Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Nỗ lực phục dựng và phát triển ẩm nhạc truyền thống của Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-08-11

Âm điệu ngàn xưa

Nỗ lực phục dựng và phát triển ẩm nhạc truyền thống của Hàn Quốc

Các nhóm nhạc truyền thống và các khúc hát của vùng Hwanghae

Vào thời điểm cuối năm ngoái và đầu năm nay, nhạc phẩm “Beom Naeryeoonda” (Hổ đang xuống) của nhóm nhạc truyền thống Leenalchi đã nổi như cồn ở Hàn Quốc. Đây là nhạc phẩm được biến tấu từ trường ca hát kể chuyện Pansori Sugungga (Thủy cung ca) kết hợp với vũ điệu hiện đại của nhóm nhảy Ambiguous dance company. Sự hài hòa giữa sắc thái truyền thống và hiện đại, cùng trang phục biểu diễn độc đáo đã giúp cho Leenalchi và nhóm nhảy Ambiguous thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán thính giả, đặc biệt là giới trẻ. Thông qua một đoạn video quảng bá địa điểm du lịch của các vùng miền ở Hàn Quốc do Cơ quan du lịch Hàn Quốc thực hiện, nhóm nhạc Leenalchi và nhóm nhảy Ambiguous đã tạo nên một trào lưu Hàn Quốc mới ở nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh Leenalchi, Akdangwangchil cũng là một nhóm nhạc truyền thống nổi tiếng của xứ sở kimchi. Ở đĩa nhạc đầu tiên, Akdangwangchil đã đưa sắc thái tâm hồn của giới trẻ cùng hơi thở thời đại vào các khúc hát của tỉnh Hwanghae (nay thuộc địa phận của Bắc Triều Tiên). Trong đĩa nhạc thứ hai mang tên “Insaeng Ggot Gatne” (Cuộc đời như đóa hoa), nhóm nhạc truyền thống này đã giới thiệu hàng loạt các sáng tác mới mô tả sinh động đời sống thường nhật của giới trẻ ngày nay. Nét đặc trưng trong âm nhạc của Akdangwangchil là hoàn toàn được thể hiện bằng nhạc cụ dân tộc, không pha trộn âm hưởng của các nhạc cụ hiện đại. Akdangwangchil được thành lập năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hàn Quốc giành lại độc lập từ thực dân Nhật Bản. 

Nalpalbaji (Quần ống loe) là một nhạc phẩm sáng tác mới của Akdangwangchil. Thoạt nghe nhạc phẩm Napalbaji (Quần ống loe), có lẽ không ít người sẽ thắc mắc rằng liệu đây có phải là âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc hay không, bởi giai điệu sôi động, mang lại bầu không khí tự do tự tại của nhạc phẩm. 


Âm nhạc của nghệ sĩ ở miền Bắc bán đảo Hàn Quốc

Yeolsaga (Liệt sĩ ca) là một sáng tác mới theo lối hát kể chuyện Pansori, ca ngợi các anh hùng liệt sĩ của Hàn Quốc có nhiều cống hiến cho nền độc lập của tổ quốc như Yi Jun, Ahn Jung-geun, Yun Bong-gil, Yu Gwan-sun. Giờ đây, rất ít người biết về nhạc phẩm hát kể chuyện Pansori này, nhưng tại thời điểm trước và sau khi Hàn Quốc giành độc lập vào năm 1945, Yeolsaga (Liệt sĩ ca) là khúc hát được nhiều người ưa thích. Truyền rằng, khúc hát này do danh ca Park Dong-sil ở vùng Damyang (tỉnh Nam Jeolla) sáng tác. Nhưng có người phỏng đoán rằng danh ca Park Dong-sil là người phổ nhạc cho khúc hát, còn phần ca từ được một người khác sáng tác. Có ý kiến cho rằng Yeolsaga (Liệt sĩ ca) chỉ được hát một cách lén lút trước giải phóng nhưng phải tới sau giải phóng mới được công chúng biết tới rộng rãi. Đây là thời điểm tinh thần kháng Nhật của người dân Hàn Quốc đang trong cao trào. Lúc hát Liệt sĩ ca, khi nghệ sĩ vẫy cờ tổ quốc là khán thính giả đồng loạt hô vang từ “Manse”, nghĩa là “vạn tuế”. Khúc hát này được nhiều người hát theo tựa một ca khúc đại chúng lúc đương thời. 

Khi sáng tác “Liệt sĩ ca Yu Gwan-sun”, danh ca Park Dong-sil đã được danh nhân Jang Woljungseon giúp đỡ rất nhiều. Thời đó, nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori không quen với việc chép nhạc mà máy ghi âm cũng rất hiếm nên để nhớ các bản nhạc sáng tác là một việc không hề dễ dàng. Danh ca Park Dong-sil hát cho danh nhân Jang Woljungseon nghe và yêu cầu bà ghi nhớ. May mắn là danh nhân Jang Woljungseon có trí nhớ tốt nên khúc hát này vẫn được lưu truyền tới ngày nay. Danh ca Jeong Sun-im, người hát khúc “Liệt sĩ ca Yu Gwan-sun” chính là con gái của danh nhân Jang Woljungseon và bà đã được mẹ dạy lại cho khúc hát này. Theo dòng chảy của thời gian, từ một khúc ca làm mọi người cảm kích, tới giờ Yeolsaga (Liệt sĩ ca) đã gần như bị quên lãng. Sau giải phóng không lâu, bán đảo Hàn Quốc lại phải đối mặt với cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ vào ngày 26/5/1950, khiến nhiều nghệ sĩ bị tan đàn xẻ nghé, người chạy qua miền Bắc, người lại di chuyển tới miền Nam. Thời đó, danh ca Park Dong-sil đã ở lại miền Bắc. Sau khi bán đảo Hàn Quốc bị chia cắt thành hai miền Nam-Bắc, thời gian chiến tranh lạnh kéo dài, người dân Hàn Quốc không thể nhắc tới tên tuổi và các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ chạy sang miền Bắc. Chính vì thế mà cả danh ca Park Dong-sil cũng như nhạc phẩm Yeolsaga (Liệt sĩ ca) của ông cũng không thể được nhắc tới một cách công khai. Phải tới năm 1990, khi hai miền Nam-Bắc trên bán đảo Hàn Quốc nối lại đối thoại, giới chuyên gia mới bắt tay vào tìm kiếm các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống thời xưa cùng các tác phẩm của họ. Cũng từ thời điểm đó, Yeolsaga (Liệt sĩ ca) mới được tái phục dựng trên sân khấu. Dù đã giải phóng được hơn 70 năm, nhưng nền độc lập trên bán đảo Hàn Quốc vẫn chưa trọn vẹn. Hy vọng một ngày, hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc sẽ được thống nhất, người dân hai miền sẽ thực sự bước qua những trang sử tối tăm và hướng tới một nền độc lập toàn vẹn và sáng lạn. 


* Nhạc phẩm sáng tác mới Napalbaji (Quần ống loe) / nhóm nhạc truyền thống Akdangwangchil 

* trích đoạn ca ngợi nữ liệt sĩ Yu Gwan-sun trong khúc hát kể chuyện Pansori Yeolsaga (Liệt sĩ ca) / Jeong Sun-im 

* Nhạc phẩm “Cheot Bonghwa” (Ngọn đuốc đầu tiên) / đoàn ca kịch nghệ thuật Hàn kiều Geumgangsan Gageukdan ở Nhật Bản 

Lựa chọn của ban biên tập