấy, người nông dân phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời từ sáng sớm tinh mơ tới tận tối khuya. Rồi ngày hôm sau họ vẫn lại tiếp tục công việc đồng áng nặng nhọc này. Thế nên thong thả và liên tục là cách người nông dân ở Hàn Quốc bền bỉ bám ruộng và hoàn thành tốt công việc nhà nông trong thời gian ấn định. Theo nhịp điệu làm việc, các khúc hát lao động Nodongyo ở Hàn Quốc cũng chậm rãi, thong thả tùy theo phong cách làm việc của mỗi người. Trong tên của khúc hát Domsosori thì “Domso” nghĩa là “giúp đỡ”, nên “Domsosori” chúng ta tạm dịch là “Khúc hát giúp nhau”. Câu hát mang hàm ý rằng công việc ở thửa ruộng nhà mình xong không có nghĩa là mọi công việc đã hoàn tất để có thể giũ quần giũ áo về nhà nghỉ ngơi, mà phải quan sát xung quanh, xem ruộng nhà ai vẫn còn bận việc thì nhanh chóng xắn quần xắn áo sang phụ giúp một tay. Thời xưa, giúp đỡ lẫn nhau là cách thể hiện tình làng nghĩa xóm và nét nhân văn ở đời. 


Khúc ca lao động được hát khi đi làm cỏ

Sau vụ cấy, không chỉ có cây lúa mà cỏ dại cũng lớn như thổi bởi cái nắng như đổ lửa của mùa hè. Nếu không nhổ cỏ dại thì chúng sẽ hút hết dinh dưỡng của đất làm ảnh hưởng tới sản lượng thu hoạch lúa. Thế nên sau vụ cấy, người nông dân lại nhọc nhằn với công việc “làm cỏ”, trong tiếng Hàn gọi là Gimmaegi. Người dân ở thành phố Chungju, tỉnh Bắc Chungcheong khi đi làm cỏ Gimmaegi thường hát khúc Bangataryeong (Giai điệu cối giã). Khúc hát “Bangataryeong” có đoạn tiết tấu chậm được gọi là Gin-Bangataryeong, đoạn tiết tấu vừa là Bangataryeong-Junggeori và đoạn tiết tấu nhanh được gọi là Jajin-Bangataryeong. Từ sáng tới giờ ăn trưa, người nông dân thong thả làm cỏ cùng câu hát với tiết tấu chậm Gin-Bangataryeong. Sau bữa trưa, tốc độ làm cỏ sẽ được đẩy nhanh hơn một chút cùng khúc hát với tiết tấu vừa Bangataryeong-Junggeori. Và tới lúc xế chiều, họ mau chóng kết thúc công việc bằng khúc hát với tiết tấu nhanh đầy hứng khởi Jajin-Bangataryeong. 


Người Hàn Quốc thường nói câu “hoa màu lớn nhờ nghe tiếng bước chân của người nông dân”. Điều này đồng nghĩa là người nông dân phải toàn tâm toàn ý chăm sóc cho ruộng lúa cây màu của mình. Sớm hôm ra đồng xem liệu cây lúa có thiếu nước khi hạn hán, liệu có bị thối rễ vì ngập úng lúc mưa dầm hay có bị sâu rầy cắn phá hay không; và công việc nhọc nhằn nhất vẫn là nhổ cỏ dại. Những ngày làm cỏ, người nông dân Hàn Quốc phải còng lưng từ sáng sớm đến tối khuya ngoài ruộng, chống chọi với chảo lửa từ trên trời hắt xuống và hơi nóng hừng hực từ lòng đất phả lên, mồ hôi đầm đìa như tắm. Công việc làm cỏ nhọc nhằn này đâu phải chỉ một lần đã xong, mà phải lặp đi lặp lại ba lần thì tới mùa thu hoạch hoa màu mới cho sản lượng tốt nhất. Sau ba lần làm cỏ Gimmaegi, người nông dân chỉ còn biết trông chờ vào sự phù hộ của trời đất. Vào dịp này, các làng xã có tập tục bầu chọn trạng nguyên nhà nông, linh đình không kém các kỳ khoa cử của triều đình. Người trở thành trạng nguyên nhà nông được dân làng sắm sửa mũ áo và rước trên lưng trâu dạo quanh vùng cùng đoàn người khua gõ nông nhạc theo sau. 


* Khúc ca Abureisuna và Domsosori của vùng Tongmyeong, huyện Yecheon, tỉnh Bắc Gyeongsang / bô lão Lee Sang-hyu và nhóm phụ họa 

* Khúc hát Bangataryeong (Giai điệu cối giã) của tỉnh Chungcheong đoạn tiết tấu chậm Gin-Bangataryeong và đoạn tiết tấu vừa Bangataryeong-Junggeori / Các em học sinh trường phổ thông trung học nghệ thuật âm nhạc truyền thống Namwon. 

* Khúc hát diễu hành Gilggoraengi của vùng Jindo / Park Dong-mae 

Lựa chọn của ban biên tập