Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Hình ảnh con thuyền trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-08-18

Âm điệu ngàn xưa

ⓒ CULTURAL HERITAGE ADMINISTRATION

Thuyền trong thú vui du thuyền của giới quý tộc

Một nàng dâu họ Song thuộc dòng dõi quý tộc ở vùng Nonsan (tỉnh Nam Chungcheong) sống dưới thời hậu Joseon ở Hàn Quốc đã có một trải nghiệm đáng nhớ trong đời. Nhân dịp được phong chức quan huyện vùng Gongju (tỉnh Nam Chungcheong), người anh chồng đã mời gia đình đi du thuyền ngắm cảnh Baetnori. Chuyện kể rằng, hôm đó là một ngày đẹp trời, đám đàn ông cưỡi ngựa, còn những người phụ nữ trong gia đình thì ngồi kiệu rồi di chuyển tới sông Geum. Trên đường đi, khá nhiều người dân hiếu kỳ kéo tới xem đoàn người ngựa của dòng họ quý tộc. Bỗng dưng cùng lúc được nhiều người quan tâm đến vậy, chắc nàng dâu họ Song có lẽ cảm thấy có chút thẹn thùng, nhưng cũng tự hào không kém. Khi vừa tới bờ sông, cô đã thấy các con thuyền san sát nối đuôi nhau, trên thuyền có các kỹ nữ xinh đẹp và các nhạc công đang tấu nhạc. Lại đúng vào dịp xuân nên trăm hoa đua nở và cây cối cũng bắt đầu um tùm xanh mượt. Nàng dâu họ Song đã ghi lại cảm xúc hân hoan khi đó, rằng:

Thuyền trước thuyền sau bồng bềnh nổi

Như tấu bản nhạc thái bình thời quốc thái dân an

Đoàn kỹ nữ xinh đẹp duyên dáng trong tà áo mới

Ngựa đẹp hùng dũng thẳng tắp hai hàng


Dưới thời kỳ phong kiến ở Hàn Quốc, việc một người phụ nữ được tận mắt chứng kiến những cảnh quan này chẳng khác gì như đang nằm mơ. Đặc biệt, được lên thuyền dạo chơi là khao khát cháy bỏng của người dân Hàn Quốc lúc đương thời. 

Khúc tạp ca của vùng Gyeonggi có tên là Seonyuga (Du thuyền ca), tả cảnh đi chơi du thuyền Baetnori ở Hàn Quốc xưa kia. Khúc hát có đoạn:

Đi nào! Đi nào! Đi chơi nào!

Lên thuyền rẽ sóng đi chơi nào!

Bồng bềnh sóng nước, đi chơi nào, là lá la la…


Xen kẽ giữa những điệp khúc mô tả cảnh chèo thuyền là câu hát về nỗi niềm ly biệt của những người yêu nhau.Đi chơi du thuyền có thể ngồi một mình trên thuyền có người chèo, thong dong thả hồn ngắm cảnh. Nhưng thường thì người đi du thuyền hay đưa theo vài ba nhạc công và kỹ nữ múa hát. Trong bức hội họa Pyeongangamsahyangyeondo (Bình An giám sự hưởng yến đồ) của danh họa Kim Hong-do, hiệu Danwon (Đàn Viên), có phác họa cảnh yến tiệc chào đón vị quan thống lĩnh tỉnh Pyeongan (âm Hán là Bình An, nay thuộc địa phận Bắc Triều Tiên), cũng có cảnh du thuyền trên sông dưới ánh trăng đêm, toát lên sự xa hoa, mỹ lệ đến cực độ về thú du thuyền của giới quyền lực. 


Thuyền trong các khúc ca lao động của bách tính

Do có phát âm gần giống nhau nên nhiều người nhầm lẫn từ Baetnori (Chơi du thuyền) với Baetnorae (Khúc hát mạn thuyền). Baetnori (Chơi du thuyền) là cuộc vui thưởng ngoạn phong lưu dành cho những người giàu có và thảnh thơi. Còn Baetnorae (Khúc hát mạn thuyền) là bài ca lao động được hát khi làm việc. Ví như vùng biển phía Nam Hàn Quốc có khúc hát “Myeolchijabi” (Đánh bắt cá cơm), vùng biển phía Tây Hàn Quốc lại có khúc hát Jogijabi (Đánh bắt cá đù). Năm 1972, Baetnorae (Khúc hát mạn thuyền) đảo Geomun đã được bình chọn là di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Nam Jeolla. Khúc hát mạn thuyền Baetnorae đảo Geomun khá đa dạng, tùy theo loại hình công việc. Ví như người ta hát điệu Sulbisori khi bện thừng dùng trên thuyền, hay điệu Gosasori để cầu nguyện Long vương phù hộ thu hoạch được những mẻ cá lớn trước khi rời bến ra khơi. Vừa chèo thuyền người ngư dân lại vừa hát khúc Notsori, khi kéo lưới lại hò điệu Ollaesori, lúc xúc cá lên sảo họ ca bài Garaesori và khi đưa con thuyền đầy ắp cá về bến thì họ lại hát bài Sseolsori. Thả lưới đánh cá trên những con sóng dữ dội giữa biển khơi là công việc nhọc nhằn, nguy hiểm. Vậy nhưng ngày qua ngày, người ngư dân vẫn cứ cất cao những câu hò tiếng hát cùng nhịp gõ rộn ràng khi đưa được những chuyến đi đầy ắp cá tôm về bến đợi. 


Cá cơm Myeolchi có đặc tính tập trung ở những nơi có ánh sáng, thế nên người dân chài thường đốt đuốc đi đánh bắt cá cơm vào ban đêm. Khi phát hiện ra luồng cá, họ vừa hò hét vừa gõ dùi cui vào mạn thuyền để nhử cá cơm tới. Âm thanh càng lớn, càng dụ được nhiều cá nên dù có mệt đến mấy thì người dân chài cũng vẫn vui như mở cờ vì tận mắt chứng kiến những luồng cá cơm ồ ạt kéo đến. Thời xưa không có hệ thống dự báo thời thiết và mạng cứu hộ cứu nạn trên biển như ngày nay. Dẫu biết rằng giây phút tạm biệt ngắn ngủi rất có thể sẽ trở thành lời chào vĩnh biệt, dù có sợ hãi, run rẩy trước ngàn trùng đại dương thì người dân chài vẫn phải dứt ruột ra đi. Khúc tạp ca Baettaragi (Con tàu rời bến) của tỉnh Pyeongan là câu chuyện của một ngư dân bước chân lên thuyền cá với nỗi lòng tràn ngập lo âu sợ hãi, rồi gặp mưa giông bão tố, con tàu bị sóng biển nhấn chìm, khó khăn lắm người này mới giữ lại được mạng sống và quay về làng sau ba năm phiêu bạt. Vượt qua trăm cay nghìn đắng, người dân chài sống sót quay trở về với quê hương những tưởng mọi sóng gió đã qua, nhưng nhìn gia quyến của những người cùng trên con tàu cá định mệnh đó, thì người sống sót quay về lòng trĩu nặng chẳng khác gì tội nhân. Khi bước chân vào nhà, cha mẹ ông cũng từ bàng hoàng rồi khóc lóc thảm thương mà rằng thôi từ nay có cầm hơi bằng cháo loãng thì cũng cam chứ tuyệt đối không thể để con trai ra khơi đánh cá. Nhưng với người miền biển, lên tàu ra khơi đánh cá là hoạt động sinh nhai thường nhật vì miếng cơm manh áo của cha mẹ, vợ con. Dù khó khăn nguy hiểm đến mấy, họ vẫn đứng mũi chịu xào, ngày ngày đưa thuyền ra khơi đánh cá. 


* Khúc hát Seonyuga (Du thuyền ca) / Lee Hee-mun hát, nhóm nhạc jazz Prelude phụ họa

* Khúc hát chèo thuyền và điệu hò kéo lưới của người dân trên đảo Geomun / Bô lão Jeong Gyeong-yong, nhóm phụ họa 

* Khúc tạp ca Baettaragi (Con tàu rời bến) của tỉnh Pyeongan / Kim Mu-bin 

Lựa chọn của ban biên tập